Những ngày giáp Tết, hơn 10 thợ trong xưởng sản xuất lan hồ điệp kết hợp gỗ lũa của Botanic Garden ở phường Tứ Liên (Hà Nội) làm không ngơi tay. Hai ông chủ thuộc thế hệ 8x là Nguyễn Quang Vinh và Trần Ngọc Hưng cũng tập trung cao độ để hoàn thiện đơn hàng.
“100% sản phẩm của chúng tôi đều là hàng đặt làm. Khách chỉ cần nêu yêu cầu, ý muốn về màu sắc yêu thích, chúng tôi sẽ tư vấn ý tưởng lên chậu lũa, lọc màu lan. Vườn của chúng tôi có những màu mà nhiều vườn khác không có. Trend (xu hướng) màu ưa thích năm ngoái là tím nhạt, còn năm nay là tím đỏ đậm hoặc màu cherry. Đặc biệt, năm nay nhiều khách đặt màu xanh như xanh táo, xanh bơ… Màu xanh bơ của chúng tôi đã “cháy hàng” dù còn cách Tết gần nửa tháng”, anh Vinh chia sẻ với phóng viên Báo VietNamNet.
Mỗi tác phẩm lan kết hợp gỗ lũa đều thuộc hàng độc bản, bởi được đội ngũ thợ của Botanic Garden ngẫu hứng sáng tác dựa trên từng dáng lũa, sau đó gán những tên gọi khá hấp dẫn như: pháo hoa, thuận buồm xuôi gió, vầng trăng khuyết; ánh trăng êm trôi; mãi mãi một tình yêu; nắm chặt tay anh…
Botanic Garden chuyên thiết kế các chậu lan theo đặt hàng của khách, khách có thể chọn màu hoa, dáng chậu và mức giá phù hợp với túi tiền, xưởng sẽ thiết kế và lên chậu với những kiểu dáng “không đụng hàng”. Mức giá thấp nhất có thể từ vài trăm nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng cho các chậu cỡ nhỏ, phổ biến nhất là khoảng 3-5 triệu đồng cho mẫu chậu tầm trung, còn các tác phẩm lớn thì từ vài chục triệu, cao nhất lên tới cả trăm triệu đồng.
“Năm nay kinh tế khó khăn, nhưng vẫn nhiều người chơi hoa lan. Khách của chúng tôi hầu hết là khách quen. Có khách thường xuyên quay vòng chậu, hoa héo lại đổi chậu lan mới. Sản phẩm lan ghép lũa có tính sáng tạo cao nên trộm vía vẫn khá đắt khách”, anh Vinh chia sẻ thêm.
Sản phẩm lan ghép lũa có tính sáng tạo cao và khó "đụng hàng". Ảnh: Bình Minh
Nguyễn Quang Vinh xuất thân từ thợ cắm hoa, từng làm cho cửa hàng trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) suốt gần 20 năm, sau đó mới chuyển sang gắn bó với riêng hoa lan. Bản thân Vinh cũng là người rất thích gỗ, hay mua lũa về sưu tầm và làm ra nhiều sản phẩm như tượng Phật.
Năm 2019, một lần về làng nghề Đông Giao (Hải Dương) mua tượng nghệ thuật về trưng bày, thấy rất nhiều lũa mỏng bị vứt đi, Vinh quyết định mua về để ghép với lan hồ điệp.
Làm lũa kết hợp lan hồ điệp rất khó. Để làm được chậu lan ghép lũa phải mất vài ngày chuẩn bị (cắt gỗ lũa, lên chậu/khay đựng lũa…), sử dụng rất nhiều phụ kiện để gò lan như ốc vít, kẹp, băng dính, khoan máy, xốp... Thời gian đưa cây lên một chậu lũa lâu gấp 3 lần so với làm chậu gốm.
“Gò hoa là khâu rủi ro nhất. Quen tay đến mấy thì quen, có những cây đắt tiền, tôi vẫn vừa làm vừa run. Kể cả nghệ nhân cũng khó tránh rủi ro. Hôm qua tôi vừa làm gãy 2 cây ngọc trai đen, mỗi cây trị giá 500 nghìn đồng”, anh Vinh vừa cười vừa kể.
“Lan hồ điệp loại đắt có giá 1 triệu đồng/cành, hàng A+ khoảng 5 trăm nghìn đồng/cành. Tôi cũng từng có lần làm gãy cả cành tiền triệu. Ở đây chúng tôi cứ quy giá trị ra vịt. Thợ non tay là dễ mất vịt như chơi. Nhưng cũng không đến nỗi quá áp lực”, Trần Ngọc Hưng vui vẻ hòa theo câu chuyện.
Từng bươn trải khá nhiều nghề, hơn 1 năm nay, Hưng mới “bén duyên” với nghề làm lan ghép lũa, “đồng cam cộng khổ” với Vinh gây dựng Botanic Garden.
Có tay nghề cao làm mộc, Hưng chịu trách nhiệm chính trong việc tạo hình các chậu/khay gỗ lũa kết hợp với nhiều loại cây khác như sen đá, xương rồng…
“Quả thực tôi không nhớ chính xác số mẫu khay/chậu đã làm vì toàn sáng tác ngẫu hứng. Mỗi năm chúng tôi đều cố gắng tạo ra một điểm nhấn riêng. Và điểm nhấn của năm nay là nền rêu. Mỗi chậu khi ghép gỗ lũa lên thì không cái nào giống cái nào.
Phải cố gắng phối màu và gò hoa lan hợp theo dáng lũa. Việc này tùy thuộc gu thẩm mỹ của từng người. Hầu hết các sản phẩm mình làm rất phiêu, song cũng có những khi vơi cảm xúc, bản thân không ưng ý, lại phải chỉnh sửa đôi lần”, anh Hưng tâm sự.
Theo anh Hưng, phải có ít nhất tiền tỷ thì hãy nghĩ tới chuyện khởi nghiệp nhà vườn và xưởng sản xuất như Botanic Garden. Ảnh: Bình Minh
Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, anh Hưng lưu ý: Theo đuổi nghề lan ghép lũa, ngoài đam mê nghệ thuật, năng lực thẩm mỹ cao, thì lưng vốn cũng cần kha khá. Bởi lũa khá đắt, lại tốn kém chi phí vận chuyển vì cồng kềnh và nặng.
“Nếu làm cả nhà vườn và xưởng sản xuất như Botanic Garden thì tầm 500 triệu đồng không thể làm được, ít nhất cũng phải tiền tỷ”, anh Hưng nhấn mạnh.
Làm vì đam mê nên đến giờ cả Vinh và Hưng đều tự nhận mình chưa phải người giàu. Lời lãi chút ít lại đổ vào đầu tư trang trí vườn lan. Bù lại là niềm vui và sự hạnh phúc hơn nhiều người khác khi ngày nào cũng được ngắm hoa đẹp.
“Chúng tôi đang ấp ủ mong muốn gây dựng cả một không gian thưởng trà ngắm các tác phẩm nghệ thuật lan ghép lũa chứ không chỉ dừng ở nhà vườn và xưởng sản xuất như bây giờ. Không gian đó sẽ không chỉ có lan hồ điệp và lũa, mà còn có cả nhiều loại thực vật và nhiều phong cách nghệ thuật khác nữa. Hy vọng sang năm sẽ có thể đón chị tới thăm và checkin tại cơ ngơi đó”, Nguyễn Quang Vinh hồ hởi chia sẻ dự định tương lai.
Bình Minh