Môi trường làm việc Gen Z đang tìm kiếm

Môi trường làm việc Gen Z đang tìm kiếm
một ngày trướcBài gốc
Gen Z, nhóm nhân khẩu học sinh từ 1997 đến 2012, được Mccrindle dự đoán sẽ chiếm đến 27% lực lượng lao động trong năm 2025. Lớn lên cùng sự phát triển của công nghệ và các nền tảng truyền thông xã hội, gen Z không chỉ là một thế hệ đa dạng về cá tính mà còn sở hữu nhận thức mạnh mẽ về các vấn đề xã hội và kỳ vọng cao về môi trường làm việc, từ sự linh hoạt đến chú trọng sức khỏe tinh thần.
Kỳ vọng của gen Z về nơi làm việc hạnh phúc
Bắt đầu một ngày mới đầy năng lượng, Thùy Anh, một nhân viên nhân sự trẻ tại Funtap đến văn phòng lúc 9h sáng – một lựa chọn linh hoạt giờ làm do công ty cung cấp, cho phép nhân viên tự chọn giờ vào làm, phù hợp với phong cách làm việc của nhiều người trẻ. Sau khi ngồi xuống bàn làm việc, Thùy Anh nhanh chóng kiểm tra email và lên kế hoạch cho các buổi phỏng vấn tuyển dụng trong ngày, chuẩn bị những câu hỏi để tìm kiếm các ứng viên phù hợp nhất với văn hóa công ty.
Giữa buổi sáng, Thùy Anh tham gia vào buổi họp để triển khai dự án "Mỗi ngày đi làm là một ngày vui" mà phòng nhân sự đang phát triển. Đây là một sáng kiến nhằm tạo ra môi trường làm việc tích cực, với mục tiêu không chỉ giúp nhân viên cảm thấy thoải mái mà còn thúc đẩy hiệu suất công việc. Thùy Anh và các đồng nghiệp lên kế hoạch cho các hoạt động truyền thông nội bộ, mở thêm các khóa học kỹ năng và xây dựng lộ trình phát triển rõ ràng cho từng nhân viên, giúp họ nhìn thấy tương lai của mình tại công ty.
“Làm việc trong lĩnh vực nhân sự, mình luôn muốn tạo ra một môi trường mà ở đó, mọi người có thể phát huy tối đa khả năng của bản thân”, Thùy Anh hào hứng chia sẻ.
Không chỉ riêng Thùy Anh, mà theo các báo cáo uy tín của Deloitte, gen Z còn rất coi trọng lộ trình phát triển sự nghiệp rõ ràng và cơ hội thăng tiến. Hoàng Linh – một giáo viên trung học tại Hà Nội – đang tìm kiếm công việc phù hợp với chuyên môn và mang đến cơ hội phát triển rõ ràng, nhằm đạt được sự công nhận và thành tựu lâu dài trong sự nghiệp.
Tương tự, nhiều báo cáo trong và ngoài nước cũng chỉ ra rằng thế hệ này không chỉ ưu tiên mức lương mà còn mong muốn được mở rộng kỹ năng và trải nghiệm trong một môi trường làm việc sáng tạo và đa dạng. Điều này phản ánh tư duy của gen Z về nhu cầu không ngừng học hỏi, phát triển bản thân từ những trải nghiệm mới mẻ trong công việc, tìm kiếm một lộ trình sự nghiệp bền vững và ý nghĩa thay vì bị bó buộc trong một vai trò cố định.
Đến giờ trưa, Thùy Anh và các đồng nghiệp cùng xuống nhà ăn để thưởng thức bữa trưa miễn phí do công ty cung cấp. Buổi chiều, sau khi hoàn thành một số công việc chuyên môn, Thùy Anh cùng với đồng nghiệp khám phá ngay phiên bản game mới nhất tại văn phòng. Là công ty trong lĩnh vực công nghệ và game, Funtap tạo điều kiện để nhân viên có thể giải trí và thư giãn, giúp các bộ phận gắn kết và sáng tạo hơn.
“Làm ở công ty game có cái hay là khi làm xong có thể cùng đồng nghiệp chơi game để thư giãn, mà chơi cũng là một phần công việc nữa”, Thùy Anh cho biết.
Hết giờ làm, Thùy Anh tham gia vào lớp yoga mà công ty tổ chức ngay tại văn phòng. Phúc lợi này không chỉ là cách để nhân viên gen Z giải tỏa áp lực trong công việc, mà còn thể hiện sự quan tâm của công ty đến sức khỏe tinh thần và thể chất, điều mà Thùy Anh cảm thấy vô cùng giá trị.
Kết thúc một ngày làm việc, Thùy Anh cảm thấy thoải mái và hài lòng vì đã có thể cân bằng được cả công việc và sở thích cá nhân. Sự đa nhiệm và linh hoạt trong phong cách làm việc là điểm mạnh của Thùy Anh – một đại diện cho tinh thần của gen Z, những người không ngại thử thách, sẵn sàng sáng tạo và luôn tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Thực tế, nhiều nghiên cứu và khảo sát đã được thực hiện cho thấy một trong những ưu tiên của gen Z trong công việc chính là sức khỏe tinh thần và sự cân bằng giữa công việc - cuộc sống. Theo nghiên cứu của McKinsey, 93% gen Z cho rằng sức khỏe tinh thần là một ưu tiên quan trọng trong môi trường làm việc. Một số báo cáo gần đây cho thấy rằng gen Z không chỉ quan tâm đến lương thưởng mà còn ưu tiên các phúc lợi tinh thần tại nơi làm việc.
Còn một khảo sát từ Intellect, gen Z mong muốn nơi làm việc đề cao phúc lợi tinh thần thay vì chỉ tập trung vào lương thưởng. Những yếu tố như thời gian nghỉ vì sức khỏe tinh thần, linh hoạt trong công việc, và môi trường làm việc hỗ trợ cảm xúc trở thành yếu tố quyết định khi chọn công việc. Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra rằng gen Z có xu hướng ưu tiên các công ty chú trọng sức khỏe tâm lý hơn là công việc thuần túy chỉ có mức lương cao mà không có các phúc lợi tinh thần.
Điều này phản ánh một tư duy mới về việc "làm việc để sống" thay vì "sống để làm việc" và nhấn mạnh sự mong đợi của gen Z về một môi trường làm việc có thể giúp họ đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Ngày nay, trong bối cảnh các doanh nghiệp tiên phong đang ngày càng coi trọng việc nâng cao mức độ hạnh phúc của nhân viên, sự linh hoạt trong môi trường làm việc đã trở thành một lợi thế cạnh tranh quan trọng. Nhiều công ty đang ứng dụng công nghệ mới và tạo môi trường làm việc linh hoạt, không chỉ để thu hút và giữ chân nhân tài mà còn tạo ra giá trị bền vững trên thị trường. Điều này cũng phản ánh rõ nét mong muốn của gen Z về một môi trường làm việc linh hoạt và chú trọng phúc lợi tinh thần, giúp họ không chỉ làm việc mà còn phát triển toàn diện và cân bằng cuộc sống cá nhân.
Khánh Linh, một chuyên viên phân tích kinh doanh, ưa chuộng làm việc tại các không gian mở, không nhất thiết phải là văn phòng, như quán cà phê, thư viện hoặc thậm chí làm việc tại nhà, miễn là đảm bảo hiệu quả công việc. Thời gian cũng linh hoạt bằng cách chia nhỏ các đầu việc và xen kẽ nghỉ ngơi ngắn để luôn giữ sự tập trung, thay vì ngồi lỳ 8 tiếng như kiểu truyền thống.
Nhiều công ty hiện đại đang ứng dụng công nghệ và xây dựng môi trường linh hoạt để thu hút nhân tài, đồng thời đáp ứng mong muốn của gen Z về phúc lợi tinh thần và cân bằng cuộc sống.
“Môi trường làm việc đối với gen Z không chỉ đơn thuần là nơi để hoàn thành công việc mà còn phải tạo ra những trải nghiệm nhân sự tích cực”, Hoàng Quốc Phương, một chuyên viên tuyển dụng, nhận định.
Yếu tố linh hoạt và khả năng làm việc từ xa đặc biệt quan trọng đối với thế hệ này, giúp họ cân bằng công việc và cuộc sống cá nhân, đồng thời tận dụng ưu thế lớn lên trong thời đại số. Khác với phong cách gắn bó văn phòng của các thế hệ trước, gen Z đánh giá cao một không gian mở để phát triển, sáng tạo và sử dụng hiệu quả các công cụ công nghệ mới. Điều này cũng khớp với báo cáo của Deloitte 2023, khi có đến 60% gen Z bày tỏ mong muốn về môi trường làm việc linh hoạt, bao gồm lựa chọn làm việc từ xa hoặc kết hợp – những yếu tố quyết định trong việc lựa chọn một nơi làm việc lý tưởng đối với họ.
Có thể thấy rằng mong muốn về môi trường làm việc hạnh phúc của gen Z không chỉ dừng lại ở mức lương ổn định mà còn bao gồm nhiều yếu tố khác như tính linh hoạt, cân bằng công việc – cuộc sống và sự phát triển nghề nghiệp.
Họ đánh giá cao các công ty có văn hóa hỗ trợ sức khỏe tinh thần, đồng thời tạo điều kiện cho sự linh hoạt về thời gian và địa điểm làm việc. Gen Z cũng không ngại đón nhận các sáng kiến mới và sẵn sàng tận dụng công nghệ để làm việc hiệu quả hơn. Thêm vào đó, thế hệ này mong muốn có lộ trình phát triển rõ ràng và môi trường sáng tạo để liên tục học hỏi và khẳng định năng lực.
Nhìn chung, thế hệ Z mang đến làn sóng mới trong lực lượng lao động với những kỳ vọng cao về môi trường làm việc. Từ sự linh hoạt, sức khỏe tinh thần đến nhu cầu phát triển cá nhân, những mong muốn này là cơ hội và cũng là thách thức để doanh nghiệp đổi mới và thu hút các nhân sự trẻ trung, sáng tạo và đầy nhiệt huyết.
Chuyên đề: Quản trị nhân sự Gen Z – Thách thức và cơ hội
Gen Z đang dần trở thành lực lượng lao động chủ chốt với những đặc điểm và kỳ vọng khác biệt. Tuy nhiên, chính sự khác biệt về thế hệ cũng khiến các doanh nghiệp đối mặt với bài toán khó trong việc duy trì sự gắn kết và tối ưu hóa hiệu quả công việc.
Chuyên đề này sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về những xu hướng, phương pháp và kinh nghiệm từ các nhà quản trị hàng đầu trong việc thu hút, phát triển và giữ chân nhân sự Gen Z. Từ việc hiểu rõ nhu cầu và động lực của thế hệ này đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp phù hợp, các bài viết sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ thích ứng mà còn biến thế hệ mới thành động lực thúc đẩy cho phát triển bền vững.
Chúng tôi hy vọng chuyên đề sẽ mang lại cái nhìn toàn diện và hữu ích để tối ưu hóa quản trị nhân sự Gen Z, từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững và sáng tạo của doanh nghiệp.
Bài 1: Phá bỏ định kiến, sẵn sàng đón gen Z
Bài 2: Thấu hiểu gen Z: Chìa khóa quản trị hiệu quả nhân sự thế hệ mới
Bài 3: Gen Z mong đợi gì ở nơi làm việc?
Bài 4: Áp lực bủa vây gen Z: Doanh nghiệp cần làm gì để giải tỏa?
Bài 5: Talentnet bày cách tối đa hóa sức mạnh gen Z trong môi trường đa thế hệ
Bài 6: Cách DKSH hóa giải thách thức quản trị nhân sự đa thế hệ
Bài 7: Chiến lược trẻ hóa đội ngũ ở PNJ
Bài 8: Tạo động lực cho gen Z: Đừng để phản tác dụng
Bài 9: Đập tan định kiến: Bản lĩnh lãnh đạo gen Z ở Nabu Global
Bài 10: Làm việc tự do: Hạnh phúc có bền lâu?
Bài 11: Gen Z chân trong chân ngoài: Làm thế nào để quản trị hiệu quả?
Vân Anh
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/moi-truong-lam-viec-gen-z-dang-tim-kiem-d37782.html