Một chút dấu yêu cùng thu Hà Nội

Một chút dấu yêu cùng thu Hà Nội
2 giờ trướcBài gốc
Một góc nhìn về Hồ Gươm, Hà Nội.
Trời thu Hồ Gươm gió lộng, Tháp Bút sừng sững viết lên trời cao khát vọng non sông bao đời trao truyền tự ngàn xưa đến tận ngàn sau. Ngồi ở một quán cà-phê vỉa hè từ Nhà khách Chính phủ đi ra khoảng hơn 100 mét, tôi bất giác nhìn thấy tháp Rùa một góc nhìn khá lạ về Hồ Gươm qua con đường và những hàng cây xanh. Trước mắt tôi là những bước chân thả bộ của du khách, những người dân Hà Nội trong một sớm tinh mơ sao mà bình yên đến vậy. Từng làn khói sóng mặt hồ bay lên, phả nhẹ không gian… và những ca khúc Phú Quang cất lên trong quán cà-phê lừng thơm nào những “Em ơi, Hà Nội phố”,“Im lặng đêm Hà Nội”, “Chiều phủ Tây Hồ”, “Lãng đãng chiều đông Hà Nội”, “Nỗi nhớ mùa đông”, “Mơ về nơi xa lắm”, “Về lại phố xưa”.
Đúng là phải ngồi ở Hà Nội, nghe những bài hát về Hà Nội, tôi mới nhận ra một điều, vì sao những tình cảm mà khán giả dành cho người nhạc sĩ này lớn lao đến vậy. Phải là con người có tình yêu vô bờ với Hà Nội mới có thể viết ra được những lời ca như vậy. Ai bảo nhạc sĩ Phú Quang với Hà Nội không chỉ là một thành phố, mà còn là một người bạn, một người tình, một cố nhân… Và rồi trong lặng im khi băng nhạc kết thúc tôi lại nghĩ về những hình ảnh khó có thể bắt gặp ở đâu, ngoại trừ Hà Nội trong “Nhớ mùa thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn để khi đi giữa mọi người mà lòng như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai…, hay một “Nỗi lòng người đi” của Anh Bằng, khi “vừa mới biết yêu/ bao nhiêu mộng đẹp, yêu thương thành khói tan theo mây chiều”…
Quan sát góc nhỏ tôi ngồi, ngay bức vách tường vôi còn lưu dòng chữ “ngày 20 tháng 12 năm 1946 tại đây các chiến sĩ thủ đô và công nhân Bưu điện đã chiến đấu anh dũng đẩy lùi nhiều đợt tấn công của giặc Pháp”. Đúng rồi, Hà Nội đâu chỉ của thơ và nhạc, Hà Nội từng là chiến lũy cơ mà. Hà Nội của những con người cảm tử quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh trên từng góc phố, con đường. Làm sao quên đã có một Điện Biên Phủ trên không, chiến trận 12 ngày đêm chiến thắng B52. Làm sao quên có một “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” - tên tập bút ký của nhà văn Nguyễn Tuân, ra đời đúng vào những ngày tháng Hà Nội đỏ lửa, anh dũng chống trả những trận bom rải thảm từ pháo đài bay quân xâm lược.
Tôi chợt nhớ, khi thực hiện những tập phim Tài liệu về người Quảng ở thủ đô cách đây đúng 10 năm, tôi đã đến viếng hương vị đô đốc thành Hà Nội xưa - tức Hoàng Diệu, một người con ưu tú của quê hương Điện Quang, Gò Nổi, Điện Bàn, Quảng Nam trong niềm xúc cảm khó tả. Và bài thơ đầu tiên tôi đã viết về Hà Nội trong cảm xúc đó: “Hà Nội mùa thu trong nỗi niềm quá khứ/ Chút heo may ven hồ như trú ngụ ngàn năm/ Đâu tiếng lá, tiếng sông Hồng chảy/ Và những giấc mơ, ký ức sâm cầm/ Tôi về đây cổng Bắc thành Hoàng Diệu/ Nghe giọt chuông buông lời nhắc nhở mẹ hiền/ Thành trung liệt, thành gương chính khí/ Cho Tháp Bút oai linh ghi trang sử đất này…”.
Tổng Giám đốc FPT Trương Gia Bình đã kể với chúng tôi trong niềm tự hào gốc gác xứ Quảng của mình: Sau ngày giải phóng Thủ đô 10-10-1954, bác sĩ Trần Duy Hưng mới 33 tuổi được tín nhiệm làm Chủ tịch đầu tiên của Hà Nội. Riêng ba ông, tức bác sĩ Trương Gia Thọ (quê Điện Bàn, Quảng Nam) được Bác Hồ và Trung ương tin tưởng giao đảm trách Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Lúc đó ông phải đương đầu với bao khó khăn buổi đầu xây dựng ngành y tế cho thủ đô, bức bách nhất là công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiều người lớn tuổi ở Hà Nội còn nhớ và rất quý trọng ông giám đốc sở y tế quần xắn gối, vai mang túi thuốc kè kè đến từng hộ dân, từng hẻm phố để kiểm tra tình hình dịch bệnh, hướng dẫn người dân làm hố xí hai ngăn (Lúc đó Hà Nội đang phát động phong trào này). Nhà số 86, phố Thợ Nhuộm của gia đình bác sĩ Trương Gia Thọ cũng chính là trụ sở Y tế Hà Nội.
Hà Nội dấu yêu với tôi đó còn là một quán cà-phê nhỏ có tên Lâm, ở địa chỉ 60 Nguyễn Hữu Huân. Tôi từng đọc và nghe nhiều bậc đàn anh làm văn chương nghệ thuật kể về một góc ký ức rất đặc biệt này của Hà Nội. Song vì lý do công việc tôi đã không đến được để thưởng thức tí chút cảm hoài cùng người xưa vốn là những tài hoa của đất nước. Nghe đâu nơi này nhà văn Nguyễn Tuân đã nói vui rằng: "Hữu ngạn sông Saine có bảo tàng Louvre, tả ngạn sông Hồng có cà-phê Lâm", còn nhạc sĩ, họa sĩ tài hoa Văn Cao ngày 25-6-1974 đã viết về ông chủ quán ấy: “Nếu như người ta yêu nhau thì nhìn đôi mắt, anh Lâm lại là người kém mắt. Người kém mắt lại yêu hội họa. Tôi yêu người kém mắt mà vẽ tặng”…
Bao nhiêu câu chuyện ở một quán cà-phê, bao nhiêu câu chuyện về văn hóa, lịch sử ở đất kinh kỳ…, sao mà không mến yêu, trân quý. Có mảnh đất nào như Hà Nội không nhỉ. Và đêm ấy tôi đã viết tiếp những dòng thơ về Hà Nội: “Chiều Hà Nội tôi đi dưới hàng me, hàng sấu/ Và hàng cây cơm nguội hoa vàng/ Từng ngõ nhỏ, từng con đường nhỏ/ Nghe mùa xa xưa man mác rủ tôi về/ Hà Nội mùa này tóc liễu buông cùng gió/ Thơm cốm làng Vòng, chiều phủ Hồ Tây/ Nơi văn hiến nghìn năm tràn châu thổ/ Thấm trong mạch nguồn, sáng mãi nét Tràng An”.
Hà Nội – Tam Kỳ 2024
Tạp bút: Võ Văn Trường
Nguồn CAĐN : https://cadn.com.vn/mot-chut-dau-yeu-cung-thu-ha-noi-post302597.html