Một bài thơ góp sức 'giải mã' một câu hỏi thường nhật

Một bài thơ góp sức 'giải mã' một câu hỏi thường nhật
7 giờ trướcBài gốc
Đọc bài thơ “Vì sao?!” của thi sĩ Nguyễn Hồng Vinh đăng trên Báo Công luận mới đây, tôi liên tưởng đến hai vở kịch sân khấu “Đậu Nga oan” của Quan Hán Khanh (Trung Quốc) và “Quan Âm Thị Kính” (Việt Nam). Cả hai vở này đều nói về nỗi oan ngút trời của người phụ nữ trong xã hội cũ. Nhìn từ lý thuyết đối thoại văn hóa hiện đại, thì đó là những tiếng nói đối thoại với chính mình, với phận người, với cả xã hội, với cả kiếp người! Thị Kính tốt, hiền lành cam chịu như thế mà bị oan, mà oan thảm hai, ba lần.
Thì ra, trong cái xã hội đầy tai ương, đầy mâu thuẫn, phi lý như thế thì người tốt, cái tốt rất khó tồn tại. Thế nên muốn cho cái tốt, người tốt tồn tại thì phải thay đổi cả cách nhìn, cách nghĩ, cách sống của xã hội ấy. Tiếng than của Thị Kính không phải nói với con người, dù là những người thân nhất, gần nhất, mà là nói với phận người, với cõi người. Vì vậy không có lời đáp lại. Nhưng tại sao cả làng của Thị Kính, Thị Màu chỉ biết ra “ăn khoán”, chứ không cần biết đến lẽ phải: lời tố cáo có đúng không!? Các “quan”, dù là quan “ăn tiên chỉ” sang trọng, thông minh cũng chỉ cần nhìn thấy “cái bụng chửa” của Thị Màu, mà không cần “điều tra”, đã cứ coi Thị Kính là “tác giả”!? Vì con người ta vô cảm trước tai họa của con người! Có phải im lặng là tốt không?
Còn đây là lời những người dân Sở Châu than với quan tòa Thiên Chương trong “Đậu Nga oan”: “Chúng tôi biết Đậu Nga bị oan, nhưng sợ quyền thế của tên tham quan đó, mà đành ôm hận, chứ không dám nói ra. Chúng tôi không hề hãm hại nàng, cớ sao lại phải chịu nạn hạn hán suốt 3 năm này chứ?” Lời đáp của quan Thiên Chương cũng là lời của công lý: “Biết rõ Đậu Nga bị oan, vậy mà không nói lời công đạo, đó là bất nghĩa. Những kẻ hùa theo tham quan, không cứu người lương thiện, đó là bất nhân. Trời cao có mắt. Thiên tai nhân họa là để trừng trị những kẻ bất nhân bất nghĩa vậy!”. Lời này cũng là lời của chân lý, đạo lý!
Trên cơ sở cách tiếp cận đó, với tôi, bài thơ “Vì sao?!”của Nguyễn Hồng Vinh là bài thơ có ý nghĩa sâu sắc về tư tưởng, đề cập những hiện tượng tưởng như bình thường, nhưng thật sự rất không bình thường trước nhiều hiện tượng đáng suy ngẫm trong thời cơ chế thị trường.
Bài thơ dựa trên cái tứ câu hỏi “Vì sao?”. Thế nên có tới 8 lần, hai chữ này được nhắc đi nhắc lại, vì đó là câu hỏi cho mọi người: Vì sao lại như vậy? Một câu hỏi nhận thức mang tầm phổ quát rộng rãi nhất. Trả lời câu hỏi ấy, chính là kết quả của quá trình nhận thức, phân tích, trải nghiệm để tiến gần đến chân lý. Khổ đầu là nhận thức về quy luật trái tự nhiên, sẽ chi phối, ảnh hưởng đến quy luật sinh hoạt của con người:
Vì sao chiều qua nắng thu đẹp mê hồn
Đêm bỗng gió giông gãy cành, băm lá
Chặn lối bao người lại qua
Trẻ chậm giờ đến trường mếu máo?!
Ba khổ sau là sự việc trái với quy luật đời sống tình yêu:
Vì sao gặp anh, em lơ đãng nhìn ra chỗ khác
Lẩm bẩm điều gì trong xào xạc lá rơi
Một mình anh bần thần bên gốc bàng đỏ ối!
Bài thơ em vừa đăng
Mang cái tên ngồ ngộ:
“Chẳng hiểu anh vì sao!”
Lại ngợi khen thơ em bằng bài dài trên báo?!
Anh viết gửi em:
“Vì sao và vì sao?”
Câu hỏi ấy cứ nối dài vô tận
Câu trả lời của đời người chẳng bao giờ dừng lại
Thì ra “em” là nhà thơ, việc gặp “anh” chỉ là “hình thức”, là “cái vỏ”; còn “cái lõi”, cái thần thái bên trong, “em” làm thơ. Bài thơ “em” làm cũng lại là một nhận thức về “anh” với tiêu đề “Chẳng hiểu anh vì sao!”. Có lẽ nói thay được nỗi lòng của nhiều người nên bài thơ được khen ngợi?! Đến lượt, “anh” cũng ngạc nhiên “Vì sao và vì sao?” trước vô số hiện tượng tự nhiên và xã hội diễn ra, đẩy phận người đến mông lung, bế tắc, mà hiện tượng “gặp anh, em lơ đãng nhìn ra chỗ khác”, là một ví dụ điển hình?!
Chính vì thế, “Vì sao” không còn là câu hỏi của tình yêu hoặc cho tình yêu, mà cho tất cả: “Câu trả lời của đời người chẳng bao giờ dừng lại”!
Đối với nhân vật trữ tình, “anh” tự lý giải “vì sao” như vậy:
Đêm về tự “giải mã” riêng mình:
Có lẽ cái VÌ SAO làm nên KHÁC BIỆT
Em thích làm thơ
Anh lại mê tiểu thuyết
Em muốn du lịch biển
Còn anh hướng lên cao nguyên…
Một lý giải rất thời “toàn cầu hóa”, là do sự “khác biệt”. Mà sự khác biệt là tất nhiên, nên “vì sao” là câu hỏi có tính vĩnh cửu. Nhưng phải chăng suy ngẫm sau mới là bản chất vấn đề:
Song, phải chăng, đó chỉ là ngụy biện
Cho điều sâu xa là tình yêu chân thật
Khi trái tim hai người chưa thuộc về nhau
Bởi chưa có sẻ chia, đồng điệu…?!
Nhưng “toàn cầu hóa” cũng phải trên cơ sở “cầu đồng tồn dị” tức cùng hướng về cái chung, mà vẫn giữ cái khác biệt của nhau. Phải chăng tình yêu cũng phải như thế?
Tác giả không trả lời khẳng định, mà dành quyền ấy cho bạn đọc. Đó là cách đối thoại tôn trọng, cùng tìm ra chân lý!
Vì vậy, hai khổ cuối là chủ đích của bài thơ chung quanh phạm trù hiện tượng và bản chất của tự nhiên và xã hội:
Mưa bão qua
Phù sa sông bình lặng
Đồng lúa mượt mà
Trời vời vợi cao xanh
Vùng vẫy những cánh diều từng trong giam hãm!
Đấy là quy luật thiên nhiên: mưa bão ngưng, bầu trời bừng nắng! Còn “em” thì sau đó, thấu hiểu nỗi đau do chính con người gây ra:
Con người tự làm khổ nhau hơn
Cái Thiện bị nhấn chìm
Cái Ác hoành hành
Lời đồn xấu độc loang truyền
Giả dối đảo điên
Nhiều người chọn cách lặng im
Câu hỏi VÌ SAO cứ nối dài vì thế!”
Triết luận đích thực thường bật ra từ các phạm trù, khái niệm mâu thuẫn của triết học. Chỉ nhờ vậy triết luận mới sâu sắc. Tự thân các phạm trù đối lập trên (Hào phóng/nghiệt ngã; Thiện/Ác) đã nói lên cái mâu thuẫn của cả tự nhiên và xã hội. Nguyên nhân vì sao? Đó cũng là câu hỏi mang tầm triết học, vì: “Nhiều người chọn cách lặng im”!
Nếu ngày xưa vì “Nhiều người chọn cách lặng im” nên đã có những mối oan tày trời như Đậu Nga, Thị Kính đè nặng trái tim nhân loại, thì ngày nay vẫn thế sao?
Thơ để lại dấn ấn nhờ ở tầm tư tưởng. Theo tôi, bài “Vì sao?!” của Nguyễn Hồng Vinh hay ở tầm tư tưởng vì góp sức thay đổi nhận thức của nhiều người trong xã hội văn minh hôm nay. “Im lặng là vàng” - ngạn ngữ phương Tây nói thế. Nhưng là để nói về những con người cầu thị, biết im lặng để tiếp thu tri thức, để học hỏi, để lắng nghe suy ngẫm, tìm ra bài học có ích cho chính mình. Đó thuộc về lĩnh vực đạo đức. Nhưng nếu lại im lặng trước thói xấu, cái xấu là sự đồng lõa; và dần dần sẽ thành “đồng minh” với cái xấu, cái ác. “Cái Thiện bị nhấn chìm/Cái Ác hoành hành/Lời đồn xấu độc loang truyền/Giả dối đảo điên”.
Trước bề bộn hiện tượng trái ngang ấy, con người cần tỏ thái độ bất bình, vun đắp cái Thiện, đẩy lui cái Ác, đó là cách góp phần lành mạnh hóa xã hội, làm trong trẻo tình người, tình đời! Mấu chốt bài thơ là thông điệp đó, khơi gợi trách nhiệm công dân và nghĩa vụ của người đọc, góp sức làm cho tình đời, tình người đẹp lên, tạo ra động lực tự thân vượt lên mọi rào cản, thúc đẩy xã hội tiến lên.
Với ý nghĩa đó, bài thơ là một tiếng nói đối thoại tâm tình với chúng ta, và xã hội.
Hà Nội, 10/10/2024
PGS.TS Nguyễn Thanh Tú
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/mot-bai-tho-gop-suc-giai-ma-mot-cau-hoi-thuong-nhat-post316276.html