Ảnh minh họa.
Hai năm gần đây, trên cả nước đã xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc tập thể mà kết quả xác minh đã chỉ ra là do bánh mì đường phố bị nhiễm khuẩn. Năm 2023, bánh mì bị nhiễm khuẩn bán tại một tiệm bánh nổi tiếng ở Hội An (Quảng Nam) đã khiến hơn 300 thực khách nhập viện.
Tại Long Khánh (Đồng Nai), đầu tháng 5/2024, sau khi ăn bánh mì tại tiệm bánh mì trên đường phố, 547 người bị tiêu chảy, nôn ói, sốt, đau bụng... phải nhập viện theo dõi, điều trị. Trong vụ ngộ độc này, một trẻ 5 tuổi đã tử vong. Đa phần các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân, mẫu nguyên liệu thực phẩm lấy từ tiệm bánh mì đều bị nhiễm vi khuẩn Salmonella; E.coli và một số vi khuẩn khác.
Chỉ 3 tháng sau đó, đầu tháng 8/2024, tại một tiệm bánh mì tại TP Hồng Ngự (Đồng Tháp), là một trong chuỗi tiệm bánh mì được quảng cáo “có hơn 100 cơ sở ở miền Tây”, có 149 người cũng nhập viện sau khi thưởng thức bánh mì. Kết luận của cơ quan chức năng khẳng định “vi khuẩn Salmonella có trong pate gan gây ngộ độc cho người ăn bánh mì thịt”.
Và tới nay, gần 380 người tiếp tục là nạn nhân của bánh mì bẩn tại Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), trong đó 1 người đã qua đời. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh khẳng định kết quả xét nghiệm cho thấy “thịt heo luộc, pate heo, chả lụa, nước sốt thịt heo và rau sống ăn kèm phát hiện có nhiễm vi khuẩn Salmonella”.
Theo cảnh báo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hầu hết các vụ ngộ độc thức ăn tập thể tại quán ăn, cửa hàng đều xuất phát từ nguyên nhân lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, quá trình chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau chế biến, khiến thực phẩm bị nhiễm độc, thực phẩm không bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, do bảo quản thực phẩm không đúng cách nên làm lây nhiễm chéo giữa các loại thực phẩm… Trả lời báo chí, một cán bộ Phòng Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế TP HCM) cho hay: “Không môi trường nào vi khuẩn sinh trưởng nhanh như pate. Trong phòng xét nghiệm, pate được dùng để cấy nuôi vi khuẩn. Vì thế, nếu quá trình chế biến, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, lúc bán để quá lâu, không được che đậy thì vi khuẩn có thể phát triển”.
Tất nhiên, không thể kêu gọi mọi người hạn chế sử dụng thức ăn đường phố vì đây là món “khoái khẩu”, phù hợp nhiều người. Nhưng với người bán, cần tuyệt đối ghi nhớ và tuân thủ những kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm trên, để tránh gây hậu họa cho xã hội. Thiết nghĩ, đã đến lúc cần tăng mức chế tài, tăng mức tiền xử phạt hành chính với những người bán đồ ăn bẩn; và cần truy xét sâu xa hơn nữa, xác định rõ ràng thức ăn nhiễm khuẩn có nguồn gốc từ đâu, có phải là động vật chết bệnh, nguyên liệu ôi thiu hay không? Phải làm kiên quyết những vấn đề này, thì ý thức người bán hàng ăn mới tăng cao, mới giải quyết được rốt ráo tận gốc vấn đề.
Huỳnh Ngọc Hiếu