Hình minh họa
CTCP Chứng khoán MB (Mã MBS) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2025 với kết quả kinh doanh trái chiều. Doanh thu hoạt động đạt 792 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ 2024, chủ yếu do mảng tự doanh kém sắc. Lợi nhuận sau thuế đạt 221 tỷ đồng, gần như đi ngang so với quý II/2024 nhưng đã giảm khoảng 50 tỷ so với quý trước.
Mảng tự doanh vốn được kỳ vọng tăng trưởng nhờ thị trường phục hồi, nhưng chỉ mang về 173 tỷ đồng lãi từ tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL), bằng một nửa cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp của mảng này đạt 38,2%. Lũy kế nửa đầu năm, mảng tự doanh lãi gần 140 tỷ đồng, biên lãi gộp đạt 46,7%.
Đáng chú ý, dù tăng cường quy mô danh mục tự doanh từ gần 2.000 tỷ đồng lên mức 3.100 tỷ, phần lớn danh mục vẫn tập trung vào tài sản an toàn như chứng chỉ tiền gửi (1.560 tỷ đồng), trái phiếu doanh nghiệp (1.012 tỷ đồng) và chứng chỉ quỹ (46 tỷ đồng). Danh mục cổ phiếu tự doanh tuy tăng gấp ba lần lên 509 tỷ đồng nhưng đang tạm lỗ 28 tỷ so với giá gốc. Thực tế này cho thấy MBS cũng như nhiều công ty chứng khoán khác không đặt cược lớn vào cổ phiếu tự doanh – mảng vốn tiềm ẩn rủi ro dù VN-Index đã tăng hơn 300 điểm kể từ tháng 4.
Thay vào đó, chiến lược tăng trưởng của MBS đang chuyển hướng rõ nét sang mảng cho vay ký quỹ – “mặt trận” cạnh tranh nóng của khối công ty chứng khoán.
Tính đến cuối tháng 6/2025, dư nợ cho vay margin và ứng trước tiền bán tại MBS lên tới gần 12.800 tỷ đồng, tăng hơn 2.500 tỷ đồng so với đầu năm, gấp 1,74 lần vốn chủ sở hữu.
Chỉ riêng mảng này đã mang về gần 590 tỷ đồng lãi gộp trong 6 tháng đầu năm – vượt xa con số lợi nhuận sau thuế chưa đến 490 tỷ đồng mà công ty ghi nhận. Điều này cho thấy vai trò ngày càng lớn của cho vay ký quỹ trong cơ cấu lợi nhuận của MBS, trong khi tự doanh – dù được mở rộng quy mô – vẫn mang tính thử nghiệm và thận trọng hơn.
Trần Trung