"Chúng tôi tin rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn có một thỏa thuận toàn diện, nhưng xét đến nhiều vấn đề liên quan, các cuộc đàm phán có thể sẽ phức tạp và sẽ mất thời gian để hoàn tất", Morgan Stanley cho biết trong một báo cáo được công bố vào thứ Ba (29/4).
Sự gián đoạn thương mại có thể là cánh cổng dẫn đến các cuộc đàm phán, nhưng thuế quan khó có thể quay trở lại mức trước ngày 25/1. Theo Morgan Stanley, các cuộc đàm phán toàn diện hơn vào nửa cuối năm nay có thể dẫn đến việc giảm thêm thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, đưa thuế quan xuống còn 34% vào cuối năm nay, phản ánh việc xóa bỏ mức thuế 20% liên quan đến fentanyl.
Mỹ đã áp dụng thuế quan tổng cộng 145% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc tính đến nay, đưa mức thuế quan thực tế lên khoảng 156%. Trong khi đó, mức thuế mới của Trung Quốc đối với hàng hóa Mỹ đã tăng lên 125%. Với thiệt hại đã gây ra cho chu kỳ kinh tế, Morgan Stanley cho biết hướng tăng trưởng chung dự kiến vẫn sẽ sụt giảm.
"Nếu không giải quyết nhanh chóng tình trạng bất ổn liên quan đến thuế quan, con đường phía trước có thể hướng tới một sự suy thoái mạnh và đồng bộ", báo cáo cho biết.
Theo nhà kinh tế trưởng Robin Xing, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý II hiện đang ở mức dưới 4,5%, thấp hơn mức tăng trưởng 5,4% trong quý I. Morgan Stanley dự kiến Trung Quốc sẽ đưa ra một gói kích thích bổ sung khoảng từ 1.000 tỷ nhân dân tệ (137,5 tỷ USD) tới 1.500 tỷ nhân dân tệ trong nửa cuối năm, nhưng cũng lưu ý rằng điều này "sẽ không đủ để bù đắp hoàn toàn cho cú sốc tăng trưởng do thuế quan gây ra".
Bên cạnh đó, Nomura cho biết, khoảng 2,2% GDP của Trung Quốc sẽ "bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thuế quan", và nếu Trung Quốc mất 50% lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ, nước này có thể mất khoảng 1,1% GDP trong thời gian tới.
"Mất mát thực tế sẽ lớn hơn khi cú sốc lan sang các lĩnh vực khác, đặc biệt là các lĩnh vực dịch vụ tạo điều kiện cho xuất khẩu hàng hóa", Nomura cho biết.
Hơn nữa, hậu quả về vấn đề việc làm có thể rất nghiêm trọng. Giả sử xuất khẩu giảm 50% do thuế quan của Mỹ, Nomura ước tính rằng Trung Quốc có thể mất khoảng 5,7 triệu việc làm trong ngắn hạn và lên tới 15,8 triệu việc làm khi tác động lan rộng trên khắp các lĩnh vực. Nhưng báo cáo cũng chỉ ra rằng tổn thất GDP chính xác vẫn còn rất không chắc chắn vì một số lý do.
Những lý do này bao gồm liệu các nhà xuất khẩu Trung Quốc có thể tiếp tục chuyển hướng hàng hóa qua các nền kinh tế khác để tránh các mức thuế quan đó hay không và liệu một thỏa thuận vẫn có thể xuất hiện hay không.
Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài