Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW là minh chứng rõ nét thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị của Đảng ta trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Bởi, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số vừa là điều kiện tiên quyết, vừa là thời cơ, đồng thời là đòi hỏi của thực tế không chỉ đối với Việt Nam, mà có tác động và ảnh hưởng trên phạm vi toàn thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nên bước ngoặt lịch sử trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tạo ra những điều kiện và cơ sở vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Lịch sử phát triển và lãnh đạo cách mạng của Đảng ta luôn gắn liền với việc xác định rõ vai trò then chốt của khoa học và công nghệ. Từ những bước đi chập chững ban đầu, Đảng ta đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc hiện đại hóa đất nước thông qua sự đổi mới, sáng tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Những nghị quyết, chỉ thị của Đảng ta qua các thời kỳ đã minh chứng rất rõ điều này, từ việc chú trọng xây dựng nền tảng công nghiệp nặng trong giai đoạn kế hoạch hóa tập trung, cho đến định hướng đổi mới toàn diện và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trong thời kỳ đổi mới. Sự ra đời của mỗi nghị quyết đều đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng ta trong việc đưa đất nước tiến lên, không ngừng vươn tới mục tiêu giàu mạnh và hùng cường.
Ảnh minh họa/chinhphu.vn
Nghị quyết số 57-NQ/TW xác định rõ mục tiêu, định hướng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia một cách bài bản, hệ thống và đột phá. Nghị quyết không chỉ đặt ra các chỉ tiêu cụ thể, mà còn chỉ rõ con đường, giải pháp để đạt được những mục tiêu đó. Nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, coi đây là động lực then chốt để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn ngừa nguy cơ tụt hậu… Thực chất chính là nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số được coi là một nhiệm vụ trọng tâm, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững và toàn diện.
Trong 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, nhóm nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên chính là nâng cao nhận thức, tạo sự đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là giải pháp tiên quyết và có ý nghĩa quyết định việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị trong thực tế. Bài học thực tiễn sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước cho chúng ta thấy rất rõ điều này: Đổi mới đất nước phải bắt đầu từ đổi mới tư duy. Cùng với đó cần tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút và phát triển nhân tài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu "đột phá".
7 nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong Nghị quyết số 57-NQ/TW có mối quan hệ biện chứng và thống nhất với nhau trong quá trình thực hiện. Mỗi nhiệm vụ, giải pháp có vị trí, vai trò và cách thức tổ chức tuy khác nhau, nhưng trong quá trình thực hiện cần phải được triển khai đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, biện pháp quyết liệt và triệt để. 7 nhiệm vụ, giải pháp cơ bản nêu trong nghị quyết chính là sự chắt lọc từ thực tiễn, tổng kết từ thực tiễn trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta trên lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Bởi, những giải pháp cơ bản đó đã được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhưng hiệu quả đạt được chưa như mong muốn; trong tổ chức thực hiện còn bộc lộ sự lúng túng và manh mún. Tư duy cát cứ, làm theo kinh nghiệm, thiếu sự chia sẻ, kết nối, “mạnh ai nấy làm” trở thành rào cản lớn để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là một chiến lược mang tính đột phá, đặt nền móng cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Vì vậy, việc thực hiện hiệu quả nghị quyết này đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Chỉ với sự đồng lòng và hành động quyết liệt, chúng ta mới có thể biến những mục tiêu đầy tham vọng thành hiện thực, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia giàu mạnh và phát triển bền vững trong tương lai.
LÊ LONG KHÁNH