Tuổi trẻ huyện Quảng Điền đến thăm, chia sẻ khó khăn với người dân khó khăn về nhà ở
“Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Thấu hiểu trước khó khăn về nhà ở của bà Ngô Thị Nga, trú tại Cồn Hến, cấp ủy, chính quyền phường Vỹ Dạ đã trích một phần kinh phí và đề xuất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) quận Thuận Hóa hỗ trợ 20 triệu đồng sửa chữa lại nhà cho bà Nga.
“Sống trong ngôi nhà tạm bợ, lại là vùng thấp lụt... nay được chính quyền địa phương sửa chữa lại nhà, tôi rất vui mừng. Không những vậy, gia đình tôi còn nhận được những vật dụng cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày từ địa phương”, bà Nga chia sẻ.
Bà Ngô Thị Nga là một trong 8 hộ gia đình được hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà ở của Ủy ban MTTQVN quận Thuận Hóa và phường Vỹ Dạ trong đợt 1/2025. “Chúng tôi phấn đấu từ nay đến tháng 6/2025 không còn hộ gia đình nào trên địa bàn phường phải sống trong những căn nhà tạm bợ, cũ nát”, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Bí thư Đảng ủy phường Vỹ Dạ cho biết.
Sau thời gian thi công, ngôi nhà của bà Đặng Thị Xuân, trú tại xã Quảng An, huyện Quảng Điền cũng dần hình thành trong niềm vui của gia đình và bà con lối xóm. Ông Phan Cảnh Ngưu, Chủ tịch Ủy ban UBMTTQVN huyện Quảng Điền thông tin: “Bà Đặng Thị Xuân thuộc gia đình khó khăn về nhà ở. Dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 mới đây, Ủy ban MTTQVN huyện và Công ty CP Thủy điện Hương Điền đã hỗ trợ kinh phí 60 triệu đồng để xây dựng nhà cho bà Xuân”.
Tại huyện A Lưới, Ủy ban MTTQVN TP. Huế phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP. Huế khởi công xây dựng 4 ngôi nhà mới cho các hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các xã A Roàng, Trung Sơn, Hồng Thượng và Lâm Đớt. “Mỗi gia đình được hỗ trợ 60 triệu đồng, trích từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của Ủy ban MTTQVN TP. Huế. Cán bộ, chiến sĩ các Đồn Biên phòng trên địa bàn hỗ trợ thêm ngày công lao động, đảm bảo tiến độ cho công trình”, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP. Huế Nguyễn Tiến Nam cho biết.
Thời điểm này, các địa phương trong toàn TP. Huế đang tranh thủ các nguồn lực, chạy đua với thời gian để xóa nhà tạm, nhà dột nát (NT, NDN) cho người dân. Thông qua các nguồn từ các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia và từ nguồn vận động, huy động của các ngành, các cấp, các địa phương... ngày càng nhiều ngôi nhà tạm, cũ nát đã được xóa với quyết tâm cao nhất “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
“Mỗi người góp một tay, mỗi nhà san sẻ một phần”
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai xóa NT, NDN TP. Huế mới đây, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng đoàn ĐBQH TP. Huế, ông Lê Trường Lưu nhấn mạnh: Xóa NT, NDN là chương trình quan trọng, ý nghĩa được thực hiện trên toàn quốc. Do đó, các ngành, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Với một số địa phương phát sinh thêm các hộ khó khăn không nằm trong danh sách, cần chủ động kêu gọi xã hội hóa, vận động người thân trong gia đình cùng tham gia. Điều quan trọng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức để người dân tự vươn lên, không ỷ lại vào cơ chế, chính sách.
“Danh sách đã duyệt, kinh phí đã có, các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác xóa NT, NDN dứt điểm trước ngày 30/7/2025”, Bí thư Thành ủy Lê Trường Lưu chỉ đạo.
Năm 2025, TP. Huế phấn đấu hoàn thành xóa khoảng 2.233 NT, NDN cho các đối tượng người có công, người nghèo khó khăn về nhà ở, nhà ở theo các chương trình mục tiêu trên địa bàn.
Kết luận phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa NT, NDN trên phạm vi cả nước sáng 11/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Mỗi căn nhà là “một món quà,” “một mái ấm”. “Mỗi người góp một tay, mỗi nhà san sẻ một phần”, “ai có gì giúp nấy, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít, ai có công giúp công, ai có của giúp của”, quyết tâm cơ bản xóa NT, NDN trên phạm vi cả nước trước ngày 31/10/2025 - sớm hơn 2 tháng so với mục tiêu ban đầu đã đề ra.
Bài, ảnh: PHONG ANH