Mỗi thầy thuốc cần luôn giữ lửa nghề để bước vào kỷ nguyên mới

Mỗi thầy thuốc cần luôn giữ lửa nghề để bước vào kỷ nguyên mới
4 giờ trướcBài gốc
Từ xưa, Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác, vị danh y mẫu mực của nước ta từng khuyên dạy: “Làm người thầy thuốc mà không hằng tâm giúp người, chỉ chăm chăm kể lợi tính công, lấy của hại người thì khác gì giặc cướp”. Ông còn chỉ ra các tật xấu, mà nếu người thầy thuốc vấp phải thì sẽ bị quy thành tội: Ngại mưa gió mà không đi chữa bệnh, sợ người bệnh không đủ tiền trả mà không chữa bệnh, thấy chứng bệnh dễ chữa mà nói khó để xoay tiền, thấy chứng khó mà không quyết chữa, y học còn non mà đi chữa bệnh, không chữa bệnh vì tư thù,... Nếu là người thầy thuốc mà vấp phải những tật ấy thì không xứng đáng làm thầy thuốc. Do vậy, đòi hỏi phải có “đạo đức nghề nghiệp”, lương tâm, trách nhiệm của người làm nghề.
Ngay từ những năm đầu sau khi nước ta giành được độc lập, trong thư gửi Hội nghị Quân y, tháng 3/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”. Khi gặp một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, người thầy thuốc nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động cảm hóa họ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên dạy bảo: Ông cha ta, ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc Bắc. Theo Người, ngành Y tế cũng như các thầy thuốc Việt Nam phải chú trọng kết hợp Đông, Tây y và hết lòng yêu thương, chăm sóc người bệnh. Đồng thời, Người chỉ dạy đội ngũ cán bộ (CB), nhân viên ngành Y tế không chỉ cần sự say mê nghề nghiệp mà còn phải luôn tích cực trau dồi kiến thức để nâng cao năng lực chuyên môn và kiến thức toàn diện nhằm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của Nhân dân.
Trong thư gửi Hội nghị CB y tế toàn quốc nǎm 1953, Hồ Chí Minh cǎn dặn CB y tế cần phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt. Cần phải tận tâm, tận lực phụng sự Nhân dân “Lương y phải kiêm từ mẫu”. Người viết: “Sức khỏe của CB và Nhân dân được bảo đảm thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công. Nhiệm vụ ấy có hai phần: Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh…”(*). Điểm cốt lõi trong tư tưởng y đức của Hồ Chí Minh là người thầy thuốc phải hội tụ đầy đủ các đức tính tốt đẹp như dịu dàng, tận tình, chu đáo, chịu khó, chịu khổ, sẵn sàng hy sinh để làm tròn phận sự cứu người.
Cùng với tư tưởng về y đức, Hồ Chí Minh viết trong thư gửi Hội nghị CB y tế tháng 02/1955: “CB cần phải thương yêu, sǎn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng”. Theo Hồ Chí Minh, một trong những đặc điểm của các thầy thuốc là “phải có chí chịu khó, chịu khổ, phải giàu lòng bác ái, hy sinh”.
70 năm qua, thấm nhuần lời dạy sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ CB, bác sĩ, nhân viên y tế luôn nỗ lực, phấn đấu không ngừng, vượt qua nhiều gian khó, hết lòng, hết sức cho sứ mệnh cao quý “chữa bệnh, cứu người”; là lực lượng nòng cốt, chủ lực trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân.
Tư tưởng “Lương y phải như từ mẫu”, nghĩa là “Thầy thuốc như mẹ hiền” được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên và khẳng định nhiều lần ngay trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đó chính là đạo đức của người cách mạng, là gốc của CB, nhân viên ngành Y tế. Từ đó đến nay, ngành Y tế Việt Nam, những chiến sĩ áo trắng nhất quán trong việc học tập, vận dụng lời căn dặn của Người. Bao tấm gương đẹp, tận tụy, hết lòng, hết sức phục vụ người bệnh nở rộ trong sự nghiệp chǎm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân như Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Đặng Vǎn Ngữ,... đều thấm nhuần và làm theo lời dạy của Người về y đức. Những tấm gương sáng, việc tốt của ngành Y tế đã lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân lên niềm tin vào điều thiện, điều tốt đẹp luôn hiển hiện quanh ta. Mỗi người thêm trân trọng và yêu quý hơn những người thầy thuốc, cảm nhận sâu sắc hơn về những thành tựu, những gian khó, hy sinh của những y, bác sĩ trong hành trình chiến đấu, trị bệnh, cứu người đã trở thành biểu tượng về sự dấn thân và lòng nhân ái.
Bước vào thời kỳ hội nhập, tư tưởng về y đức của Người mãi mãi là “pháp bảo” soi sáng và chắp cánh cho đội ngũ CB y tế nước ta nắm vững vận hội, vượt qua khó khăn, thách thức, sớm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Để tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng ngành Y tế và đạo đức của người thầy thuốc, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, thường xuyên nâng cao đạo đức cách mạng của người thầy thuốc, làm tốt công tác giáo dục nâng cao đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp của các y, bác sĩ, nhân viên nhằm bảo đảm sự thống nhất giữa nâng cao ý thức và hành vi y đức của đội ngũ y tế.
Thứ hai, các cấp ủy, tổ chức Đảng ngành Y tế cần làm tốt công tác quy hoạch, quản lý, đào tạo, sử dụng CB; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người thầy thuốc, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, phấn đấu “vừa hồng, vừa chuyên”.
Thứ ba, mỗi thầy thuốc cần luôn giữ lửa nghề, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; luôn chủ động, tìm tòi, nghiên cứu, tiếp nhận cái mới, làm chủ khoa học - kỹ thuật cao, chuyên sâu, hiện đại vào hoạt động khám, chữa bệnh. Chú trọng sự tiếp nối giữa các thế hệ, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trẻ kế cận cho ngành Y tế.
Thứ tư, rèn luyện y đức, vững vàng bản lĩnh chính trị, đấu tranh với những cám dỗ và đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động khám, chữa bệnh để bảo vệ sự trong sáng, giữ gìn hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc Việt Nam.
Thứ năm, hoàn thiện chính sách, pháp luật phù hợp; thiết lập môi trường làm việc chuyên nghiệp, trong sạch, lành mạnh để đội ngũ y, bác sĩ hành nghề; bảo vệ, khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung, góp phần giải quyết những vấn đề về sức khỏe, mang lại hiệu quả xã hội và ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Thứ sáu, xây dựng nền y tế Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng; là y tế nhân dân, nhân đạo, nhân bản, nhân tâm, tất cả vì sức khỏe con người nhằm đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.
Nguyễn Thanh Hoàng
---------------------------------------
(*) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995
Nguồn Long An : https://baolongan.vn/moi-thay-thuoc-can-luon-giu-lua-nghe-de-buoc-vao-ky-nguyen-moi-a190859.html