Mòn mỏi chờ tên bản

Mòn mỏi chờ tên bản
9 giờ trướcBài gốc
Danh không chính, ngôn không thuận
Tính toán, ấp ủ ý định bao năm, song tháng 2 vừa qua anh Tòng Văn Phiếu mới quyết định cơi nới và sửa lại căn nhà đang sống cùng mẹ cho kiên cố, đàng hoàng. Vì thiếu kinh phí, bà Tòng Thị Giót (SN 1954) - mẹ anh Phiếu đã đưa "sổ đỏ" cho con trai để làm thủ tục thế chấp vay vốn ngân hàng. Thế nhưng, nguyện vọng trên không được giải quyết do những vướng mắc phát sinh.
“Khi lên UBND phường Nam Thanh hỏi thủ tục, thì tôi được cán bộ trả lời là sổ đỏ của mẹ tôi chưa làm lại, vẫn thuộc đội 18, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên nên phải xuống huyện xin gia hạn. Xuống huyện thì cũng lại mắc, vì sổ đứng tên mẹ tôi, bà đã quá tuổi, ngân hàng không cho vay. Nguyện vọng xin làm lại sổ đỏ, chuyển sang tên tôi thì kiến nghị từ tháng 7 năm ngoái rồi mà chưa được trả lời!” - anh Phiếu chia sẻ.
Gia đình bà Tòng Thị Giót không thể vay vốn ngân hàng do những vướng mắc liên quan đến "sổ đỏ".
Không riêng gia đình anh Phiếu, hàng chục hộ dân tại cụm Pa Pe đều gặp phải vướng mắc nhất định khi giải quyết các thủ tục hành chính.
Ông Lò Văn Thận, Cụm trưởng cụm Pa Pe cho biết: Thực hiện chủ trương sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính TP. Điện Biên Phủ, tháng 1/2020 UBND tỉnh đã điều chỉnh một phần khu dân cư thôn C4 và bản Pa Pe, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) về phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ).
Theo đó, cụm dân cư C4 được ghép vào Tổ dân phố 7, phường Nam Thanh. Còn bản Pa Pe với 103 hộ, do chưa đủ điều kiện nên chưa có quyết định thành lập bản, mà gọi tạm là cụm dân cư. Sau nhiều biến động, đến nay cụm có 119 hộ, trong đó 73 hộ dân tộc Thái, 1 hộ dân tộc Tày, số còn lại là dân tộc Kinh (đa phần di chuyển từ nơi khác đến).
Tại cụm dân cư Pa Pe hiện nay còn 67 hộ có sổ đỏ vẫn thuộc đội 18, xã Thanh Hưng. Mỗi lần làm thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, như: Sang tên, chuyển nhượng hoặc vay vốn ngân hàng… đều khó khăn, vướng mắc. Thậm chí, nhiều chủ hộ do tuổi cao đã mất nhưng vẫn đứng tên trên sổ đỏ, chưa sang tên cho con cháu.
Tuyến quốc lộ 12 chạy qua địa phận cụm dân cư Pa Pe không có hệ thống điện cao áp, không có rãnh thoát nước.
Không chỉ khó khăn về thủ tục hành chính, nhiều người dân ở Pa Pe còn bày tỏ trăn trở về những “thiếu hụt” liên quan đến hạ tầng phục vụ đời sống.
“Nhiều lần kiến nghị các cấp và ngành chức năng, đến nay cụm dân cư đã có điện lưới, nước sinh hoạt. Tuy nhiên, không biết có phải "vô tình" hay do chúng tôi bị lãng quên mà dù nằm ngay trên tuyến quốc lộ 12, song khoảng hơn 500m đường chạy qua cụm không có điện cao áp, không có rãnh thoát nước?!” - ông Lò Văn Thận bộc bạch.
Một “vai” nhiều “gánh”
Do chưa chính thức thành lập bản, nên Pa Pe không có tổ chức, bộ máy hoạt động. Để giúp chính quyền địa phương nắm bắt thông tin trên địa bàn cụm dân cư, UBND phường đã ký hợp đồng và hỗ trợ ông Lò Văn Thận 1 triệu đồng/tháng từ ngày 1/1/2022. Đến năm 2024, mức hỗ trợ này được nâng lên bằng với mức lương hiện hành của chức danh Trưởng bản. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều năm qua ông Thận đảm nhận toàn bộ nhiệm vụ của cấp thôn, bản.
Ông Lò Văn Thận (bên trái), Cụm trưởng cụm Pa Pe trao đổi với người dân.
“Ngoài nhiệm vụ của trưởng bản, hiện tôi còn là Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố 7, phụ trách cụm Pa Pe, với 11 đảng viên; kiêm luôn công tác mặt trận, nông dân, tổ hòa giải cơ sở. Riêng việc đi họp, báo cáo, tiếp thu nhiệm vụ, chủ trương mới thôi gần như đã kín lịch. Nhiều cuộc họp ở cụm, rồi bình xét gia đình văn hóa… đều là một mình tôi tự xây dựng kế hoạch, tự tổ chức đến hoàn thành biên bản, báo cáo. Chưa kể khi phải phải giải quyết các vấn đề xã hội, tranh chấp đất đai phát sinh!” - ông Thận giãi bày.
Chờ đến bao giờ?
Thông qua rất nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri, bà con cụm Pa Pe đã kiến nghị, đề xuất mong muốn được thành lập bản để thuận lợi hơn trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Cuối năm 2024 địa phương đã có tờ trình về việc xin đo đạc, cấp lại sổ đỏ theo địa chỉ mới cho 67 hộ nằm trong diện vướng mắc, có nhu cầu. Song đến nay vẫn chưa được giải quyết, cũng chưa có hồi âm!?
Tấm biển tên cụm dân cư Pa Pe cũng chưa thực sự được chú trọng.
Được biết, tháng 3/2025, UBND TP. Điện Biên Phủ, phường Nam Thanh và các đoàn thể đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại với nhân dân cụm Pa Pe để trao đổi làm rõ vấn đề. Đồng thời lấy ý kiến và thống nhất phương án, chủ trương tách cụm dân cư C4 từ tổ dân phố 7 về cụm Pa Pe. Trên cơ sở đó đảm bảo đủ điều kiện cần thiết để thành lập bản mới.
“Mong mỏi lớn nhất của bà con chúng tôi mấy năm vừa qua là được thành lập bản, có tên và các thủ tục pháp lý để đảm bảo quyền lợi chính đáng. Khi xây dựng phương án thành lập, chúng tôi mong muốn bản mới vẫn giữ tên Pa Pe, vì nó gắn liền với quá trình hình thành, đồng thời mang ý nghĩa lịch sử khi địa danh Pa Pe được nhắc đến trong sơ đồ Chiến dịch Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp” - ông Lò Văn Ép, người dân cụm Pa Pe kiến nghị.
Người dân Pa Pe đều mong chờ bản sớm được thành lập.
Sau hơn 5 năm chịu không ít thiệt thòi vì những vướng mắc, chậm trễ không phải do mình gây ra, cho đến nay hơn 100 hộ dân ở Pa Pe vẫn chỉ biết tiếp tục chờ đợi. Thiết nghĩ, UBND TP. Điện Biên Phủ và các đơn vị liên quan cần khẩn trương xem xét, giải quyết nguyện vọng chính đáng của người dân Pa Pe. Bởi lẽ, quyết định thành lập bản cũng giống như giấy khai sinh của một con người. Chỉ khi chính thức có tên, thì mới có thể “danh chính ngôn thuận” thực hiện chế độ, chính sách và thụ hưởng các quyền lợi liên quan mà họ đáng được hưởng.
Hà Linh
Nguồn Điện Biên Phủ : https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/xa-hoi/mon-moi-cho-ten-ban