Trong tháng 1/2024, Hà Nội là thành phố nhiều lần có chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) cao thế giới, ở ngưỡng rất không tốt cho sức khỏe con người. (Ảnh nhandan.vn)
Ðây là một chủ đề nóng được người dân và cử tri quan tâm nhiều năm qua. Tuy nhiên, điều người dân chúng tôi mong muốn là hiệu lực, hiệu quả thực tế của đoàn sau khi kết thúc giám sát, đó là phải có được những tác động cụ thể, tích cực đối với môi trường sống.
Muốn được như vậy, nội dung giám sát cần tập trung vào những vấn đề còn nhiều bất cập, hạn chế đang nổi lên trên thực tế tại các địa phương, những vấn đề nổi cộm mà người dân lo lắng; tránh dàn trải, hình thức.
Hiện nay, chúng tôi thấy vấn đề rác thải sinh hoạt, rác thải tại khu công nghiệp, rác thải y tế; ô nhiễm tại khu đô thị, ô nhiễm làng nghề, ô nhiễm sông, hồ… đang là những nội dung cần có sự quan tâm, giám sát thực chất tại cơ sở chứ không thể chỉ là những buổi nghe báo cáo của địa phương, ban, ngành.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu thực tế để đưa ra dự báo về rác thải điện tử, như: Pin, xe điện, pin mặt trời… để từ đó có những phương án triển khai kịp thời, không bị động. Việc giám sát sẽ được Quốc hội thực hiện rộng khắp cả nước nhưng nội dung, vấn đề giám sát tại các địa phương cần khác nhau và tập trung vào những vấn đề đang nổi cộm tại địa phương đó.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng môi trường chưa tốt; trong đó, đáng chú ý là tốc độ đô thị hóa nhanh làm tăng sức ép về nhà ở và vệ sinh môi trường; đất nông nghiệp, tài nguyên đất bị khai thác vào các mục tiêu phát triển kinh tế; tỷ lệ cây xanh và mặt nước trong đô thị bị giảm. Bên cạnh đó, sự bùng nổ về phương tiện giao thông đã và đang vượt quá khả năng chịu tải của cơ sở hạ tầng, gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông, thải ra nhiều khí bụi độc hại…
Hy vọng, đoàn giám sát của Quốc hội sẽ sâu sát thực tế, hiểu sâu sắc những điểm nóng từ đó chỉ rõ các hạn chế và có thể xử lý dứt điểm những yếu kém, sai phạm về bảo vệ môi trường tại các địa phương.
Ðể tham gia hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, từng người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức của mình, phải phân loại rác, không xả rác bừa bãi, sẵn sàng bảo vệ môi trường bằng những việc nhỏ trong cuộc sống hằng ngày.
Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó nghiên cứu và ban hành những chế tài xử phạt phải đủ sức răn đe các đối tượng cố tình vi phạm.
Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể, rõ ràng về hệ thống quản lý môi trường trong các nhà máy, các khu công nghiệp theo các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời cần tổ chức giám sát chặt nội dung này.
Các địa phương, các tổ chức đoàn thể cần thúc đẩy thực chất hơn nữa nhiều hoạt động tham gia bảo vệ môi trường trong quần chúng nhân dân, như cùng nhau giữ gìn vệ sinh phường, khu phố, trồng cây xanh, để rác đúng nơi quy định…
KHÁNH AN