Vụ việc đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, vào chiều tối ngày 17/4 vừa qua đã gây rúng động xã hội.
Bùi Đình Khánh trước khi gây án là “hình tượng”, niềm mơ ước của nhiều cô gái trẻ với vẻ bề ngoài sang chảnh, xe sang, điện thoại vertu, đồ hiệu đắt tiền, nghỉ dưỡng xa hoa.
Đối tượng Bùi Đình Khánh (SN 1994, trú tại phường Giếng Đáy, TP Hạ Long) dùng súng AK bắn nhiều phát đạn vào lực lượng công an khi bị vây bắt, khiến Thiếu tá Nguyễn Đăng Khải - cán bộ Phòng CSĐT về Ma túy, Công an Quảng Ninh hy sinh.
Vụ việc nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt trên mạng xã hội, nơi những luồng quan điểm đa chiều xuất hiện liên tục.
Tuy nhiên, bên cạnh sự tiếc thương, xúc động và cảm phục đối với sự hy sinh anh dũng của Thiếu tá Nguyễn Đăng Khải (lúc hy sinh anh là Thượng úy), một hiện tượng đáng báo động đã xuất hiện: Một số bạn trẻ, lại lên tiếng “ca tụng” nghi phạm Bùi Đình Khánh như một “người hùng” với “bản lĩnh”, “ngầu”, “dám chơi, dám làm” và những lời tung hô đầy lệch lạc.
Và tên tội phạm nguy hiểm này cũng không quên tỏ ra “yếu đuối” trước tình cảm và thường nói đạo lý trên mạng xã hội. Tư duy lệch chuẩn của giới trẻ dễ xuất phát từ đây.
Hiện tượng lệch chuẩn tư duy này không chỉ xúc phạm nỗi đau của người thân chiến sĩ hy sinh, xúc phạm lực lượng công an và các cơ quan bảo vệ pháp luật, mà còn cho thấy một mối nguy đang âm ỉ trong nhận thức của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Đối tượng cứ 10 năm gây ra một vụ án được tung hô là “bản lĩnh”?
Không ít bình luận trên các nền tảng mạng xã hội bày tỏ sự “khâm phục” hành vi liều lĩnh của Khánh: “Nổ súng vào công an, dám làm dám chịu, bản lĩnh đấy chứ”, “Chạy được tới phút cuối mới bị bắt, phải nói là quá cao tay”, hay thậm chí: “Nếu không bắn công an thì đã thoát rồi, tiếc cho một tài năng”…
Những suy nghĩ ấy không chỉ phi pháp mà còn phi đạo đức. Nó đặt ra một câu hỏi nhức nhối: Tại sao những hành vi côn đồ, tội ác lại có thể trở thành hình mẫu “cool ngầu” trong mắt một số người trẻ? Phải chăng có một lỗ hổng quá lớn trong nhận thức xã hội, giáo dục đạo đức, và khả năng phân biệt đúng - sai?
Nghi phạm Bùi Đình Khánh không phải một “người hùng” bất khuất, mà là tên tội phạm nguy hiểm, mang theo vũ khí nóng, sẵn sàng nổ súng sát thương lực lượng thi hành công vụ.
Cho đến khi gây ra vụ án rúng động, bị bắt giữ và có thể phải đối diện với khung hình phạt cao nhất của pháp luật hình sự.
Hành vi của Bùi Đình Khánh không những vi phạm pháp luật hình sự nghiêm trọng, mà còn đe dọa trực tiếp tới an toàn xã hội và trật tự công cộng. Và cán bộ Công an Nguyễn Đăng Khải đã phải hi sinh mạng sống trong khi làm nhiệm vụ để bảo vệ sự bình yên của nhân dân.
Không có một xã hội văn minh nào tôn vinh kẻ bắn vào lực lượng bảo vệ pháp luật. Và càng không có một định nghĩa “bản lĩnh” nào có thể áp dụng cho kẻ sẵn sàng giết người để chạy trốn pháp luật.
Đối tượng Bùi Đình Khánh có một quá khứ bất hảo trước khi trở thành tay buôn ma túy cộm cán với lượng giao dịch lên tới hàng chục bánh ma túy như vừa qua.
Theo thông tin PV Báo Công lý có được, năm 2005, Bùi Đình Khánh bị xử lý về tội Cố ý gây thương tích. Năm 2015, tên này gây ra vụ án khác với tội Cướp tài sản. Bị Công an thị xã Đông Triều khi đó truy nã.
Ngày 17/4/2025, hắn gây ra vụ án rúng động dư luận những ngày qua. Tức là với quy trình phạm tội có hệ thống từ 2005 đến 2025, trung bình cứ 10 năm, hắn lại gây ra một vụ án với tính chất ngày càng nguy hiểm và tàn ác hơn.
Tên tội phạm này có quá khứ bất hảo, với trung bình cứ 10 năm gây ra một vụ án với tính chất ngày càng nguy hiểm.
Lệch chuẩn do đâu?
Việc một số bạn trẻ tung hô tội phạm không phải ngẫu nhiên. Nó là sản phẩm của quá trình tiếp nhận thông tin sai lệch, thần tượng hóa bạo lực, và sự thiếu hụt định hướng giá trị trong đời sống hiện đại.
Một bộ phận giới trẻ ngày nay lớn lên cùng mạng xã hội, nhưng thiếu khả năng tư duy phản biện và phân tích.
Trên TikTok, YouTube hay Facebook, không khó để tìm thấy các clip giang hồ mạng khoe vũ khí, tiền bạc, xăm trổ, hay những kẻ có tiền án tiền sự lại được tung hô như “anh lớn”, “thầy”, “idol”.
Những nhân vật như Khá Bảnh, H.H. H., Dương M. T., D. Tr. Hà Đông… từng bị xử lý vẫn có hàng triệu lượt theo dõi. Hệ quả là: hành vi phạm pháp bị biến thành “thành tích”; vi phạm đạo đức được coi là “cá tính”; và hình ảnh người vi phạm pháp luật được gán mác “bản lĩnh”.
Chưa kể, văn hóa tiêu dùng nhanh, chạy theo xu hướng và sự thiếu đầu tư cho giáo dục đạo đức, kỹ năng sống trong gia đình và nhà trường càng làm giới trẻ dễ dao động trước những hình mẫu lệch lạc.
Khi thiếu lý tưởng sống, thiếu nền tảng giá trị đúng đắn, giới trẻ dễ bị cuốn theo những điều hào nhoáng giả tạo - dù nó đối lập hoàn toàn với đạo lý và luật pháp.
“Bản lĩnh” thật sự là gì?
Cần làm rõ: Bản lĩnh không phải là việc nổ súng vào người khác để thể hiện sự liều lĩnh. Bản lĩnh không phải là dám phạm tội rồi chết để “nổi tiếng”. Bản lĩnh - đúng nghĩa là dám sống tử tế giữa thời buổi hỗn loạn giá trị; là dám từ chối cái xấu, cái ác dù bị cám dỗ; là dám hy sinh lợi ích cá nhân để bảo vệ cộng đồng.
Thiếu tá Nguyễn Đăng Khải - cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an Quảng Ninh mới đây đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ nhân dân.
Chiến sĩ Nguyễn Đăng Khải mới là hiện thân của sự bản lĩnh đích thực - người đối mặt hiểm nguy, bất chấp hiểm họa, hy sinh tính mạng để làm nhiệm vụ bảo vệ nhân dân.
Và cũng cần nói thẳng: Những kẻ tung hô hành vi giết người, dù là dưới vỏ bọc “tự do ngôn luận”, cũng cần được cảnh tỉnh và xử lý nghiêm khắc nếu vượt qua ranh giới pháp luật. Không thể nhân danh cảm xúc cá nhân để xuyên tạc, bóp méo giá trị đạo đức xã hội.
Trách nhiệm của toàn xã hội
Để ngăn chặn tình trạng lệch chuẩn tư duy trong giới trẻ, chúng ta cần một giải pháp tổng thể và không thể chần chừ:
Gia đình phải là nơi gieo hạt giống đạo đức đầu tiên, dạy con cái biết phân biệt đúng - sai, hướng thiện - tránh ác. Nhà trường cần chú trọng hơn vào giáo dục công dân, kỹ năng sống, tăng thời lượng các môn đạo đức, lịch sử, pháp luật.
Truyền thông cần mạnh tay hơn với việc loại bỏ những nội dung độc hại, không tiếp tay cho hiện tượng “giang hồ mạng hóa”.
Các cơ quan chức năng nên xử lý nghiêm minh những đối tượng xuyên tạc, cổ xúy cho tội phạm trên mạng xã hội. Có biện pháp dẹp các idol trên mạng xã hội - nơi trú ẩn cho những kẻ từng vi phạm pháp luật nghiêm trọng làm “hiện tượng”, làm “thầy” - định hướng lối sống cho giới trẻ.
Quan trọng hơn, mỗi người trẻ cũng phải học cách làm chủ nhận thức của chính mình. Hãy tự hỏi: điều gì làm nên một con người tử tế, một xã hội tốt đẹp?
Hãy biết ngưỡng mộ những người sống có trách nhiệm, có cống hiến, chứ không phải kẻ coi thường mạng sống của người khác, vi phạm pháp luật nghiêm trọng để thể hiện sự “ngầu” giả tạo.
Quang Minh