Mong ước an cư giữa đại ngàn biên cương

Mong ước an cư giữa đại ngàn biên cương
3 giờ trướcBài gốc
Từ trung tâm xã Mường Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) di chuyển vào bản Ún chừng hơn 10 km hiện đang là đường đất, đá lởm chởm. Cung đường vào bản phải men theo triền núi, qua những khúc cua nguy hiểm, một bên vực sâu, một bên núi cao. Có những đoạn đường, chỉ cần lơi lỏng tay lái có thể xuống vực sâu.
Đường vào bản Ún đi lại khó khăn, vất vả.
Có mặt tại khu tái định cư (TĐC) bản Ún, xã Mường Lý với hạ tầng thi công dở dang, vật liệu xây dựng, máy móc, xen lẫn lán tạm lụp xụp của người dân.
Mặc dù khu TĐC chưa thi công xong, nhưng để tránh nguy cơ sạt lở, chính quyền đã di dời những hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp đến đây ở tạm chờ hoàn thiện mặt bằng.
Ngồi sâu trong căn lều tạm với đồ dùng ngổn ngang, chị Thào Thị Pà (24 tuổi) đang mai thai tháng thứ 7 tất bật sửa soạn đồ đạc để nấu ăn cho cả gia đình. Chồng chị là Mò A Sự (28 tuổi) đang lên nương chăm sắn. Gia đình chị mong ngóng sớm được bố trí đất để có thể di chuyển nhà từ nơi ở cũ tới đây dựng lại. Dù chỉ là nhà gỗ đơn sơ nhưng cũng tránh được nắng mưa.
Chị Thào Thị Pà mong muốn mặt bằng TĐC sớm hoàn thiện để làm nhà.
Cách lều của chị Pà không xa, chị Tráng Thị Sơ (25 tuổi) và chồng Hàm A Sà (31 tuổi) phải ở tạm trong chiếc lều vỏn vẹn vài mét vuông nhiều ngày nay. Chị Sơ hiện đang mang bầu tháng thứ 8 cho biết, nhiều khả năng con khi chào đời phải sống trong cảnh tạm bợ, chờ mặt bằng khu TĐC bản Ún mới xây nhà ổn định đời sống.
Trước tình trạng trên, Trưởng bản Ún Mai Văn Thề cho biết, người dân mong cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ, bàn giao đất TĐC để xây dựng, làm lại nhà để an cư. "Sống tạm trong các lều như thế này rất bất tiện. Điện chập chờn, nước ở xa, nấu nướng phải dùng củi. Nhiều khi trời mưa ướt không nấu ăn được. Chưa kể là tiếng ồn do máy móc thi công", ông Thề nói.
Người dân bản Ún đang sống trong những căn lều tạm với muôn vàn khó khăn, vất vả.
Trao đổi với PV, ông Quách Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã Mường Lý cho biết, địa phương được phân bổ trên địa bàn rất rộng, chủ yếu là núi cao và bên kia là vực, sông Mã. Những năm qua, tình hình sạt, lở đất diễn ra ngày một phức tạp ảnh hưởng tới đời sống nhân dân.
"Bản Ún với 100% là người Mông sinh sống. Trước nguy cơ mất an toàn, xã đề xuất lên huyện báo cáo cấp trên bố trí nguồn kinh phí xây dựng khu TĐC cho người dân. Sau khi khảo sát, tham vấn ý kiến người dân, 2 khu đồi rộng hợn 2 ha được lựa chọn triển khai làm TĐC cho 126 hộ. Khu 1 bố trí 40 hộ, khu 2 bố trí 86 hộ. Mỗi hộ sẽ nhận 150 m2 đất và 40 triệu đồng với hộ nghèo, cận nghèo, 20 triệu đồng hộ bình thường", ông Tùng cho hay.
Theo kế hoạch tháng 2/2025 sẽ hoàn thành mặt bằng TĐC bản Ún.
UBND huyện Mường Lát cho biết, dự án khu TĐC bản Ún hiện triển khai đúng tiến độ. Khối lượng công việc đạt khoảng 70%, dự kiến đến tháng 2/2025 sẽ bàn giao đi vào sử dụng.
Được biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và số 4, trên địa bàn huyện Mường Lát có mưa lớn kéo dài, nguy cơ sạt lở đe dọa trực tiếp đến hàng trăm hộ dân. Tại khu vực bản Ún xuất hiện vết nứt dài khoảng 152 mét, rộng 50 cm, đã sụt so với mặt bằng từ 1m đến 2,5m. Do đó, có 124 hộ với 804 nhân khẩu của bản trong diện phải di dời do ở trong vùng nguy cơ cao bị sạt lở.
Trước tình hình đó, mặc dù mặt bằng TĐC đang được triển khai xây dựng và chưa được bàn giao, nhưng để bảo đảm an toàn cho người dân, huyện Mường Lát chỉ đạo các lực lượng chức năng di dời những hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp đến nơi TĐC. Đồng thời, xây dựng nơi ở tạm cho các hộ dân trong khi chờ đợi hoàn thiện mặt bằng để di chuyển nhà ở của các hộ dân lên nơi ở mới.
Video người dân ở trong các căn lều tạm tại khu TĐC.
Ngọc Hưng
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/mong-uoc-an-cu-giua-dai-ngan-bien-cuong-169241017133647554.htm