Món quà từ tình yêu Tổ quốc của vợ lính nhà giàn

Món quà từ tình yêu Tổ quốc của vợ lính nhà giàn
6 giờ trướcBài gốc
Chị Thùy Dương và các con nơi cầu cảng.
Chị Nguyễn Thị Thùy Dương (sinh năm 1992) vợ Thiếu tá Cao Anh Lê Phương (sinh năm 1988), Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/18. Anh chị vừa kỷ niệm 11 năm cho hành trình tình yêu và hôn nhân.
Trong cuộc trò chuyện cùng chúng tôi, chị Thùy Dương nhớ từng mốc thời gian quý giá: Tháng 4/2014 anh chị bắt đầu tình yêu, tháng 1/2016 làm thủ tục đăng ký kết hôn, 20/7/2016 tổ chức lễ cưới... Bây giờ, mái ấm nhỏ của họ đã có hai con trai là cháu Cao Chí Khang (sinh năm 2017) và Cao Chí Khương (sinh năm 2021).
Mô hình Dinh Độc Lập đang trong quá trình hoàn thiện.
Suốt 11 năm qua, cũng như bao người lính biển, Thiếu tá Cao Anh Lê Phương đều bám trụ nơi đầu sóng. Anh gắn bó với những con tàu, như: Trường Sa 06, Trường Sa 19... và năm 2024 nhận công tác tại Nhà giàn DK1/18.
Có chồng là lính biển, chị Dương và cả gia đình đã quen với cảnh xa cách về địa lý khi một năm anh về phép một lần, nhưng tình cảm, niềm tin luôn đong đầy trong trái tim, trong từng dấu ấn cuộc sống của chị và các con.
Mỗi chi tiết đều được chị Thùy Dương chăm chút tỉ mỉ.
Ngoài công việc, chị Thùy Dương còn tham gia sinh hoạt trong các hội nhóm yêu biển đảo Việt Nam và làm các mô hình thủ công thể hiện chủ quyền, tình yêu Tổ quốc.
Từ nguyên liệu quen thuộc, như: Giấy, gỗ, nhựa, sơn, keo dán... chị đã mang đến bất ngờ cho mọi người khi thấy hiện ra trước mắt những mô hình cột mốc chủ quyền ở Trường Sa, cờ Tổ quốc phấp phới trên nền trời xanh lộng gió, nhà giàn DK1 kiêu hãnh giữa sóng bạc đầu... Đó là cách chị trao gửi tình yêu với con, với cuộc sống và người chồng đang công tác nơi xa.
Mỗi mô hình đều thể hiện tâm huyết và tình yêu Tổ quốc.
Với chị Thùy Dương, mỗi mô hình là một câu chuyện, một kỷ niệm đầy xúc động. Có mô hình được chị làm sau ngày tiễn chồng nơi quân cảng; có mô hình hoàn thiện trong những ngày con trai chị - mới học tiểu học - say mê cùng mẹ tô màu lên hình cột mốc, rồi tự trình bày bài thuyết trình về chủ quyền Tổ quốc ở trường; còn những cánh hạc giấy theo tàu ra Trường Sa, thả trong Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh thì được chị chăm chút rồi đóng thùng cẩn thận, gửi theo đoàn công tác.
Chị Thùy Dương là vợ của Thiếu tá Cao Anh Lê Phương, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/18.
Với tình yêu của người vợ, người mẹ giữa thời bình, nơi đầu sóng ngọn gió không còn là khái niệm xa xôi, mà trở nên gần gũi, hiện diện trong từng căn phòng nhỏ, từng ánh mắt trẻ thơ, từng mái trường, từng nghi thức của đoàn công tác.
Con trai lớn của anh chị luôn say mê kể chuyện về Trường Sa, về Nhà giàn, về ý nghĩa của từng chi tiết trên cờ Tổ quốc, cột mốc chủ quyền... như một lẽ tự nhiên, bởi tinh thần tự hào về biển đảo luôn ngập tràn trong đời sống gia đình chị qua cách chị truyền cho các con với tấm lòng nhân hậu.
Hai con trai của Thiếu tá Cao Anh Lê Phương và chị Thùy Dương.
Việc làm mô hình không đơn giản chỉ là cắt dán hay lắp ráp, mà đòi hỏi khéo léo, kiên nhẫn, chính xác đến từng chi tiết nhỏ, từ lên ý tưởng, lựa chọn vật liệu, đo đạc, cắt ghép cho đến việc phối mầu...
Tranh thủ lúc rảnh rỗi, chị Thùy Dương thường dành nhiều ngày, thậm chí cả tuần chỉ để hoàn thiện một mô hình nhỏ bởi chị luôn mong muốn những món quà đặc biệt ấy phải thật hoàn hảo, đúng tỷ lệ và hài hòa về mặt thẩm mỹ.
Một hình ảnh đầy kỷ niệm của con trai anh, chị nơi cầu cảng.
Sự khéo léo và tình cảm đầy yêu thương của chị thể hiện rõ nhất qua những chi tiết tinh xảo. Có khi chỉ một ô cửa sổ, một nhành cây cũng được chị chăm chút tỉ mỉ, khiến người xem không khỏi trầm trồ.
Các tác phẩm vừa đẹp mắt, vừa "có hồn" bởi dường như từng chi tiết đều mang hơi thở của sự sống, sự chân thực hiếm thấy trong những mô hình thông thường.
Giáo dục truyền thống yêu nước là điều quan trọng trong gia đình chị Thùy Dương.
Chị gửi vào từng mô hình bao đam mê, khát vọng. Đó là cách chị thể hiện tình yêu với cái đẹp, với sự vun đắp, chăm chút và lòng kiên nhẫn. Dù mất nhiều thời gian, dù có phải làm đi làm lại nhiều lần, chị vẫn luôn giữ nhiệt huyết, niềm vui trong từng công đoạn.
Mỗi mô hình, dù được giữ lại hay trao tặng, chị luôn coi đó như món quà quý giá của gia đình, của con cái, lan tỏa tới mọi người với tinh thần: Đất nước luôn có những người lặng lẽ giữ biển bằng cả cuộc đời mình.
Một người lính chân chính là khi Tổ quốc gọi ta đến đâu, ta sẵn sàng mang cả trái tim mình hiến dâng cho nơi ấy. Em tin rằng, chồng mình là một người lính như vậy nên mọi khó khăn đều có thể vượt qua.
Chị Thùy Dương, vợ Thiếu tá Cao Anh Lê Phương, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/18
Cháu Cao Chí Khang trong phần thuyết trình về chủ quyền biển đảo ở trường lớp.
Các mô hình của chị Thùy Dương từng được trưng bày ở nhiều trường học, buổi sinh hoạt thiếu nhi, các chương trình hướng về biển đảo...
Nhiều em học sinh đứng trước cột mốc mô hình, lần đầu biết đến Trường Sa; nhiều cựu chiến binh rưng rưng ánh mắt bởi: "Đã lâu rồi chưa về lại với biển, nay thấy lòng mình lộng gió khơi xa..."
Có những lần chị dắt theo các con đi gửi quà cho bố. Ba mẹ con đứng bên nhiều gói quà được bao bọc kỹ đợi trước giờ chuyển lên tàu. Ánh mắt người vợ trẻ rưng rưng mà cương nghị.
Chị hiểu sâu sắc nỗi vất vả của những người lính biển, biết rõ cả nhiều hoàn cảnh đồng đội của chồng mình đang công tác nơi xa... nên tất cả món quà đều là quà chung cho người lính.
Tỉ mỉ trong từng công đoạn.
Quê anh ở Quảng Nam, nên trong mỗi món quà gửi ra Nhà giàn, chị đều gói ghém thêm chút quà quê, những hương vị đặc trưng của đất liền để anh và đồng đội vơi bớt nỗi nhớ nhà.
Khi con tàu chuẩn bị rời đất liền, cậu con trai út còn bé bỏng òa khóc, một mực muốn được lên tàu để "ra thăm ba Phương". Tàu khuất xa dần, ba mẹ con vẫn đứng lặng nơi cầu cảng, mắt dõi mãi phía chân trời xanh thẳm.
Một mô hình cột mốc chủ quyền của chị Thùy Dương được đóng dấu của đảo Trường Sa.
"Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/Rượu hồng đào chưa nhấm đã say... hành trình 11 năm không ngắn cũng không dài, nhưng đủ để cho em cảm nhận được tình yêu anh dành cho em và con, đủ để trải qua những cung bậc cảm xúc. Tình yêu của chúng ta có thể bắt đầu từ những khoảnh khắc chẳng hề đặc biệt nhưng nó lại xây đắp bằng những kỷ niệm chỉ thuộc về hai người", chị viết cho chồng, nhưng cũng gửi gắm chính mình.
Hạc giấy thả trong Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ do chị Thùy Dương gấp và gửi theo đoàn công tác.
"Một người lính chân chính là khi Tổ quốc gọi ta đến đâu, ta sẵn sàng mang cả trái tim mình hiến dâng cho nơi ấy. Em tin rằng, chồng mình là một người lính như vậy nên mọi khó khăn đều có thể vượt qua", chị xúc động chia sẻ.
Chị Thùy Dương tâm sự, thông thường người đàn ông là trụ cột của gia đình, nhưng đối với phần lớn những người vợ lính thì họ chính là trụ cột. Do chồng công tác xa, các chị phải thay các anh đảm đương tất cả mọi việc trong gia đình. Chị dí dỏm: "Đó cũng là cái "oai" của vợ bộ đội mà không phải ai cũng có được".
Những cánh hạc giấy đã về lại biển khơi.
Chị luôn tự hào, hãnh diện với bạn bè, đồng nghiệp và bà con lối xóm vì có chồng là bộ đội. Tất nhiên, có những khoảnh khắc thấy các gia đình sum vầy, chị cũng chạnh lòng, nhưng rồi chị vượt qua, để chồng yên tâm công tác.
Khó có thể nói hết những niềm vui nỗi buồn, trăn trở lo toan của những người vợ lính. Những người phụ nữ sống tình cảm và bản lĩnh như chị đều một lòng thủy chung son sắt, đảm đang thay chồng nuôi dạy con ngoan, phụng dưỡng bố mẹ.
Những món quà nhỏ đong đầy tình yêu Tổ quốc của người vợ lính.
"Những lúc khó khăn hoạn nạn, con ốm, mẹ cha già, vợ lính gồng mình gánh vác. Dù biết lấy chồng bộ đội là vất vả, là chịu đựng những khó khăn, nhưng hậu phương luôn tự hào về các anh. Sự nỗ lực, cố gắng, sự hy sinh quyền lợi, hạnh phúc của riêng mình đã giúp các anh có được những điểm tựa vững chắc để vươn lên hoàn thành nhiệm vụ", chị nói.
Chặng đường phía trước có thể còn nhiều thử thách, nhưng chị Thùy Dương luôn vững một niềm tin rằng, chỉ cần có tình yêu, sự đồng lòng và có các con bên cạnh, chị sẽ tiếp tục bước tiếp và viết tiếp những chương mới đầy ý nghĩa.
MAI LỮ
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/mon-qua-tu-tinh-yeu-to-quoc-cua-vo-linh-nha-gian-post874789.html