Một bộ phận nhà quản lý, nhà giáo chưa nêu gương 'nói không với thuốc lá'

Một bộ phận nhà quản lý, nhà giáo chưa nêu gương 'nói không với thuốc lá'
5 giờ trướcBài gốc
Những con số “biết nói”
Tại diễn đàn “Điều em muốn nói” với chủ đề “Nói không với thuốc lá, thuốc lá điện tử, chất gây nghiện mới”, TS. Trần Văn Lam - Phó Vụ trưởng Vụ Học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT - cho biết, theo báo cáo kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13-15 tuổi của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT năm 2022, tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá hiện nay khoảng 2,9% (giảm so với kết quả nghiên cứu năm 2014 là 4,0%).
Tỷ lệ học sinh nữ sử dụng thuốc lá có dấu hiệu gia tăng (hiện nay khoảng 0,8%, tăng so với năm 2014 là 0,2%, chủ yếu là sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới). Tỷ lệ học sinh từ 13 đến 15 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử là 3,5% (nam: 4,3% và nữ 2,8%; tăng so với số liệu khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới vào năm 2019 là 2,6%).
Tỷ lệ học sinh hút phải thuốc lá thụ động trong trường học là 35,7% (giảm so với kết quả nghiên cứu năm 2014 là 48,6%). Khoảng 60% trường học hiện nay đã đạt các tiêu chí “Trường học không thuốc lá”.
TS. Trần Văn Lam - Phó Vụ trưởng Vụ Học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT - phát biểu tại diễn đàn.
“Từ các số liệu nêu trên cho thấy, tình trạng sử dụng thuốc lá trong trường học và tình trạng học sinh, sinh viên hút thuốc lá truyền thống có giảm. Tuy nhiên những năm gần đây, việc sử dụng thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha…) ngày càng phổ biến trong giới trẻ", TS. Trần Văn Lam chia sẻ.
Mặc dù ý thức cán bộ, giáo viên, học sinh về tác hại của thuốc lá có nhiều chuyển biến tích cực nhưng còn một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh vẫn chưa bỏ được hút thuốc lá", TS. Trần Văn Lam, Phó Vụ trưởng Vụ Học sinh sinh viên.
Ông nhấn mạnh, tỷ lệ học sinh hút phải thuốc lá thụ động trong trường học còn cao do một số giáo viên, nhân viên trường học, phụ huynh, khách đến làm việc với nhà trường chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về cấm hút thuốc lá trong trường học, trách nhiệm nêu gương của một số giáo viên, nhân viên trường học chưa cao.
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, những năm qua, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá trong học sinh, sinh viên và xây dựng “Trường học không thuốc lá”.
Phần giao lưu với học sinh tại diễn đàn “Điều em muốn nói”.
Bộ GD&ĐT đã đề xuất đưa quy định về cấm hút thuốc lá đối với học sinh và trong các hoạt động giáo dục đối với giáo viên vào Luật Giáo dục 2019 và quy định, hướng dẫn cụ thể tại các văn bản dưới Luật, Điều lệ trường học; ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông, trong đó nội dung giáo dục về phòng chống tác hại thuốc lá được tích hợp, lồng ghép trong một số môn học ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Xây dựng môi trường học đường không khói thuốc
Trước thực trạng tỷ lệ học sinh, sinh viên sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gia tăng, theo TS. Trần Văn Lam, Bộ GDĐT đã tăng cường chỉ đạo phòng, chống tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới trong học sinh sinh viên.
Bộ cũng ban hành Tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp THCS (Quyết định số 3974/QĐ-BGDĐT ngày 01/12/2022) và tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho đội ngũ giáo viên và buổi truyền thông mẫu cho học sinh; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và xây dựng “Trường học không thuốc lá”,... là những giải pháp thiết thực và hiệu quả.
“Mặc dù ý thức cán bộ, giáo viên, học sinh về tác hại của thuốc lá có nhiều chuyển biến tích cực nhưng còn một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh vẫn chưa bỏ được hút thuốc lá; trong đó có nhiều cán bộ, giáo viên hút thuốc lá tạo hình ảnh xấu trước mặt học sinh. Các hình thức tuyên truyền, phố biến về phòng chống tác hại thuốc lá trong trường học chưa phong phú", TS. Trần Văn Lam nêu.
Học sinh tham dự chương trình "Điều em muốn nói"
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm các quy định của Luật phòng chống tác hại của thuốc lá trong các cơ sở giáo dục và việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cấm mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử; đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử và xây dựng “Trường học không thuốc lá”; tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội; đặc biệt là gắn trách nhiệm, vai trò của gia đình, cha mẹ học sinh, người giám hộ trong việc kiểm soát hành vi hút thuốc lá của học sinh.
Ngành giáo dục Nghệ An sát sao phòng chống tác hại của thuốc lá
Lãnh đạo Vụ Học sinh, sinh viên nhận định, trong các năm qua, Sở GD&ĐT Nghệ An đã có sự chỉ đạo sát sao, liên tục, rõ trách nhiệm trong việc triển khai Luật phòng chống tác hại thuốc lá đến tất cả các cơ sở giáo dục.
Các trường học trên địa bàn tỉnh đã tích cực lồng ghép nội dung phòng chống thuốc lá vào hoạt động giảng dạy, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Đoàn - Đội. Việc xây dựng “Trường học không thuốc lá” được triển khai bài bản, có theo dõi, giám sát. Đặc biệt, sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong việc cam kết không bán thuốc lá cho học sinh là một điểm nhấn đáng ghi nhận của tỉnh Nghệ An.
Phó Vụ trưởng Vụ Học sinh, sinh viên đánh giá cao sáng kiến của Báo Tiền phong và Sở GD&ĐT Nghệ An, Tỉnh Đoàn Nghệ An trong việc tổ chức diễn đàn “Điều em muốn nói”. Đây là cách làm có chiều sâu, có sức lan tỏa, bởi thay vì tuyên truyền một chiều, chương trình đã khơi dậy tiếng nói của chính các em học sinh, giúp các em mạnh dạn bày tỏ quan điểm, thể hiện sự chủ động và trách nhiệm trong việc bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi tác hại của thuốc lá.
“Cuộc chiến với thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử trong môi trường học đường còn rất dài và phức tạp. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, báo chí, nhà trường, tổ chức đoàn thể và chính học sinh sẽ từng bước xây dựng môi trường học đường thật sự an toàn, lành mạnh, không khói thuốc”, TS. Trần Văn Lam nhấn mạnh.
Thu Hiền - Trọng Tài - Phạm Trường
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/mot-bo-phan-nha-quan-ly-nha-giao-chua-neu-guong-noi-khong-voi-thuoc-la-post1742258.tpo