Hoa không còn chỉ là sinh kế của những người chở hoa ra chợ bán, mà còn là sản phẩm cho người làng hoa làm du lịch, là điểm tựa cho ý tưởng phát triển công nghiệp văn hóa từ các loài hoa.
1. Những ngày đầu tháng 11 vừa rồi, vạt hoa dã quỳ trên sườn núi tại Vườn quốc gia Ba Vì lại y hẹn mà nở vàng rực rỡ. Lối đi giữa những tán cây dã quỳ vàng sáng bừng núi rừng hoang sơ như dẫn lối du khách vào không gian thần tiên, bỏ lại sau lưng những tất bật của cuộc sống đô thị hối hả. Ai đó nói thật đúng, tiếng lá xào xạc, tiếng chim ríu ran… hòa quện tạo nên một bản hòa ca của thiên nhiên. Chả thế mà người Hà thành cứ dập dìu đến với dã quỳ dù phải chắt chiu quỹ thời gian cuối năm vàng ngọc.
Cánh đồng hoa cúc vàng nằm ở bãi bồi dưới chân cầu Long Biên cũng vậy, hàng nghìn bông cúc đua nhau khoe sắc, tạo thành tấm thảm hoa vàng óng ả dưới nắng thu dịu dàng. Ngay giữa lòng TP, người Hà thành như được lạc vào một vùng quê yên bình, khác xa với những ồn ã phía bên trong triền đê sông Hồng. Nơi ấy quả là nên thơ vì thấp thoáng trong màu hoa vàng ấy là bóng dáng cầu Long Biên cổ kính - chứng nhân lịch sử mà người yêu Hà Nội nào cũng cất giữ trong trái tim.
Ai ngờ được góc Hà Nội nên thơ này và lãng mạn này lại từng là khu đất hoang, ngập trong rác và bị “dập vùi” nhiều bởi lũ lụt từ sông Hồng?
Thung lũng hoa Hồ Tây thì lâu nay đã mệnh danh là “thiên đường của các loài hoa”, được ví von như một “Đà Lạt thu nhỏ” giữa lòng Hà Nội. Không gian thiên nhiên thơ mộng được tạo dựng nên bằng cả nghìn mét vuông đủ các loài hoa rực rỡ, nơi này đang là một trong những địa điểm check in hot nhất ở Hà thành hiện nay. Ai đến đây rồi cũng bảo vừa lòng vì sự hài hòa và bình yên cảm nhận được giữa mùi hương ngọt ngào của các loài hoa; các vườn họa mi xen kẽ trong hướng dương, hoa hồng… cứ làm lòng người xao xuyến mà phấn khích lạ kỳ. Cảm giác đó quý lắm giữa guồng quay hối hả của nhịp sống đô thị hiện đại.
Du khách trải nghiệm tại Festival hoa Mê Linh lần thứ nhất năm 2022. Ảnh: Chiến Công
Hà Nội hôm nay còn nhiều lắm và ngày càng thêm nhiều nữa những điểm hẹn của hoa như thế này. Nào bãi đá hoang sơ bên mép sông Hồng, nào vạt cải già bên bờ sông Đuống, rồi làng đào Nhật Tân, làng hoa Quảng Bá… Cả những festival hoa “đến hẹn lại lên” rực rỡ cả một góc huyện Mê Linh, một góc huyện Gia Lâm… một thời chỉ mướt mát ruộng đồng. Cũng phải thôi, vì hoa là một nét văn hóa, một thứ tài sản của Hà Nội nghìn năm.
2. Người đương thời nói, thung lũng hoa Hồ Tây là điển hình mẫu mực về “làm kinh tế” từ các loài hoa, quả là đúng. Thung lũng này vốn là một đầm sen rộng lớn thuở xưa, được quận Tây Hồ cải tạo thành không gian hoa rực rỡ để phục vụ nhu cầu tham quan, thư giãn và check-in của mọi người. Hiện giờ, người lớn “qua cổng” sẽ trả 120.000 đồng/người, học sinh, sinh viên là 80.000 đồng, còn trẻ em dưới 5 tuổi và người già trên 80 tuổi thì được miễn phí. Đến đây vào khoảng 10 giờ sáng các ngày cuối tuần sẽ thấy, khu vực nhà hàng, cà phê gần như không còn bàn trống.
Người TP đưa cả gia đình đến đây ăn sáng, uống cà phê, sau đó mới đi tham quan vườn hoa… cho trọn một ngày thư giãn bình yên cuối tuần. Chẳng phải đi xa, mà vẫn đủ cho người ta cảm giác thảnh thơi cần có.
Công trình “Bến hoa Phúc Xá - Ba Đình” (cánh đồng hoa cúc ở bãi bồi dưới chân cầu Long Biên) cũng vậy, được xây dựng không chỉ là nơi ngắm hoa, mà còn là điểm kết nối du lịch trong quận.
Nơi đây liên kết với các điểm tham quan nổi bật khác như đền Quán Thánh, đền Voi Phục, phố đi bộ và ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Trúc Bạch, hay các khi phố kinh doanh sầm uất. Nó chính là “điểm hẹn hoa” thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, lại quảng bá hình ảnh quận Ba Đình như một điểm đến mới mẻ trong hành trình khám phá Hà Nội nghìn năm.
Festival hoa Mê Linh lần thứ 2 này (dự kiến diễn ra từ 26 - 29/12/2024) đã cho thấy tiềm năng của “thủ phủ hoa hồng” Mê Linh - vùng đất có tới 600ha trồng hoa các loại. Trồng hoa là nghề của người Mê Linh, hoa và nghề là tài sản của họ. Thứ tài sản truyền đời quý giá ấy giờ còn là sản phẩm quảng bá và thu hút du lịch, là thế mạnh kinh tế giúp người đất ấy “nở mày nở mặt”, vang danh bốn phương. Thứ tài sản giàu sắc hương ấy còn góp phần tôn vinh văn hóa Hà thành, nơi không chỉ thanh nhã trong lối sống, trong cách ứng xử, mà còn tao nhã và tinh tế trong cả thú chơi hoa sành điệu.
Còn nhiều điểm hẹn kết nối từ hoa đến làm kinh tế và làm du lịch ở đất Hà thành này, mà khi nhắc đến ai nấy đều có thể gọi tên 1 loài hoa. Lễ hội “Sắc hoa trên miền di sản” của huyện Gia Lâm thuộc về cây cảnh và hoa giấy; Lễ hội hoa Mê Linh gọi tên hoa hồng; vườn hoa bên bờ sông Đuống gọi tên hoa cải; ngọn đồi sát Vườn Quốc gia Ba Vì gọi tên hoa dã quỳ; vùng Nhật Tân, Quảng Bá làm người ta nhớ hoa đào; vùng Tứ Liên làm người ta nhớ quất; Tây Hồ thì không thể phôi phai tiếng thơm của Sen… Những vẻ vang từ hoa đã mắt thấy tai nghe trong đời thực. Cũng phải thôi, vì hoa là một nét văn hóa, một thứ tài sản của Hà Nội nghìn năm.
3. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, Hà Nội hiện có 8.000ha hoa, cây cảnh, 70% diện tích đó tập trung ở các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, các huyện Mê Linh, Đan Phượng. Nhiều mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao cho thu nhập hàng tỷ đồng/ha/năm.
Hà Nội còn có cả 61 cơ sở ứng dụng công nghệ cao hoặc sản phẩm công nghệ cao trong quy trình sản xuất hoa với tổng diện tích 122,5ha; khoảng 77,3ha trồng hoa trong nhà màng, nhà lưới.
Tính ra đã hơn 1 thập kỷ (từ năm 2012), Hà Nội dồn tâm trí cho hoa và các làng hoa. Nhiều vùng trồng hoa, cây cảnh đã hình thành, nhưng người tận tâm với hành trình phát triển thứ tài sản mang nhiều nét văn hóa Hà thành này vẫn chưa thỏa lòng khi số làng nghề hoa, cây cảnh được công nhận là điểm du lịch còn khiêm tốn và chưa thực sự phát huy được nguồn lực vốn có. Bởi với đặc thù của nông nghiệp Thủ đô, lựa chọn phát triển hoa, cây cảnh là hướng đi đúng. Nhưng chính cái sự “chưa thỏa lòng” đó lại là khát vọng và quyết tâm để người Hà thành hiện thực hóa mong muốn quảng bá hoa Hà thành đã ấp ủ bao năm.
Người đứng đầu ngành NN&PTNT Thủ đô từng chia sẻ, Hà Nội sẽ quy hoạch toàn bộ vùng đất bãi ven sông - nơi có khí hậu và đồng đất phù hợp để phát triển hoa, cây cảnh. Đồng thời, chuyển đổi dần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Gia Lâm, Thường Tín và thị xã Sơn Tây. Ngoài ra, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các làng nghề hoa, cây cảnh vốn có đưa vào các giống hoa, cây cảnh mới, đáp ứng nhu cầu thị trường. Với lợi thế về thị trường, công nghệ, Hà Nội hoàn toàn có thể kỳ vọng tới xuất khẩu mặt hàng này.
Festival hoa Mê Linh lại chuẩn bị khai màn lần thứ hai trước ngưỡng cửa năm mới 2025 với mục tiêu gìn giữ và phát huy những giá trị của làng nghề trồng hoa, khẳng định một điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn của Hà Nội.
Đó cũng là lời khẳng định: hoa Hà Nội là một điểm tựa để Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa, đúng như những điểm nhấn đã được đề ra trong Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Nhật Minh