Lương không “đuổi” kịp giá
So với thời điểm 5 năm trước đó, tổng nguồn cung căn hộ mới năm 2024 tại Hà Nội đạt 24.996 căn, cao nhất kể từ năm 2020. Mặc dù nguồn cung căn hộ đã cải thiện nhưng giá bán căn hộ vẫn tiếp tục neo ở mức cao. Giá chào bán sơ cấp (giá bán trực tiếp từ chủ đầu tư) đạt 75 triệu đồng/m2, tăng 9% theo quý và 29% theo năm.
Thị trường vẫn “khát” nhà ở vừa túi tiền. Ảnh: T.Xuân.
Các căn hộ có giá trên 4 tỷ đồng chiếm 59% tổng số lượng căn bán được, tăng đáng kể từ mức 2% trong năm 2020. Các căn hộ có giá từ 2 đến 4 tỷ đồng chiếm 40%. Căn hộ có giá dưới 2 tỷ đồng chỉ còn chiếm khoảng 1% thị phần.
Tại TP Hồ Chí Minh, giá nhà cũng không có dấu hiệu hạ nhiệt. Nếu như giai đoạn 2012 - 2013, giá căn hộ trung cấp ở TP Hồ Chí Minh ở quanh mức 22 - 25 triệu đồng/m2, cao cấp khoảng 30 triệu đồng/m2 nay, sau hơn thập kỷ, giá căn hộ trung cấp đã ở mức 50 - 65 triệu đồng/m2. Điều đáng nói, giá nhà tăng chóng mặt trong khi thu nhập bình quân của người dân thấp, không tăng lên bao nhiêu trong vòng 1 thập kỷ qua.
Giới chuyên gia nhận định, giá bất động sản đang tăng nhanh khiến cơ hội sở hữu nhà xa tầm với của người dân. Tiền lương không theo kịp đà tăng giá bất động sản. Mức giá hiện tại vẫn cao hơn khả năng chi trả của phần lớn người dân, đặc biệt là tại các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Giá nhà vẫn đang vượt xa mức tăng trưởng thu nhập của phần lớn người dân.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn và nghiên cứu của Savills Hà Nội nhận xét, giá căn hộ để bán tại thị trường sơ cấp Hà Nội tiếp tục ở ngưỡng cao. Thậm chí, phân khúc căn hộ hạng C, vốn được xem là nhà ở thương mại giá thấp với mức giá trung bình tại thời điểm trước đó chỉ dao động từ 30 - 40 triệu đồng/m2 thì đến nay đã lên tới khoảng 50 triệu đồng/m2. Những căn hộ có giá thấp hơn rất hiếm.
“Mặt bằng giá cao đang ảnh hưởng đáng kể đến khả năng chi trả của nhóm khách hàng có nhu cầu thực về nhà ở. Đây là vấn đề lớn đối với phân khúc nhà ở vừa túi tiền” – bà Hằng đánh giá.
Khảo sát của Công ty Savills Việt Nam cho thấy, dù căn hộ hạng B chiếm chủ đạo nguồn cung mới với thị phần khoảng 97% nhưng vẫn đạt tỷ lệ hấp thụ tốt, ở mức 85% nhờ có pháp lý rõ ràng và chủ đầu tư uy tín. Theo Savills Việt Nam, vấn đề của thị trường hiện nay là sự thiếu hụt nguồn cung căn hộ giá rẻ và vừa túi tiền.
Chờ cải thiện nguồn cung nhờ chính sách
Giới chuyên gia dự báo, năm 2025, nguồn cung mới tại thị trường Hà Nội dự kiến đạt 25.200 căn hộ. Trong số đó, hạng B tiếp tục dẫn đầu, chiếm 88% nguồn cung tương lai. Từ năm 2026 trở đi, khoảng 70.000 căn hộ từ 91 dự án sẽ được mở bán. Các địa bàn Đông Anh, Hoài Đức và Hoàng Mai dự kiến sẽ đóng góp khoảng 52% thị phần.
Savills nhận định, hiện tại, thị trường đang mất cân đối về nguồn cung, nhưng với những điều chỉnh từ Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở thì thời gian tới, các khu vực phù hợp để phát triển nhà ở vừa túi tiền sẽ được chú trọng hơn.
Mặt khác, người mua vẫn có thể có những lựa chọn khác để có thể nắm bắt cơ hội sở hữu nhà ở. Bởi dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng không thể nói nguồn cung căn hộ dưới 2 tỷ đồng hoàn toàn biến mất mà chủ yếu là số lượng hiện có trên thị trường sơ cấp ngày càng khan hiếm. Trên thị trường thứ cấp, những căn hộ này vẫn còn, tuy nhiên, phần lớn nằm ở các khu vực xa trung tâm và có diện tích nhỏ.
Bên cạnh đó, xét về quy hoạch, vẫn còn nhiều dự án đang trong kế hoạch triển khai. Do đó, phân khúc căn hộ giá dưới 2 tỷ đồng có thể sẽ tiếp tục được bổ sung trong thời gian tới. Savills Việt Nam cũng đặt vấn đề: Nếu nguồn cung này không xuất hiện từ thị trường thương mại thì nhà ở xã hội sẽ là một giải pháp thay thế. Khi thị trường nhận được thêm nhiều dự án nhà ở xã hội, những điểm nghẽn trong việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân sẽ dần được giải tỏa.
An Bình