Theo Reuters, việc đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua Ukraine bị “khóa van” dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lượng trầm trọng, buộc khu vực Transnistria phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp để duy trì hoạt động tối thiểu. Từ ngày đầu tiên của năm mới, hệ thống sưởi ấm và cung cấp nước nóng tại Transnistria đã ngừng hoạt động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.
Đến ngày 4/1/2025, chính quyền Transnistria tuyên bố bắt đầu cắt điện luân phiên trong khoảng 3 giờ mỗi ngày. Ông Vadim Krasnoselsky, lãnh đạo thân Moscow của khu vực này cảnh báo: “Tình trạng mất điện sẽ còn kéo dài và thời gian cắt điện sẽ tăng lên 4 giờ mỗi ngày từ ngày 5/1/2025, do khu vực này đã cạn kiệt nguồn năng lượng dự trữ”.
Giới chức địa phương cho biết, nhà máy điện lớn nhất tại Transnistria đã phải chuyển sang sử dụng than, một nguồn nhiên liệu kém hiệu quả hơn so với khí đốt. Chính quyền Transnistria đã kêu gọi người dân thu thập củi để làm nguồn sưởi ấm tạm thời trong mùa đông lạnh giá.
Nhân viên làm việc tại một nhà máy phân phối khí đốt của công ty năng lượng Moldovatransgaz tại Moldova. Ảnh: Reuters
Sự việc bắt nguồn từ ngày 1/1/2025, khi Tập đoàn Gazprom của Nga quyết định cắt hoàn toàn khí đốt cung cấp cho Moldova. Điều này xảy ra đồng thời với việc chấm dứt thỏa thuận vận chuyển khí đốt lớn giữa Nga và Ukraine qua lãnh thổ Ukraine, khiến nguồn cung năng lượng tại Transnistria, vốn phụ thuộc hoàn toàn vào Nga bị gián đoạn nghiêm trọng. Hai sự việc liên tiếp đã đẩy vùng ly khai này vào tình trạng khủng hoảng, làm đình trệ hầu hết các hoạt động công nghiệp và dịch vụ.
Vào tháng 12/2024, quan chức địa phương Transnistria đã kêu gọi Điện Kremlin và Quốc hội Nga duy trì thỏa thuận với Ukraine nhằm tiếp tục cung cấp khí đốt. Vào thời điểm đó, Moscow tuyên bố sẽ bảo vệ công dân và binh lính của mình tại Transdniestria. Cho đến khi thỏa thuận vận chuyển khí đốt với Ukraine hết hạn, Nga đã cung cấp cho Moldova khoảng 2 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm bơm qua Transdniestria.
Transnistria, với dân số chưa đầy nửa triệu người, trên thực tế nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng thân Nga từ khi Liên Xô sụp đổ. Tuy nhiên, quốc tế vẫn công nhận khu vực này là một phần của Moldova. Với vị trí chiến lược nằm giữa Ukraine và Romania – một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) – Moldova đang hướng đến mục tiêu gia nhập EU sau khi được cấp tư cách ứng cử viên. Điều này được cho là nguyên nhân khiến Nga phản ứng mạnh mẽ, đặc biệt qua việc sử dụng năng lượng làm đòn bẩy. Sự gián đoạn nguồn cung khí đốt không chỉ làm lộ rõ sự phụ thuộc của Transnistria vào Nga mà còn đặt ra những thách thức lớn cho chính quyền Moldova trong việc cân bằng giữa mục tiêu hội nhập châu Âu và áp lực từ Moscow.
Huyền Trang (theo Reuters)