Môn Nội dung giáo dục địa phương vẫn đang tồn tại nhiều bất cập

Môn Nội dung giáo dục địa phương vẫn đang tồn tại nhiều bất cập
10 giờ trướcBài gốc
Khi thay đổi chương trình 2006 sang chương trình 2018, ngành giáo dục đã chủ trương đưa môn Nội dung giáo dục địa phương vào giảng dạy ở cả 3 cấp học phổ thông và đây là môn học bắt buộc với thời lượng mỗi năm có 35 tiết học/ 1 lớp.
Năm học 2024-2025 là năm cuối cùng trong lộ trình cuốn chiếu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên môn Nội dung giáo dục địa phương được các Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai đồng loạt ở lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Ảnh minh họa: Hoàng Mai
Từ thực tế giảng dạy và tìm hiểu ở một số địa phương, chúng tôi nhận thấy môn Nội dung giáo dục địa phương trong mấy năm học vừa qua cũng như hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập.
Thứ nhất: học sinh lớp 9 và lớp 12 năm nay ở một số địa phương (là khóa đầu tiên thực hiện chương trình mới) phải học chay học kỳ I ở các năm học qua vì không có sách giáo khoa Nội dung giáo dục địa phương. Nhiều nơi phải sang học kỳ II thì các trường mới đưa sách giáo khoa môn học này về bán.
Lý do được cấp trên đưa ra là sách giáo khoa chưa được phê duyệt hoặc đang chờ in từ nhà xuất bản. Vậy nên, nhiều năm qua đều đến học kỳ II thì sách giáo khoa mới về đến nhà trường.
Vô tình, những năm học vừa qua, khóa học sinh lớp 9 và lớp 12 năm nay đều mua cả cuốn nhưng chỉ học được 1 học kỳ vì các em học lớp đầu tiên áp dụng chương trình mới ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông chương trình 2018.
Thứ hai: chính vì không có sách giáo khoa ở học kỳ I nên những năm học vừa và năm học này thầy và trò rất bị động. Sở, Phòng Giáo dục chỉ gửi file PDF nhưng yêu cầu giáo viên và học sinh không được in vì liên quan đến vấn đề bản quyền của nhà xuất bản nên thầy và trò chỉ được đọc trên file để dạy và học.
Thực tế, không nhiều học sinh đọc vì thầy cô chuyển tiếp qua zalo. Chính vì thế, những năm qua, khi dạy khóa đầu tiên của các lớp, giáo viên cũng phải dạy chay khó mang lại hiệu quả cao. Ngay cả giáo viên cũng khó khăn trong việc chuẩn bị và soạn kế hoạch bài dạy (giáo án).
Thứ ba: môn Nội dung giáo dục địa phương được biên chế 35 tiết/ năm/lớp mà có đến 6 phân môn: Ngữ văn; Lịch sử; Địa lí; Giáo dục công dân; Âm nhạc; Mĩ thuật nhưng mỗi lớp bắt buộc phải có 4 bài kiểm tra định kỳ và có 4 bài kiểm tra thường xuyên nên thời gian thực dạy sẽ ít đi.
Trong khi đó, phân môn Ngữ văn được biên chế 9 tiết; phân môn Lịch sử 6 tiết; phân môn Địa lí 6 tiết; phân môn Giáo dục công dân 6 tiết; phân môn Âm nhạc 4 tiết; phân môn Mĩ thuật 4 tiết nên việc phân chia thực hiện bài kiểm tra cũng là một nỗi băn khoăn của nhiều giáo viên đang giảng dạy môn học này.
Bởi vì, số tiết môn Nội dung giáo dục địa phương ít mà có nhiều phân môn nhưng số tiết mỗi phân môn không đều nhau và cấp trên không hướng dẫn cụ thể ra sao nên mỗi trường thực hiện chia tỉ lệ mỗi kiểu khi kiểm tra định kỳ đối với môn học này.
Một môn học 35 tiết mà có đến 6 giáo viên cùng dạy, cùng kiểm tra, đánh giá, nhập nhận xét thì làm sao thực hiện cho thuận lợi và hiệu quả?
Một lớp học ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông có từ 40-45 học sinh mà đa phần các phân môn có từ 4-6 tiết/ lớp/năm thì đến cái tên học sinh còn khó nhớ thì nhận xét, đánh giá phẩm chất năng lực học trò liệu có chính xác?
Thứ tư: bởi vì mỗi phân môn ít tiết nhiều trường học sẽ phân công 1-2 giáo viên dạy/ khối nên thời điểm dạy phân môn của mình dẫn đến quá tải khi số tiết vượt xa so với định mức. Một số giáo viên dạy trên trên 30 tiết/ tuần.
Thứ năm: hiện nay cấp Trung học phổ thông đa phần các trường chưa có giáo viên Âm nhạc và Mĩ thuật. Chính vì thế, 2 phân môn này đang bị bỏ ngỏ và tăng số tiết các phân môn còn lại để “thế” cho 2 phân môn chưa có giáo viên.
Thứ sáu: việc gộp 6 phân môn vào 1 môn Nội dung giáo dục địa phương dẫn đến khi kiểm tra định kỳ thực hiện không biết làm thế nào cho phù hợp.
Bởi lẽ, các môn học: Ngữ văn; Lịch sử; Địa lí; Giáo dục công dân hiện nay đánh giá học lực học sinh kết hợp cả điểm số và nhận xét. Còn môn Âm nhạc Mĩ thuật thì kết hợp đánh giá mức Đạt; Chưa đạt và nhận xét.
Nhưng, môn Nội dung giáo dục địa phương lại được hướng dẫn đánh giá kết hợp đánh giá mức Đạt; Chưa đạt và nhận xét- giống như môn Âm nhạc và Mĩ thuật.
Đáng nói là 6 phân môn này đang được phân chia ở nhiều tổ khác nhau. Những trường loại I có số lượng giáo viên khá đông nên có đến 4 tổ chuyên môn đang cùng giảng dạy môn học này.
Chính vì thế, khi kiểm tra định kỳ, các tổ trưởng chuyên môn của các tổ và phó hiệu trưởng chuyên môn lại phải họp lại với nhau để cùng thống nhất kiến thức kiểm tra; phân chia tỉ lệ nhập điểm, nhận xét cho các lớp rất mất thời gian và không thiếu sự phức tạp.
Trước đây, khi thực hiện chương trình 2006, các phân môn địa phương này được gộp hẳn vào môn học chính. Chẳng hạn, môn Lịch sử mỗi năm có 105 tiết thì được phân chia một số tiết địa phương, giáo viên đó giảng dạy luôn. Khi kiểm tra thì đưa một tỉ lệ kiến thức nội dung địa phương vào đề kiểm tra rất thuận lợi.
Bây giờ, chương trình 2018 gộp 6 phân môn thành môn Nội dung giáo dục địa phương khiến cho giáo viên thực hiện khá bất cập mà hiệu quả cũng chưa nhìn ra rõ.
Các cấp học phổ thông đã thực hiện giảng dạy được 3-5 năm năm (tùy cấp học) nhưng có lẽ bộ phận chuyên môn vẫn xem đây là…môn học phụ nên cũng chưa thực sự có những chỉ đạo thường xuyên. Vì thế, theo người viết nhận thấy mỗi trường thực hiện mỗi kiểu khác nhau nên hiệu quả tất nhiên cũng khác nhau.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Nguyễn Thế Trung
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/mon-noi-dung-giao-duc-dia-phuong-van-dang-ton-tai-nhieu-bat-cap-post247728.gd