Bệnh tiểu đường đang âm thầm tăng ở người trẻ. Ảnh: Freepik.
Năm 12 tuổi, Thành (hiện 24 tuổi, ngụ TP.HCM) được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường type 1. Hơn một thập kỷ, Thành gắn liền với insulin cùng với chế độ ăn uống khe khắt so với tuổi niên thiếu.
Gần đây, do cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng trong công việc, Thành thường xuyên bỏ bữa và không theo dõi đường huyết định kỳ. Sau thời gian ngắn, sức khỏe thanh niên 24 tuổi giảm sút, mờ mắt và giảm thị lực rõ rệt.
Khi đi khám, các bác sĩ chẩn đoán anh bị bệnh võng mạc do tiểu đường. Bệnh này làm tổn thương các mạch máu trong võng mạc, có thể dẫn đến mù lòa nếu không được điều trị kịp thời.
Trường hợp của Thành không hiếm gặp, nhất là trong bối cảnh số người mắc bệnh tiểu đường (đái tháo đường) ở Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây, kể cả tiểu đường type 1 lẫn type 2.
Những con số đáng lo ngại
Trao đổi với Tri Thức - Znews, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thu Phương, khoa Nội tiết, Bệnh viện Quân Y 175 (TP.HCM), cho biết với trường hợp của Thành, không chỉ võng mạc, bệnh nhân còn gặp phải các triệu chứng của biến chứng thận và thần kinh ngoại vi, với cảm giác tê bì, ngứa ran ở chân tay. Những biến chứng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và khả năng làm việc của anh.
Thành được các bác sĩ chỉ định điều trị tích cực, đề nghị phải thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường kiểm soát đường huyết bằng insulin và các thuốc hỗ trợ điều trị biến chứng như hạ đường huyết và thuốc bảo vệ thận.
Đồng thời, định kỳ, anh còn phải tuân thủ các buổi khám mắt và kiểm tra chức năng thận, kiểm soát căng thẳng và thay đổi lối sống.
Theo bác sĩ Phương, trường hợp của Thành là một điển hình cho thấy gánh nặng lớn về cả thể chất lẫn tinh thần khi mắc bệnh tiểu đường. Nghĩa là một khi mắc, người bệnh phải chấp nhận sống chung với việc kiểm soát đường huyết. Đặc biệt, càng trẻ, việc kiểm soát càng khắt khe hơn.
Số người mắc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây, đặc biệt là tiểu đường type 2.
"Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ mắc tiểu đường ở người trưởng thành trên 20 tuổi đã tăng lên trong những năm gần đây, với một tỷ lệ đáng lo ngại ở cả khu vực thành thị và nông thôn", bác sĩ Phương nhấn mạnh.
Năm 2020, theo khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nghiên cứu trong nước, khoảng 5 triệu người ở Việt Nam mắc tiểu đường và con số này dự báo sẽ còn gia tăng trong các năm tiếp theo.
Bệnh tiểu đường ngày càng gia tăng, đặc biệt ở độ tuổi trẻ. Ảnh: Freepik.
Bệnh tiểu đường được chia thành 2 type, trong đó type 1 hiếm gặp, chủ yếu xuất hiện ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Tiểu đường type 2 thường gặp ở người lớn tuổi, nhưng đang trẻ hóa. Những năm gần đây, bệnh tiểu đường type 2 đang ngày càng gia tăng ở nhóm người trẻ dưới 40 tuổi, thậm chí là trẻ em. Đặc biệt là những người có lối sống ít vận động, thừa cân, béo phì và ăn uống không lành mạnh.
Người bệnh tiểu đường đang điều trị tại Bệnh viện Quân Y 175. Ảnh: BVCC.
Những người làm việc trong môi trường văn phòng, ít vận động, ngồi lâu và làm việc căng thẳng có nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn. Các ngành nghề khác như công nhân, nông dân cũng có thể mắc bệnh, nếu có các yếu tố nguy cơ như chế độ ăn uống không lành mạnh, ít tập thể dục và stress công việc.
Bác sĩ Phương cho biết số lượng bệnh nhân đến tái khám lấy thuốc định kỳ, cũng như phát hiện mới tăng từng ngày. Tại phòng khám ngoại trú của khoa, lượng bệnh này chiếm khoảng 50-60% số bệnh nhân đến tái khám.
Những yếu tố làm căn bệnh này càng trẻ hóa, theo bác sĩ Phương là lối sống ít vận động của công việc văn phòng và thói quen ngồi lâu khiến ít người tập thể dục, làm giảm nhạy cảm insulin.
Thêm nữa, nhiều người có chế độ ăn uống không lành mạnh, tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến sẵn, đường tinh luyện, chất béo bão hòa làm tăng nguy cơ béo phì và giảm khả năng kháng insulin.
Ám ảnh "bàn chân" tiểu đường
Không tự nhiên mà tiểu đường được mệnh danh là "sát thủ thầm lặng". Bác sĩ Phương cho biết tiểu đường âm thầm tiến triển, không có triệu chứng rõ rệt trong giai đoạn đầu. Mức đường huyết cao kéo dài, có thể gây tổn thương cho các cơ quan trong cơ thể mà không gây đau đớn hay khó chịu.
Chính vì vậy, người bệnh không nhận thức được sự nghiêm trọng, cho đến khi xuất hiện các biến chứng nặng như tim mạch, suy thận, mù lòa hoặc bệnh thần kinh. Do đó, bệnh có thể âm thầm tàn phá cơ thể trong nhiều năm mà không được phát hiện, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
Với những bệnh nhân tiểu đường gặp những biến chứng như hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu, nhiễm toan (nhiễm độc axit), hạ đường huyết... có thể đe dọa tính mạng.
"Bàn chân tiểu đường là biến chứng điển hình của người mắc này, khiến họ phải cắt cụt chi mà không phải vì chấn thương", bác sĩ Phương chia sẻ.
Bàn chân của người bị biến chứng tiểu đường. Ảnh: Shutterstock.
Người mắc bệnh tiểu đường thường có những biểu hiện như đi tiểu nhiều, khát nước, mệt mỏi, giảm cân không rõ lý do và mờ mắt. Đồng thời, nhiều người còn gặp vấn đề vết thương chậm lành, nhiễm trùng thường xuyên và có cảm giác ngứa ran hoặc tê bì ở tay chân.
Khi có những triệu chứng trên, bác sĩ Phương khuyến cáo người dân cần thực hiện các kiểm tra như xét nghiệm đường huyết lúc đói, HbA1c và xét nghiệm đường huyết sau ăn 2 giờ.
"Việc phát hiện bệnh tiểu đường sớm, giúp người bệnh có thể kiểm soát bệnh tốt hơn và phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng", bác sĩ Phương nhấn mạnh.
Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường type 2, bác sĩ Phương cho rằng việc thay đổi lối sống và chế độ ăn uống là quan trọng. Bên cạnh đó, người dân cần duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục đều đặn, hạn chế căng thẳng, ngủ đủ giấc và chất lượng.
Người dân không nên hút thuốc, hạn chế uống rượu, kiểm tra sức khỏe định kỳ và giữ tinh thần lạc quan tích cực. Những người đã mắc bệnh tiểu đường cần kiểm soát đường huyết định kỳ và có chế độ ăn, lối sống lành mạnh.
Nguyễn Thuận