Quan hệ cá nhân Trump – Putin và đàm phán về Ukraine
Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể chưa đạt được tiến triển đáng kể trong việc chấm dứt xung đột ở Ukraine, nhưng nó xác nhận một điều: hai nhà lãnh đạo đã duy trì được mối quan hệ thân thiết. Tuy nhiên, một câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ: Mối quan hệ nồng ấm này thực sự mang lại điều gì cho giới lãnh đạo ở Điện Kremlin và Nhà Trắng?
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
“Giọng điệu và tinh thần của cuộc trò chuyện rất tuyệt vời", ông Trump nhận xét về người đồng cấp Nga sau cuộc nói chuyện kéo dài 2 tiếng hôm 19/5, đồng thời gọi ông Putin là một “người đàn ông dễ mến”. Về phía Nga, Cố vấn Yuri Ushakov cho biết, ông Trump và ông Putin đã gọi nhau bằng tên riêng và “không ai trong hai người muốn kết thúc cuộc trò chuyện”.
Đầu năm nay, Tổng thống Putin đã cho vẽ một bức chân dung của người đồng cấp Mỹ và gửi tặng ông Trump. Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông - ông Steve Witkoff tiết lộ hồi tháng 3 rằng Tổng thống “rõ ràng đã xúc động” trước món quà mà ông gọi là một bức chân dung “tuyệt đẹp”.
Tổng thống Trump không chỉ muốn kết thúc cuộc xung đột ở Ukraine mà ông còn công khai bày tỏ mong muốn đạt được những thỏa thuận làm ăn béo bở với Nga nếu nước này được quay trở lại hệ thống tài chính quốc tế.
Hồi tháng 4, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social rằng ông “hy vọng Nga và Ukraine sẽ đạt được thỏa thuận trong tuần này”, đồng thời cho rằng “sau đó, cả hai sẽ bắt đầu làm ăn lớn với Mỹ".
Tuy nhiên, trước khi điều đó có thể xảy ra, ông Trump và đội ngũ của ông đã gợi ý rằng họ muốn xung đột kết thúc – một mục tiêu chính trị rõ ràng mà nhà lãnh đạo Mỹ từng cam kết trong chiến dịch tranh cử rằng ông chỉ cần 24 giờ để đạt được, dù sau đó ông nói với tạp chí Time rằng đó là “một sự phóng đại”.
Cuộc điện đàm với ông Putin dường như chưa đưa mục tiêu đó đến gần hiện thực, khi khoảng cách giữa đề xuất ngừng bắn 30 ngày của Ukraine và các yêu cầu tối đa của Nga vẫn còn quá xa vời.
Không chỉ toàn mật ngọt
Mối quan hệ giữa lãnh đạo hai nước từng là đối thủ thời Chiến tranh Lạnh không hẳn toàn là “mật ngọt”. Tổng thống Trump đã bày tỏ sự thất vọng với người đồng cấp Nga vì vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào các thành phố của Ukraine, trong khi các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến sự vẫn đang diễn ra.
Ngoại trưởng Marco Rubio cũng khẳng định Nhà Trắng không yêu cầu Thượng viện trì hoãn dự luật áp thuế 500% đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia mua dầu khí và các sản phẩm khác từ Nga. Tuy vậy, theo ông Mark Galeotti - Giám đốc tổ chức tư vấn Mayak Intelligence của Anh, điều mà mối quan hệ cá nhân giữa ông Putin và ông Trump mang lại là thời gian.
Tổng thống Putin cho thấy ông sẽ không chấp nhận bất kỳ lệnh ngừng bắn nào nếu các mục tiêu tối đa không được đáp ứng. Hiện tại, các lực lượng Nga vẫn đang tiến công chậm mà chắc trên chiến trường miền Đông Ukraine, Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington cho hay.
Vì vậy, trong bối cảnh các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc, ông Galeotti nhận định, Tổng thống Putin sẽ sẵn sàng kéo dài thời gian ra quyết định, cả về việc Mỹ tiếp tục hỗ trợ Ukraine lẫn về các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.
“Mỗi tuần đều có ý nghĩa” trong thời điểm “đặc biệt then chốt” này, ông Galeotti nhấn mạnh. Nếu cuộc gọi với ông Trump khiến các quyết định bị trì hoãn, thì “tôi nghĩ Tổng thống Putin sẽ coi đó là một thành công".
Cũng giống như sự mơ hồ về cách chấm dứt cuộc xung đột, cuộc điện đàm không làm sáng tỏ liệu ông Trump và ông Putin có gặp nhau trực tiếp hay không, điều cả hai từng gợi ý là có thể xảy ra. Theo nhà phân tích Galeotti, nếu cuộc gặp trực tiếp thực sự diễn ra, ông Putin sẽ khó có thể từ chối nhượng bộ điều gì đó cho ông Trump.
Nga đang “cố tránh đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào vì họ là những nhà đàm phán vô cùng cứng rắn. Nhưng nếu họ gặp mặt trực tiếp thì ông Trump sẽ cần mang về điều gì đó", nhà phân tích này đánh giá.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, ông và ông Putin đã gặp nhau nhiều lần mà không có bất kỳ nhân viên cấp cao nào đi cùng - một điều hiếm thấy và đi ngược với thông lệ ngoại giao thông thường. Tuy nhiên, chính phủ Nga cuối cùng kết luận rằng dù ông Trump có thiện chí cá nhân, thì chính quyền của ông lại không thân thiện: Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt và rút khỏi một hiệp ước hạt nhân mà Washington cho rằng Nga đã vi phạm.
Hiện tại, nhiệm kỳ thứ hai của Trump có vẻ sẽ lặp lại kịch bản cũ.
Khi được hỏi về khả năng tổ chức các cuộc gặp ngoại giao trực tiếp với Tổng thống Putin trong tương lai, ông Trump trả lời: “Chúng tôi phải gặp nhau. Ông ấy và tôi sẽ gặp nhau. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ giải quyết được, hoặc cũng có thể không".
Nỗi thất vọng của châu Âu
Mười một ngày trước, các nhà lãnh đạo châu Âu từng dấy lên hy vọng khi Tổng thống Trump kêu gọi lệnh ngừng bắn 30 ngày tại Ukraine và đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Nhưng cuộc điện đàm với Tổng thống Putin hôm 19/5 đã cho thấy những hy vọng đó là sai lầm.
Sau 2 giờ trò chuyện với ông Putin, ông Trump đăng trên mạng xã hội rằng Ukraine và Nga sẽ “ngay lập tức bắt đầu đàm phán” hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn nhưng có thể là không có sự tham gia của Mỹ. Không có lời đe dọa trừng phạt, không có yêu cầu về mốc thời gian cụ thể và cũng không có áp lực nào lên nhà lãnh đạo Nga.
Ngay sau cuộc gọi với ông Putin, Tổng thống Trump tiếp tục liên lạc với các nhà lãnh đạo châu Âu, nhưng một số chính phủ đã bắt đầu bày tỏ sự thất vọng. Sau nhiều tháng nỗ lực bất thành trong việc thuyết phục ông Putin tiến gần hơn đến hòa bình, các nước lo ngại ông Trump đang rút lui khỏi vai trò trung gian chấm dứt xung đột, để Ukraine và các đồng minh phải đơn độc đối mặt.
Một quan chức châu Âu giấu tên tiết lộ rằng các nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại Tổng thống Trump đang dần tách khỏi nỗ lực ngoại giao. Một quan chức khác cho biết ông Trump đã tỏ rõ quan điểm rằng ông không muốn áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt ở thời điểm hiện tại và dường như đang rút lui khỏi chính đề xuất ngừng bắn mà ông từng đưa ra. Quan chức này cũng cho biết các lãnh đạo ở Kiev và một số nước châu Âu phản đối kế hoạch để Nga và Ukraine đàm phán trực tiếp.
Một quan chức châu Âu khác, người nắm rõ nội dung các cuộc thảo luận ngày 19/5 nhận định rằng, việc ông Trump để Moscow và Kiev đàm phán trực tiếp về khuôn khổ đàm phán trước khi có lệnh ngừng bắn thực chất là giúp ông Putin kéo dài thời gian. Tuần trước tại Istanbul, các nhà đàm phán Nga đã đưa ra các mục tiêu tối đa, bao gồm cả việc quốc tế công nhận quyền kiểm soát của Moscow đối với 4 vùng lãnh thổ ở Ukraine mà quân đội Nga chưa hoàn toàn kiểm soát cùng với những giới hạn đối với năng lực quân sự của Kiev.
“Hiện tại, chúng ta như đã quay lại kịch bản kéo dài hơn rất nhiều, nơi mà ông Putin đang cố giành thêm thời gian cho chính mình và quân đội của nước này", bà Kristine Berzina, Giám đốc chương trình Chiến lược Địa chính trị Bắc Âu của Quỹ Marshall Đức tại Washington nhận định.
Theo bà: “Tổng thống Putin đã có thêm cơ hội, còn lệnh ngừng bắn và một giải pháp hòa bình thì ngày càng xa vời".
Tương lai mơ hồ
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nhấn mạnh việc không có thời hạn cụ thể cho thỏa thuận ngừng bắn.
“Không có hạn chót và cũng không thể có hạn chót nào. Ai cũng muốn thực hiện càng sớm càng tốt nhưng vấn đề nằm ở chi tiết", Tass dẫn lời ông Peskov cho hay.
Tình hình càng trở nên khó đoán hơn khi ông Trump cho biết sau đó rằng Mỹ không rút khỏi cuộc xung đột, nhưng ông đang cân nhắc điều đó và rằng tồn tại một “ranh giới nhất định” mà tại đó, ông sẽ rút lui hoàn toàn. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng không loại trừ khả năng áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với Nga hoặc cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine, nhưng thể hiện rõ rằng ông không nghiêng về hai lựa chọn này.
“Tôi nghĩ điều gì đó sẽ xảy ra, còn nếu không, tôi sẽ rút lui và họ sẽ phải tự xoay xở. Đây là vấn đề của châu Âu. Lẽ ra nên là vấn đề của riêng châu Âu", ông Trump cho hay.
Theo các nhà phân tích kinh tế trên Bloomberg, mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 19/5 là "tuyệt vời" nhưng cuộc gọi dường như không mang lại bất kỳ đột phá rõ ràng nào liên quan đến Ukraine.
Kết quả mơ hồ của cuộc điện đàm càng làm gia tăng những thách thức chính trị cho ông Trump. Ông đã vận động tranh cử với cam kết nhanh chóng mang lại hòa bình cho châu Âu và Trung Đông, đồng thời tái cơ cấu và phục hồi nền kinh tế Mỹ thông qua chính sách thuế quan. Thế nhưng, cả hai nỗ lực đang bị mắc kẹt trong thực tế hỗn loạn và khó lường của địa chính trị và thương mại toàn cầu.
Phát ngôn của ông Trump hôm 19/5 cho thấy thái độ mập mờ hơn về xung đột Ukraine cũng như vai trò của ông trong việc chấm dứt cuộc xung đột, trái ngược với phát biểu chỉ một tuần trước, khi ông tuyên bố với báo giới rằng “sẽ không có gì xảy ra cho đến khi tôi và ông Putin gặp mặt".
Ông từng nói rằng Mỹ “cam kết bảo đảm hòa bình giữa Nga và Ukraine” và thậm chí còn gợi ý sẵn sàng đi vòng sang Istanbul để gặp ông Putin trong chuyến công du Trung Đông. Tuy nhiên, phía Nga chỉ cử một phái đoàn cấp thấp đến Thổ Nhĩ Kỳ, còn ông Trump thì không xuất hiện. Tại cuộc gặp, các quan chức Nga và Ukraine đồng ý trao đổi mỗi bên 1.000 tù binh, nhưng không đạt được tiến triển nào khác trong lần đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ khi xung đột nổ ra.
“Về mặt ngôn từ, Nga thể hiện sự cởi mở với đàm phán và hoan nghênh công khai các nỗ lực từ Mỹ để tránh gây mâu thuẫn với Washington. Nhưng trên thực tế, Moscow vẫn kiên định với lập trường ban đầu”, bà Maria Snegovaya, chuyên gia cấp cao về Nga và khu vực Á - Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho hay.
Kiều Anh/VOV.VN Theo: NBC News, Bloomberg