Tuyến ĐT.753 đang được thi công - đây sẽ là tuyến giao thông ngắn nhất kết nối từ phường Bình Phước tới trung tâm tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Q.Minh
Đến nay, 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Phước đã sáp nhập thành tỉnh Đồng Nai mới nhưng vẫn chưa có tuyến đường kết nối trực tiếp để qua lại giữa hai bên, người dân chủ yếu phải đi qua đường dân sinh hoặc băng rừng, vòng qua Thành phố Hồ Chí Minh (tỉnh Bình Dương cũ) hoặc tỉnh Lâm Đồng… Do đó, người dân kỳ vọng các dự án giao thông được đẩy nhanh tiến độ để thuận lợi trong đi lại, giao thương dễ dàng và kích hoạt các tiềm năng phát triển của tỉnh Đồng Nai mới.
Nhiều dự án đang triển khai
Giữa tỉnh Đồng Nai (cũ) và tỉnh Bình Phước (cũ) có khoảng 160km đất giáp ranh nhưng gần như chưa có tuyến đường kết nối trực tiếp. Tuyến kết nối trực tiếp duy nhất trong lịch sử là đường tỉnh (ĐT) 753 (tỉnh Bình Phước cũ) qua cầu Mã Đà đến ĐT761 thuộc tỉnh Đồng Nai (cũ). Tuy nhiên, cầu Mã Đà đã bị đánh sập trong chiến tranh, đến nay vẫn chưa được khôi phục.
Muốn đi từ tỉnh Bình Phước (cũ) về trung tâm hành chính tỉnh Đồng Nai mới, người dân di chuyển theo quốc lộ 13 và ĐT.741 qua Thành phố Hồ Chí Minh (tỉnh Bình Dương cũ), đến cầu Hóa An vào Đồng Nai. Hoặc có thể đi một số tuyến khác như: cung đường Mỹ Phước - Tân Vạn, Đồng Khởi - ĐT.768, phà Bà Miêu hay cầu Thủ Biên, tất cả đều là đường vòng, tốn thời gian và rất bất tiện, nhất là khi cần lưu thông hàng hóa.
Để tạo thuận lợi cho người dân, tỉnh Đồng Nai mới đang thúc đẩy Dự án Đầu tư xây dựng cầu Mã Đà, tạo nên mạch kết nối chiến lược. Dự án này dự kiến với tổng vốn trên 200 tỷ đồng. Khi đưa vào sử dụng, cây cầu sẽ tái lập tuyến kết nối trực tiếp ĐT.753 - ĐT.761, mở ra con đường huyết mạch kết nối các địa phương trong tỉnh từ hướng tỉnh Bình Phước (cũ).
Các đơn vị chức năng đang thực hiện nâng cấp tuyến ĐT.753 từ Đồng Xoài về suối Mã Đà, mở rộng mặt đường nhiều đoạn. Tuyến ĐT.753 (từ ĐT741 đến cầu Mã Đà được quy hoạch thành tuyến quốc lộ 13C), nhằm kết nối với tuyến ĐT.761 tại cầu Mã Đà và ĐT.762 để ra quốc lộ 1, hướng đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Cảng Cái Mép - Thị Vải.
Bà Nguyễn Thị Hồng (ngụ phường Bình Phước), nhà ở mặt tiền ĐT.753 - điểm đầu của Dự án Nâng cấp tuyến ĐT.753, chia sẻ: “Trong những ngày qua, gói thầu số 1 đã được triển khai thảm bê tông nhựa nóng, tôi rất phấn khởi. Đường hoàn thành rộng rãi, sạch đẹp sẽ trở thành tuyến đường huyết mạch nối cầu Mã Đà từ đây sang trung tâm tỉnh mới. Con trai tôi đợt này cũng đến Trung tâm Hành chính tỉnh Đồng Nai mới công tác. Có tuyến đường này, sẽ thuận lợi hơn trong việc đi lại. Do vậy, chúng tôi mong muốn nhà thầu hoàn thiện công trình đúng tiến độ” - bà Hồng nói.
Ông Mai Đức Côi (ngụ xã Tân Lợi), có nhà thuộc đoạn cuối của Dự án ĐT.753, chia sẻ: “Nhiều năm qua, tuyến đường xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của bà con, tình hình giao thông phức tạp, nguy hiểm. Nay dự án thi công, người dân rất phấn khởi. Chúng tôi mong nhà thầu đẩy nhanh tiến độ để trong tương lai gần, giao thông thuận lợi, thương mại, dịch vụ sẽ phát triển mạnh, qua đó kinh tế người dân sẽ ngày càng thịnh vượng”.
Đẩy nhanh tiến độ kết nối giao thông
Song song với việc xây dựng cầu Mã Đà, tỉnh Đồng Nai mới đang xúc tiến dự án xây dựng tuyến đường nối từ cầu Mã Đà đến đường vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh dài 44km, xuyên qua Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Dự kiến giai đoạn 1 sẽ đầu tư quy mô 4 làn xe, tổng vốn khoảng hơn 10 ngàn tỷ đồng...
Khi các dự án giao thông trên được thực hiện hoàn tất, việc đi lại của người dân sẽ thuận tiện hơn rất nhiều, rút ngắn thời gian di chuyển, tiết kiệm chi phí vận tải, đồng thời kích hoạt phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho các khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch bứt phá.
“Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên đa dạng, Đồng Nai có tiềm năng lớn để phát triển ngành du lịch. Khi giao thông thuận lợi, du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đến tỉnh Đồng Nai mới nhiều hơn. Việc đi lại thuận tiện hơn sẽ khiến khách du lịch không ngại di chuyển, tạo ra cơ hội lớn cho các dịch vụ lưu trú, nhà hàng, các khu vui chơi giải trí trong khu vực” - chị Nguyễn Thu Lan (hướng dẫn viên du lịch ở phường Trấn Biên) chia sẻ.
Mong muốn các dự án được đẩy nhanh tiến độ, ông Nguyễn Văn Mẫn (ngụ xã Dầu Giây) cho hay, gia đình ông có trang trại nuôi trùng quế chăn nuôi ở xã Lộc Ninh. Mỗi lần vận chuyển phân trùng quế đi bán ở các tỉnh và sang Đồng Nai (cũ) tiêu thụ, ông đều phải đi đường vòng tốn kém chi phí. Nếu cầu Mã Đà xây xong thì việc phân phối sản phẩm dễ dàng, tiết kiệm hơn rất nhiều.
“Cầu Mã Đà được xây dựng không chỉ mang lại thuận lợi trong di chuyển, mà còn tạo ra những cú hích mạnh mẽ cho nền kinh tế. Không còn bị chia cắt bởi những khó khăn về giao thông, mà thay vào đó sẽ là một hành lang kết nối, thúc đẩy phát triển bền vững cho tỉnh Đồng Nai mới” - ông Mẫn nói.
Ông Trần Quang Huấn, Chủ tịch Hội Xây dựng và bất động sản doanh nhân trẻ Đồng Nai (thuộc Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai): Tập trung đầu tư, phát triển hạ tầng
Khi 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Phước hợp nhất để trở thành tỉnh Đồng Nai mới sẽ có không gian phát triển rộng, tạo ra sức mạnh chung, từ đó thu hút nguồn lực cho đầu tư, phát triển được mạnh mẽ hơn. Đây là điều kiện để khai thác tốt tiềm năng của Đồng Nai, khu vực có công nghiệp, dịch vụ, hạ tầng, sân bay, cảng biển lớn và Bình Phước, nơi có quỹ đất rộng cho công nghiệp, nông nghiệp... phát triển.
Chúng tôi - cộng đồng doanh nghiệp ngành xây dựng, hạ tầng - nhận thấy lĩnh vực này trong tương lai sẽ được tập trung đầu tư, phát triển nhằm phục vụ mục tiêu chung. Do đó, cơ hội cho những doanh nghiệp trong ngành rất lớn, đòi hỏi cần nỗ lực để vươn lên, nắm bắt cơ hội, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh. Trong tâm thế hào hứng với những sự thay đổi lớn lao của cả nước, của Đồng Nai, chúng tôi tin tưởng vào tương lai mới, kỷ nguyên mới cho phát triển.
Ông Nguyễn Chính Tần, đảng viên xã Nhơn Trạch: Cần tiếp tục đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông đồng bộ
Khi tỉnh Đồng Nai hợp nhất với tỉnh Bình Phước sẽ rất thuận lợi trong tăng cường kết nối liên vùng mạnh mẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận. Sự kết nối này được kỳ vọng là động lực then chốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng sống của người dân. Do đó, người dân Đồng Nai đặt nhiều kỳ vọng vào một hệ thống kết nối vượt trội sẽ mang lại lợi ích chính về kinh tế, chất lượng sống và phát triển hạ tầng bền vững. Cụ thể là tăng kết nối vùng sẽ góp phần thu hút đầu tư vào công nghiệp, logistics; thúc đẩy thương mại, dịch vụ, du lịch; mở rộng thị trường lao động, thu hút nhân lực chất lượng cao. Cùng với đó là tiết kiệm thời gian, chi phí di chuyển; dễ dàng tiếp cận y tế, giáo dục chất lượng cao; đa dạng hóa lựa chọn giải trí, văn hóa và giảm thiểu ô nhiễm, tai nạn giao thông. Đồng thời, nhờ tăng sự liên kết vùng sẽ phân bố dân cư hợp lý, giảm áp lực cho các đô thị lớn và tạo động lực phát triển đồng bộ cho các ngành kinh tế liên quan.
Để hiện thực hóa những kỳ vọng này, tỉnh Đồng Nai sau khi hợp nhất với tỉnh Bình Phước cần tiếp tục đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, phát triển giao thông công cộng và tăng cường quản lý quy hoạch. Sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp và người dân là yếu tố quyết định để Đồng Nai trở thành một trung tâm kết nối, trung tâm công nghiệp vượt trội trong khu vực.
Văn Thế - Đăng Tùng (ghi)
Kim Liễu - Quang Minh