Ăn uống không đúng cách có thể khiến tình trạng trào ngược dạ dày thêm trầm trọng. Ảnh minh họa: Shutterstock.
Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), cho biết bệnh trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi dịch axit trong dạ dày thường xuyên chảy ngược vào ống thông giữa miệng và dạ dày, được gọi là thực quản.
Dung dịch axit này có thể gây kích ứng niêm mạc thực quản của người bệnh. Rất nhiều người có triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản với các mức độ khác nhau. Ở mức độ nhẹ, trào ngược xảy ra một lần một tuần. Trào ngược axit trung bình đến nặng xảy ra ít nhất từ 2 lần trở lên trong một tuần.
Các triệu chứng thường gặp ở người bị trào ngược dạ dày là ợ nóng, cảm giác thức ăn hoặc nước trào ngược lên cổ họng hoặc miệng, đặc biệt là khi cúi hoặc nằm xuống. Một số triệu chứng ít phổ biến hơn bao gồm đau họng dai dẳng, khàn tiếng, ho mạn tính, khó nuốt hoặc nuốt đau, hen suyễn, đau ngực không giải thích được, hơi thở hôi, cảm giác một khối u trong cổ họng.
Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản là hút thuốc lá, dùng các thuốc kích thích β thụ cảm, ức chế α, kháng tiết choline, theophylline, các chất cafein, rượu, chocolate hay thức ăn nhiều mỡ.
Bên cạnh đó, trào ngược dạ dày cũng xảy ra khi thức ăn ứ đọng lại dạ dày làm cho các chất trong dạ dày chậm lưu thông xuống ruột từ đó làm tăng áp lực trong dạ dày. Ho, hắt hơi hoặc gắng sức cũng có thể là nguyên nhân trào ngược dạ dày thực quản.
Một số nguyên nhân khác là stress, thói quen ăn uống không lành mạnh, béo phì, có thai, lạm dụng thuốc kháng sinh.
Theo bác sĩ Vũ, trào ngược dạ dày là bệnh khó điều trị, đòi hỏi hợp tác từ nhiều phía và để lại nhiều di chứng. Do đó, người bệnh cần tích cực điều trị khi được chẩn đoán bị trào ngược dạ dày, để mang lại sức khỏe và nâng cao chất lượng sống.
Nguyễn Thuận