Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova . Ảnh: Tass
Ngày 17/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã bình luận thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ tấn công lãnh thổ Nga, cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu rõ quan điểm của Moscow trong vấn đề này.
Theo bà Zakharova, vào ngày 12/9, Tổng thống Putin nói rằng nếu các nước phương Tây đồng ý cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do các nước này viện trợ tấn công sâu lãnh thổ Nga có nghĩa Mỹ và các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) can dự trực tiếp vào cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Tổng thống Nga cảnh báo, Moscow sẽ đưa ra “những quyết định phù hợp để ứng phó với các mối đe dọa mà chúng tôi phải đối mặt”.
Tuyên bố trên được người phát ngôn Zakharova đưa ra sau khi truyền thông Mỹ đưa tin ông Biden cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ tấn công lãnh thổ Nga.
Cụ thể, 2 nguồn tin quan chức Mỹ cho biết người đứng đầu Nhà Trắng đã đồng ý để Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất để tấn công sâu sang lãnh thổ Nga.
Ukraine có kế hoạch thực hiện các cuộc tấn công tầm xa đầu tiên trong những ngày tới. Nhiều cơ quan truyền thông phương Tây cho biết, Kiev dự kiến sẽ sử dụng tên lửa tầm xa tại khu vực Kursk của Nga, nơi đã bị Ukraine xâm nhập hồi đầu tháng 8.
Cùng ngày, các nhà lập pháp cấp cao của Nga cảnh báo, quyết định của Washington cho phép Kiev tấn công sâu vào Nga bằng tên lửa tầm xa của Mỹ làm leo thang xung đột ở Ukraine và có thể dẫn đến Thế chiến thứ ba.
"Phương Tây đã quyết định ở mức độ leo thang đến mức có thể kết thúc bằng việc nhà nước Ukraine sẽ bị phá hủy hoàn toàn ngay trong ngày mai," ông Andrei Klishas - một thành viên cấp cao của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga viết trên Telegram.
Ông Vladimir Dzhabarov, Phó chủ tịch thứ nhất của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga, cho biết Moscow sẽ có phản ứng ngay lập tức.
"Đây là một bước leo thang nghiêm trọng có nguy cơ dẫn đến Thế chiến thứ ba," hãng thông tấn nhà nước Tass trích tuyên bố của ông Dzhabarov.
Ông Leonid Slutsky - Chủ tịch Ủy ban các vấn đề đối ngoại của Hạ viện Nga nói rằng việc Washingotn cho phép Kiev tấn công Nga bằng tên lửa chiến thuật ATACMS của Mỹ sẽ dẫn đến phản ứng cứng rắn nhất từ Moscow.
Thông tin Tổng thống Biden cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ tấn công lãnh thổ Nga xuất hiện hai tháng trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức và nhiều tháng sau lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Quyết định cho phép Ukraine sử dụng Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội (ATACMS) ở Nga đã được Washington xem xét trong nhiều tháng. Giới chức Mỹ vẫn chia rẽ về động thái này. Một số quan chức lo ngại nguy cơ leo thang xung đột, trong khi những người khác lo lắng tình trạng kho vũ khí đang cạn kiệt.
Ukraine từ lâu đã đề nghị Mỹ và các đồng minh, đối tác phương Tây dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế đối với Kiev trong việc sử dụng vũ khí tầm xa tấn công vào sâu lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, phương Tây ban đầu tỏ ra khá dè dặt với đề nghị này.
Động thái đảo ngược chính sách của Mỹ, nếu được xác thực, diễn ra trong bối cảnh Ukraine và phương Tây cáo buộc Triều Tiên triển khai tới 10.000 binh sĩ đến Nga để hỗ trợ chống lại lực lượng Ukraine. Kiev đang ở thế yếu khi Nga tăng cường phản công ở Kursk và tiếp tục đạt được bước tiến ở mặt trận miền Đông Ukraine.
Tuy nhiên, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết quyết định mới nhất của Washington khó có thể làm thay đổi cục diện chiến tranh vì số lượng tên lửa hạn chế và Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái để tấn công các mục tiêu của Nga.
Mỹ hồi đầu năm nay xác nhận rằng nước này đã gửi ATACMS cho Ukraine, với điều kiện các vũ khí này chỉ được sử dụng bên trong lãnh thổ Ukraine.
Thông tin Tổng thống Biden cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ tấn công lãnh thổ Nga xuất hiện niều tháng sau lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: DW
Hiện chưa rõ Ukraine có bao nhiêu tên lửa tầm xa ATACMS, nhưng số lượng rất hạn chế vì Kiev đã sử dụng một số trong các tên lửa này để tấn công mục tiêu trong lãnh thổ của mình.
Trong bài phát biểu buổi tối 17/11, ông Zelensky nói rằng các tên lửa sẽ “tự nói lên điều đó”. “Hôm nay, nhiều phương tiện truyền thông nói rằng chúng tôi đã được phép thực hiện các hành động thích hợp. Nhưng các cuộc tấn công không được thực hiện bằng lời nói. Những vấn đề như vậy không được công bố” - ông Zelensky nói.
Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Mỹ và Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối bình luận.
Cũng trong ngày 17/11, báo Le Figaro đưa tin, Pháp và Anh cũng cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của họ để tấn công bên trong nước Nga. Theo đó, Kiev được sử dụng tên lửa SCALP và Storm Shadow để tấn công mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga. Những tên lửa này có tầm bắn khoảng 250 km. Phía London cần sự chấp thuận của Washington vì các tên lửa này có chứa các linh kiện của Mỹ.
Nguyễn Phương