Báo cáo kết quả kinh doanh vừa được Tập đoàn Mansan (MSN) công bố, trong khi phần lớn các mảng kinh doanh khác đều tăng trưởng, Masan Consumer (MCH) lại ghi nhận doanh thu quý II/2025 sụt giảm do ngành hàng tiêu dùng vẫn đối mặt nhiều thách thức do đà phục hồi yếu hơn kỳ vọng và các quy định thuế mới tác động đến kênh bán lẻ truyền thống (GT).
Ước tính doanh thu của Masan Consumer giảm khoảng 600-800 tỷ đồng trong quý II.
Theo tính toán của Masan, khoảng 30.000 hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng, dẫn đến tình trạng giảm hàng tồn kho diện rộng và doanh số ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) chậm lại. Kết quả là nhiều nhà bán lẻ truyền thống lớn và nhỏ đều giảm tồn kho mạnh, với số ngày tồn kho giảm khoảng 8 ngày với nhà bán lẻ lớn và 3 ngày với nhà bán lẻ nhỏ. Trong 5 tháng đầu năm, sản lượng FMCG tiêu thụ qua kênh GT giảm gần 3% so với cùng kỳ.
MCH đối mặt với thách thức ngắn hạn xuất phát từ thay đổi mang tính cấu trúc trong ngành bán lẻ Việt Nam. Việc áp dụng các quy định thuế mới với hộ kinh doanh cá thể đã gây gián đoạn tạm thời ở GT - kênh mà doanh nghiệp này có tỷ trọng hiện diện lớn. Điều này dẫn đến ước tính doanh thu giảm khoảng 600-800 tỷ đồng cho Masan Consumer trong quý II
MCH ghi nhận doanh thu giảm 15,1% so với cùng kỳ, đạt 6.276 tỷ đồng trong kỳ và EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay, khấu hao và phân bổ) đạt 1.605 tỷ đồng, giảm 12,9%. Tuy nhiên, nhờ kết quả tích cực từ quý I, doanh thu 6 tháng của công ty hàng tiêu dùng này chỉ giảm chưa tới 2%. Sự suy giảm doanh thu do mức tồn kho tại các kênh giảm và hoạt động bán hàng thận trọng.
Để ứng phó, công ty này đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang mô hình phân phối linh hoạt và bền vững hơn như chuyển dịch sang mô hình phủ trực tiếp, giảm phụ thuộc vào các nhà bán lẻ truyền thống lớn và tăng cường năng lực đưa hàng ra thị trường.
Trong 6 tháng đầu năm, MCH đã mở rộng độ phủ điểm bán tại các khu vực thí điểm, tăng 62% so với cùng kỳ, số lượng điểm bán trung bình mỗi tháng có ít nhất 1 đơn hàng do mỗi nhân viên bán hàng phục vụ, tăng 48% so với cùng kỳ. Những thay đổi này được kỳ vọng sẽ phục hồi đà tăng trưởng của MCH các quý tiếp theo.
Dù bị gián đoạn kênh phân phối, doanh thu quý II từ kênh bán lẻ hiện đại (MT) và kênh phân phối trong nhà hàng, khách sạn, quán cà phê (Horeca) ghi nhận đà tăng trưởng mạnh lần lượt đạt 5,7% và 34,2% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, một số ngành hàng vẫn giữ được sự tăng trưởng như cà phê (tăng 1,8%), chăm sóc cá nhân và gia đình (tăng 1,3%), mảng xuất khẩu (tăng 7,7%), bù đắp cho sự sụt giảm của các ngành hàng chủ lực như gia vị (giảm 20,9%), thực phẩm tiện lợi (giảm 11,6%), đồ uống đóng chai (giảm 25,9%).
Trong nửa cuối năm, MCH dự kiến tiếp tục chiến lược tập trung vào phân phối trực tiếp, tối ưu quản lý tồn kho tại điểm bán và thúc đẩy đổi mới sản phẩm nhằm tạo nền tảng tăng trưởng bền vững dài hạn.
Thanh Hoa