Qua kiểm tra một số vụ vi phạm, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ ra những tồn tại, đề nghị các địa phương quyết liệt, mạnh tay hơn nữa trong xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.
Phát sinh vi phạm từ ngày 16-10 nhưng đến ngày 26-11, công trình xây dựng phía mái trong sông Nhuệ tại xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) chưa được giải tỏa.
Phát sinh 248 vụ vi phạm
Sông Nhuệ là công trình thủy lợi đặc biệt quan trọng của thành phố Hà Nội, làm nhiệm vụ dẫn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Quan sát tuyến sông này trong ngày 26-11, phóng viên Báo Hànôịmới nhận thấy, đoạn qua xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), xuất hiện móng nhà mới xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi rộng khoảng 160m2. Đoạn chùa Khúc Thủy (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) tồn tại vụ việc đóng cọc tre, đổ phế thải xây dựng với quy mô khoảng 150m2 và đoạn qua xã Hòa Bình (huyện Thường Tín) có nhiều nhà xưởng “mọc” trong lòng sông...
Không riêng sông Nhuệ, nhiều công trình thủy lợi quan trọng khác của thành phố Hà Nội, như: Kênh Vân Đình (đoạn thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa), kênh tiêu Liên Phương (đoạn xã Liên Phương, huyện Thường Tín), kênh Cầu Bây (đoạn xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm), hồ Đồng Đò (đoạn xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn)... cũng bị xâm hại bằng các hành vi đào đất, xây móng, đóng cọc tre. Cán bộ các công ty thủy lợi thành phố Hà Nội khẳng định, những công trình, hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn gây mất an toàn, giảm công năng hệ thống thủy lợi.
Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, trong 10 tháng của năm 2024, các địa phương để phát sinh 248 vụ vi phạm nhưng mới chỉ xử lý dứt điểm 72 vụ, còn tồn đọng 176 vụ vi phạm. Sở NN&PTNT Hà Nội đã ban hành hướng dẫn về trình tự, nghiệp vụ xác định hành vi vi phạm hành chính phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; ban hành 85 lượt văn bản đề nghị, đôn đốc các công ty thủy lợi và UBND cấp huyện tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn phát sinh, xử lý dứt điểm số vụ vi phạm pháp luật thủy lợi...
Chưa quyết liệt vào cuộc xử lý
Do không có chức năng xử lý nên khi phát hiện vi phạm, các doanh nghiệp thủy lợi đã lập biên bản và gửi hồ sơ đến cấp xã, huyện xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, do chính quyền cơ sở chưa quyết liệt vào cuộc, chỉ đạo xử lý nên số vụ vi phạm tồn đọng còn lớn...
Đơn cử như vụ việc ở xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), chiều 16-10, công nhân Xí nghiệp Thủy lợi Hà Đông kiểm tra, phát hiện, lập biên bản và yêu cầu một hộ dân dừng hành vi vi phạm, tự giải tỏa công trình xây dựng phía mái trong sông Nhuệ trước ngày 20-10. Sáng 17-10, Xí nghiệp Thủy lợi Hà Đông bàn giao cho UBND xã Tả Thanh Oai hồ sơ; trong đó có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai áp dụng ngay biện pháp ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm và thực hiện trình tự xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ dân này. Vì xã chưa xử lý theo quy định, ngày 22-10, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ có văn bản đề nghị UBND huyện Thanh Trì chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ việc. Do vi phạm chưa được xử lý nên ngày 28-10, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ báo cáo Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị UBND huyện Thanh Trì xử lý dứt điểm vụ việc... Dù đã hơn 40 ngày trôi qua, song đến nay, công trình xây dựng phía mái trong sông Nhuệ này vẫn chưa bị giải tỏa.
Để làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, địa phương, Sở NN&PTNT Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra các vụ việc vi phạm pháp luật thủy lợi chưa xử lý dứt điểm trên địa bàn xã Kim Hoa (huyện Mê Linh), xã Thụy An (huyện Ba Vì), xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ)... Sau khi kiểm tra hiện trường công trình và hồ sơ xử lý vi phạm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Đào Quang Khải cho biết, các công ty thủy lợi thành phố đã làm đúng hướng dẫn của Sở NN&PTNT là kiểm tra, phát hiện, lập biên bản và gửi hồ sơ, văn bản đề nghị cấp xã, huyện xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, cấp xã không kịp thời xử lý hành vi vi phạm ngay sau khi nhận được hồ sơ, thông báo. Hầu hết các huyện chưa quyết liệt chỉ đạo thành lập tổ công tác, đôn đốc xử lý vi phạm...
“Đa số các vụ vi phạm tồn tại, khó xử lý là do chủ tịch UBND cấp xã không triển khai trình tự xử lý vi phạm hành chính. Vì vậy, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có văn bản gửi chủ tịch UBND cấp huyện đề nghị kiểm tra, xem xét trách nhiệm, xử lý vi phạm hành chính đối với chủ tịch UBND cấp xã, người có thẩm quyền không lập biên bản vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12-2-2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính...”, ông Đào Quang Khải thông tin thêm.
Thực tế cho thấy, người đứng đầu địa phương nào quan tâm, quyết liệt chỉ đạo xử lý thì sẽ hạn chế số vụ vi phạm phát sinh và ngược lại. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp phòng ngừa, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm hành chính về thủy lợi cần phải làm rõ, xử lý nghiêm trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan.
Kim Nhuệ