Món ăn khoái khẩu khiến nam thanh niên 'nuôi' sán trong ruột

Món ăn khoái khẩu khiến nam thanh niên 'nuôi' sán trong ruột
một ngày trướcBài gốc
Sán dây dài 1 mét được bác sĩ lấy ra từ ruột bệnh nhân. Ảnh: BVCC.
Anh N.H.A.T., trú tại Long An, có sở thích ăn các món tái và sống. Thời gian gần đây, T. liên tục gặp phải các triệu chứng khó chịu như đau bụng vùng thượng vị, tiêu chảy kéo dài, cơ thể suy nhược, chán ăn.
Điều đáng nói, người bệnh bắt đầu phát hiện các đốt sán trong phân khi đi vệ sinh, thậm chí sán còn tự chui ra qua hậu môn trong lúc ngủ. Nam thanh niên tự mua thuốc điều trị, nhưng tình trạng không cải thiện. Gia đình đã đưa T. đến bệnh viện.
Bác sĩ chuyên khoa I Trương Minh Hiếu, Trưởng khoa Nội Soi, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An, cho biết qua nội soi cho T., các bác sĩ phát hiện nhiều ký sinh trùng màu trắng, dạng đốt đang trú ngụ trong hồi tràng. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành thủ thuật kéo sán ra ngoài.
Theo bác sĩ Hiếu, phần đầu của sán bám rất chắc vào thành ruột, gây khó khăn trong quá trình loại bỏ. Thậm chí, thân sán đã bị đứt trong quá trình thao tác. Tuy nhiên, với sự kiên trì và kỹ thuật khéo léo, các bác sĩ đã gắp thành công toàn bộ con sán ra ngoài, với chiều dài đáng kinh ngạc gần 1 mét.
Bác sĩ đang thực hiện thủ thuật lấy sán dây từ người bệnh nhân ra. Ảnh: BVCC.
Sau thủ thuật, bệnh nhân đã được các bác sĩ kê đơn thuốc và tư vấn về chế độ ăn uống, cũng như các biện pháp phòng tránh tái nhiễm sán dây.
Bác sĩ Hiếu cảnh báo sán dây là loại ký sinh trùng nguy hiểm, lây nhiễm chủ yếu qua đường ăn uống, đặc biệt là khi tiêu thụ các loại thịt bò, lợn, cá chưa được nấu chín kỹ hoặc các món gỏi sống có chứa trứng hoặc ấu trùng sán.
Khi xâm nhập vào cơ thể, sán dây sẽ bám vào thành ruột, hấp thụ chất dinh dưỡng, gây ra hàng loạt vấn đề sức khỏe từ rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy kéo dài đến sụt cân và các biến chứng nguy hiểm khác nếu không được điều trị kịp thời.
Các bác sĩ khuyến cáo để phòng tránh nguy cơ nhiễm sán dây, mỗi người cần
Hạn chế ăn các món tái, sống, đặc biệt là thịt bò, lợn, cá chưa nấu chín kỹ.
Sử dụng xà phòng và nước sạch sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với vật nuôi.
Không để phân người hoặc động vật tiếp xúc với nguồn nước hoặc đất trồng trọt.
Giữ gìn nhà cửa, khu vực bếp núc sạch sẽ, khử trùng các bề mặt thường xuyên.
Tẩy giun định kỳ
Khi có các dấu hiệu như đau bụng kéo dài, tiêu chảy, sụt cân không rõ nguyên nhân, hoặc phát hiện đốt sán trong phân, người dân cần đến bệnh viện để thăm khám kịp thời.
Trường hợp của bệnh nhân T. là một lời cảnh tỉnh cho những người có thói quen ăn đồ tái, sống. Việc chủ quan với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
Nguyễn Thuận
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/mon-an-khoai-khau-khien-nam-thanh-nien-nuoi-san-trong-ruot-post1543539.html