"Cần thêm kinh phí để thay thế những quả tên lửa diệt hạm tầm xa (LRASM) AGM-158C-3 đã sử dụng cho hoạt động ứng phó tình hình liên quan tới Israel của Bộ Quốc phòng Mỹ", Lầu Năm Góc cho biết trong tài liệu tái phân bổ ngân sách quốc phòng soạn ngày 22/5/2025 và được công bố đầu tuần này.
Theo tài liệu, quyết định này không thay đổi mục đích sử dụng ban đầu của ngân sách đã được thông qua.
"Đây là khoản chi được quốc hội Mỹ đặc biệt quan tâm, cũng như là yêu cầu ngân sách khẩn cấp", tài liệu có đoạn.
Đề nghị tái phân bổ kinh phí giúp chuyển hơn 780 triệu USD, ban đầu dành để hỗ trợ cho quân đội Israel, sang ngân sách chi cho các hoạt động của Mỹ để ứng phó tình hình liên quan.
Theo biên tập viên Joseph Trevithick của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone, khoản ngân sách được tái phân bổ "ít nhất có một phần liên quan tới chiến dịch nhằm vào lực lượng Houthi tại Yemen".
Tài liệu được nhận định là dấu hiệu cho thấy Mỹ đã lần đầu sử dụng tên lửa AGM-158C trong thực chiến.
"Để bảo đảm bí mật tác chiến, chúng tôi hạn chế công bố chi tiết về các loại vũ khí cụ thể trong các hoạt động đã, đang và sẽ diễn ra", một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết khi được đề nghị bình luận về thông tin.
Chưa rõ Mỹ sử dụng tên lửa AGM-158C để tấn công mục tiêu nào ở Trung Đông.
Theo Trevithick, tên lửa AGM-158C có thể đã nhắm tới các mục tiêu ven biển. Houthi sở hữu hệ thống phòng không gây rủi ro lớn cho máy bay, do đó Mỹ phải tăng cường sử dụng đạn tầm xa và tàng hình trong chiến dịch đối phó, trong đó AGM-158C là một loại vũ khí hiệu quả.
Một khả năng khác là quân đội Mỹ có thể mua AGM-158C để thay thế tên lửa hành trình AGM-84H SLAM-ER. Lực lượng Mỹ đã phóng nhiều quả đạn AGM-84H vào mục tiêu Houthi vào đầu năm nay, song không mua bổ sung và AGM-158C có thể là lựa chọn thay thế trong tương lai.
Được biết, tên lửa hành trình chống hạm tầm xa AGM-158C LRASM là một phiên bản sửa đổi từ tên lửa không đối đất tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 JASSM nổi tiếng của Mỹ đã được sử dụng thực chiến tại Syria.
Chữ LRASM là viết tắt của Long Range Anti Ship Missile (tên lửa chống hạm tầm xa), dự án này được phát triển nhằm tạo ra loại vũ khí lấp chỗ trống của tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon sắp đến tuổi nghỉ hưu.
Suốt thời gian dài Mỹ bỏ ngỏ khả năng phát triển tên lửa hành trình chống hạm tầm xa, tuy nhiên việc hải quân Nga và Trung Quốc trỗi dậy khiến Lầu Năm Góc buộc phải tái khởi động các dự án tham vọng nhằm tiếp tục duy trì lợi thế trên biển.
AGM-158C LRASM sẽ được phương tiện mang phóng khai hỏa sau khi chúng nhận thông tin từ các phương tiện trinh sát công nghệ cao.
Tên lửa AGM-158C LRASM được trang bị đầu dò đa năng và đường truyền dữ liệu tiên tiến. Sau khi rời khỏi bệ phóng, nó sẽ nhận thông tin mục tiêu từ phương tiện phóng, sau đó tiếp tục cập nhật về đối tượng qua kết nối với vệ tinh.
AGM-158C là một trong số ít vũ khí được tích hợp trí thông minh nhân tạo, khi tiến vào khu vực gần mục tiêu, nơi tín hiệu liên lạc vệ tinh bị gây nhiễu hoặc gián đoạn, tên lửa sẽ lập tức chuyển hệ để bay theo lộ trình được vạch sẵn.
Các cảm biến cực nhạy trên tên lửa sẽ xác định những khu vực bị đe dọa bởi vũ khí phòng không của đối phương, sau đó tự điều chỉnh hướng bay để vòng qua vùng nguy hiểm này.
Khi bước vào giai đoạn công kích, tên lửa AGM-158C LRASM sẽ nhanh chóng hạ độ cao xuống sát mặt biển để tránh bị hệ thống radar trên tàu chiến đối phương phát hiện và bị tiêu diệt bởi các loại vũ khí phòng thủ tầm gần trang bị trên các chiến hạm.
Các thiết bị cảm biến gắn trên tên lửa AGM-158 LRASM sẽ liên tục rà quét các vị trí trang bị vũ khí phòng không trên các chiến hạm và thay đổi quỹ đạo bay để tránh bị bắn hạ.
Đầu nổ xuyên - phá mảnh nặng 450 kg của AGM-158C LRASM đủ sức tiêu diệt nhiều loại tàu chiến khác nhau. Thậm chí chỉ cần 3 quả cũng có thể thổi tung cả tàu sân bay đối phương.
AGM-158C có thể phóng từ máy bay tiêm kích, máy bay ném bom chiến lược và cả trên các chiến hạm mặt nước. Đây được coi là một trong những vũ khí chủ lực của hải quân Mỹ trong tương lai gần.
Theo đánh giá từ nhiều chuyên gia quân sự, tên lửa hành trình chống hạm tầm xa AGM-158C LRASM sẽ khiến cho cán cân sức mạnh trong những cuộc giao tranh trên biển tiếp tục nghiêng về phía Mỹ.
Việt Hùng
Theo War Zone, AFP, AP