Ảnh minh họa INT.
Tiếp đó là TPHCM và Hải Phòng. Thứ hạng của ba thành phố giống năm trước, song tăng số lượng giải, chủ yếu ở môn Ngoại ngữ.
Đoàn học sinh TP Hà Nội có 200 giải, trong đó có 63 giải ở môn Ngoại ngữ. Đoàn học sinh TPHCM có 166 giải, trong đó có 55 giải ở môn Ngoại ngữ. Các vị trí tiếp theo của top 10 là Bắc Giang, Hải Dương, Nghệ An, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc và Huế. Trong đó, Thái Nguyên và Huế là hai địa phương thay thế cho Nam Định và Thanh Hóa trong top 10 năm ngoái.
Xét theo trường THPT thì Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) có số lượng giải học sinh giỏi quốc gia nhiều nhất. Hai thí sinh Trường THPT chuyên Bắc Ninh và THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội đồng thủ khoa môn Tiếng Anh.
Đây cũng là những địa phương có chiến lược dài hơi và đầu tư mạnh mẽ trong dạy - học ngoại ngữ ở trường phổ thông đại trà và mô hình trường trọng điểm, trường chuyên. Hiện, nhiều trường công lập ở Hà Nội, TPHCM, Bắc Giang, Quảng Ninh… dạy thử nghiệm toán và khoa học bằng tiếng Anh chứ không chỉ coi đây là môn Ngoại ngữ. Riêng TPHCM, 10 năm trở lại đây, đã thực hiện dạy và học các môn Toán, Khoa học tự nhiên và Tiếng Anh tích hợp theo Quyết định 5695/2014 (chương trình tích hợp) của UBND TP.
Những năm qua, TPHCM thực hiện nhiều chương trình tiếng Anh trong trường phổ thông từ cấp tiểu học, THCS, THPT như chương trình tiếng Anh tự chọn, tăng cường. Đây là những tiền đề để Sở GD&ĐT TPHCM tiên phong trong thí điểm đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường theo hướng chọn lọc một số trường để thực hiện trước.
Các kỹ năng nghe - nói - viết tiếng Anh của học sinh thành phố có nhiều lợi thế do được trau dồi ngay từ cấp tiểu học, THCS nên đầu vào tiếng Anh của học sinh THPT rất tốt, nhất là ở những trường tốp trên. Điều này thể hiện rõ bằng kết quả dẫn đầu nhiều năm liên tục của điểm môn Tiếng Anh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như thi học sinh giỏi quốc gia.
Theo TS Nguyễn Thanh Bình - Trưởng khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, lợi thế của TPHCM khi thực hiện thí điểm đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là nhiều giáo viên có cơ hội tham gia các chương trình đào tạo quốc tế, được tiếp cận với phương pháp giảng dạy hiện đại. TPHCM có ưu thế trong thu hút nguồn nhân lực là giáo viên nước ngoài, có thể triển khai mô hình hợp tác công tư trong giảng dạy bằng tiếng Anh.
Đây là những nguồn lực tại chỗ để triển khai chương trình theo lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong dạy học. Nguồn lực này đồng thời có thể hỗ trợ giáo viên các môn học khác trong việc nâng cao năng lực để đẩy nhanh quá trình tiếp cận tiếng Anh vào dạy học.
Liên tiếp những năm gần đây, học sinh Việt Nam gặt hái nhiều thành công trên đấu trường Olympic quốc tế. Đằng sau những tấm huy chương, ngoài khả năng thiên bẩm và sự nỗ lực của trò, còn là sự hy sinh, nỗ lực thầm lặng và bền bỉ của người thầy để cập nhật với trình độ giáo dục thế giới cả về lý thuyết lẫn thực hành.
Đây cũng là kết quả của chủ trương dạy học các môn Toán và Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh tại các trường chuyên trong thời gian qua đã giúp học sinh Việt Nam có đủ trình độ ngoại ngữ và tiếp cận tài liệu nước ngoài.
Các giáo viên ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng có chung nhận xét rằng, học sinh tiếp cận và đọc được tài liệu môn chuyên bằng tiếng Anh là thuận lợi lớn, không chỉ ở phương diện phong phú về mặt tư liệu, mà còn giúp cập nhật trình độ giáo dục thế giới cả về lý thuyết lẫn thực hành… Ngoài ra, học sinh sẽ có vốn từ vựng phong phú về kiến thức chuyên ngành khi học ở các bậc học cao hơn.
Hà Nguyên