Cây dừa nước có bộ rễ ăn sâu vào lòng đất giúp giữ đất, chống sạt lở. Lá dừa nước dùng để lợp nhà, hoa dừa nước để lấy mật hoặc trang trí trong các đám cưới ở miền Tây. Còn cơm trong dừa nước lại được chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn.
Ngày nay, du khách tới miền Tây có thể tìm thấy dừa nước ở các quầy hàng ven đường Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng... hoặc trong các khu du lịch. Cơm dừa nước ở thành phố được bán với giá 70.000 đồng-80.000 đồng/kg.
Những buồng dừa nước trông xấu xí. Ảnh: Phương Lúa/Vũ Khang.
Trái dừa nước mọc thành từng buồng, giống như dừa cạn nhưng hình thức đặc biệt hơn. Mỗi buồng dừa nước là một hình cầu, được tạo thành từ nhiều trái dừa nhỏ kết lại chi chít, dính chặt vào nhau.
Nếu cây dừa cạn được thu hoạch quả để lấy nước và cùi thì cây dừa nước... lại rất ít nước.
Buồng dừa nước khi chặt về sẽ mang đi đập thật mạnh để từng trái nhỏ văng ra. Từng trái lại được chặt làm đôi, sau đó dùng muỗng tách lấy miếng cơm dừa trắng ngà để "chế biến" món ăn tùy thích.
Từng trái dừa nước được bổ đôi để lấy cơm. Ảnh: Hiep Nguyen
Theo kinh nghiệm từ người dân, nếu vỏ dừa bóng, màu sáng thì buồng đó còn non, chưa có cùi, vị hơi chua. Khi vỏ dừa chuyển sẫm, ngả sang đen, hơi sần sùi thì cùi dày, ngọt. Cơm dừa ngon sẽ trắng đục, mùi thơm nhẹ, vị beo béo, ngọt thanh.
Dừa nước cho trái quanh năm, người dân thường dùng ghe xuồng len lỏi vào rừng dừa nước để thu hoạch. Từ tháng 6 đến tháng 10, dừa nước vào mùa rộ. Đây như thức quà quê thơm thảo mà thiên nhiên ban tặng cho cư dân miệt vườn sông nước.
Cơm dừa nước được dùng để chế biến thành nhiều món ngon giải nhiệt. Ảnh: Thêm LT
Cơm dừa nước được sử dụng làm nhiều món ngon khác như chè dừa nước, dầm đường đá, mứt dừa nước hay dừa nước rim đường thốt nốt.
Bí quyết của món dừa nước rim đường thốt nốt là phải chọn phần cơm dừa mềm, không già cũng không quá non. Cơm dừa được rửa lại với nước dừa tươi rồi cho một lượng đường thốt nốt vào trộn đều khoảng 30 phút.
Hỗn hợp được cho lên bếp, rim nhỏ lửa trong 4-5 giờ.
Món dừa nước rim đường thốt nốt là đặc sản miền Tây. Ảnh: Phương Lúa
Chè dừa nước là sự kết hợp khéo léo của phần nước đường làm từ nước cốt dừa (cây dừa cạn), lá dứa, gừng, đường phèn. Khi ăn, người ta rưới hỗn hợp trên vào bát cơm dừa nước tươi, thêm chút đậu phộng rang thơm bùi.
Chè dừa nước thơm ngon, giải nhiệt ngày hè. Ảnh: Vũ Khang
Mứt dừa nước cũng là món được các bà, các mẹ ở miền Tây hay làm vào dịp gần Tết.
Cơm dừa nước được trộn với đường cho ngấm rồi sên lên. Lúc đầu cho lửa lớn rồi điều chỉnh nhỏ dần đến khi đường hơi sệt thì vắt thêm chút chanh. Đợi đường cô đặc thì tắt bếp, chờ nguội là có món mứt dẻo thơm.
(Tổng hợp)
Linh Trang