Bài 1: Đu dây tìm người giữa rừng đêm

Bài 1: Đu dây tìm người giữa rừng đêm
một giờ trướcBài gốc
Các chiến sĩ tổ chức đu dây xuống các vách đá để tìm kiếm.
20 giờ ngày 12-10, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH- Công an quận Sơn Trà nhận thông tin có 2 nữ du khách đi lạc trong quá trình tham quan tại Ghềnh Bàng, bán đảo Sơn Trà. Địa hình Ghềnh Bàng vốn đã hiểm trở với những vách đá, con đường mòn nhỏ hẹp và dốc đứng, đầy thách thức cho người dân địa phương, chưa nói đến du khách ngoại tỉnh. Đêm hôm đó, trời có mưa, đường trơn trượt càng làm cho việc tìm kiếm và cứu hộ trở nên khó khăn hơn.
Nhận thấy sự nguy hiểm ngày càng tăng khi màn đêm buông xuống, Chỉ huy ca trực là Thiếu tá Trần Văn Châu - Phó Đội trưởng, phân công anh em trong ca trực nhanh chóng triển khai công tác chuẩn bị, trang bị đèn pin, dây thừng, bao tay, cùng rựa để mở đường tìm kiếm và giải cứu các nạn nhân.
Hạ sĩ Phan Minh Nhật (1998), thành viên tổ cứu nạn kể lại: “Khi nhận được tin báo, chúng tôi biết rằng tình hình rất cấp bách, đặc biệt là trong điều kiện có mưa và trời tối như thế này. Các chiến sĩ phải di chuyển theo các vách đá trơn, men theo những con đường mòn, vừa đi vừa phải dùng đèn pin và rựa để phát quang những lối đi hẹp. Khi gần đến biển, cả đội phải đu dây qua một vách đá cao và thêm hai vách nhỏ khác”.
Cùng với lực lượng BĐBP và Công an phường Thọ Quang, suốt hành trình tìm kiếm, cả nhóm người phải dừng nghỉ giữa chừng để hồi lại sức, vì địa hình quá hiểm trở. Nhiều chiến sĩ suýt trượt ngã, va vào các bụi cây gai khi phải men theo các lối nhỏ giữa rừng. Những điểm có vách đá, chỉ có những chiến sĩ PCCC và CNCH với đủ trang bị mới có thể tiếp tục di chuyển. Tổ công tác phải sử dụng dây thừng để đu xuống những vách đá cheo leo, cẩn thận từng bước để tránh trượt ngã.
May mắn thay, nhờ vào tín hiệu điện thoại còn sót lại của hai nữ du khách, đội cứu nạn có thể xác định được vị trí của họ qua định vị. Hạ sĩ Nguyễn Thành Danh (2004) cho biết thêm, khi liên lạc được, chỉ huy tổ công tác yêu cầu hai du khách đứng yên tại chỗ, giữ an toàn và không di chuyển để có thể dễ dàng tìm đến. Điều quan trọng nhất lúc đó là giữ được liên lạc vì khu vực này có sóng điện thoại nhưng khá yếu.
“Chúng tôi biết rõ rằng thời gian là yếu tố quyết định. Mỗi phút trôi qua, nguy cơ về sức khỏe và an toàn của các du khách càng lớn dần. Dù mưa to, địa hình nguy hiểm, chúng tôi không thể chần chừ”, Hạ sĩ Danh nhớ lại không khí khẩn trương lúc đó.
Vừa đi vừa hô hoán, khi đến gần khu vực biển, các chiến sĩ bắt đầu nghe thấy tiếng đáp lại từ hai du khách. Sau hơn 1 giờ 30 phút, với sự chỉ dẫn từ các tín hiệu yếu ớt của điện thoại và những tiếng gọi từ hai du khách, đội cứu hộ đã tiếp cận được vị trí của họ trong tình trạng tinh thần hoảng loạn. Hai nữ du khách sau khi trải qua những giờ phút căng thẳng giữa rừng đêm, được tổ cứu nạn trấn an tinh thần. Qua thăm hỏi, các chiến sĩ biết được lý do khiến 2 nữ du khách đi lạc là do đến Ghềnh Bàng vào khoảng 16 giờ cùng ngày, tuy nhiên trời tối sậm rất nhanh chóng kèm mưa nên lạc lối và lo sợ nên cầu cứu lực lượng chức năng.
Tổ cứu nạn tìm thấy 2 nữ du khách ở Ghềnh Bàng trong đêm 12-10.
Thượng úy Trần Quang Tùng (1992), người tham gia tổ cứu hộ, kể lại, đội vừa đi vừa hô to để 2 nạn nhân có thể nghe thấy. Cách khoảng 100m thì chúng tôi nghe tiếng hồi đáp. Khi tiếp cận được, hai du khách tỏ ra khá hoảng loạn. Sau khi tìm được hai nạn nhân, tổ cứu nạn bắt đầu dẫn đường đưa họ quay lại theo lối cũ. Dù vậy, cuộc hành trình trở về cũng không kém phần gian nan. Các chiến sĩ phải liên tục kiểm tra địa hình, có lúc cả nhóm bị lạc đường. Chiếc găng tay dùng để bám đá leo lên cũng được nhường cho 2 nữ du khách.
Còn nhớ hồi năm 2019, một nhóm du khách đến từ TP Hồ Chí Minh cũng đã đi lạc tại Mũi Nghê, bán đảo Sơn Trà trong đêm tối. Trong lúc hỗ trợ nhóm du khách, anh Trần Long Khải (người đi câu cá, quê Quảng Trị) không may bị rơi xuống vách đá tử vong. Lực lượng tìm kiếm, cứu nạn cũng rất vất vả khi phải đội mưa, băng rừng tìm kiếm.
“Qua những trường hợp này, chúng tôi muốn khuyến cáo mọi người, đặc biệt là du khách từ các tỉnh khác, khi khám phá Ghềnh Bàng cần tìm hiểu kỹ các thông tin, có kế hoạch tham quan sớm, có người dẫn đường thông thạo và nên thông báo lịch trình cho người thân biết. Địa hình ở đây rất phức tạp, từng có nhiều vụ việc du khách bị lạc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng”, Thượng úy Trần Quang Tùng nói.
Cuộc hành trình băng rừng, đu dây và vượt qua thử thách để cứu 2 nữ du khách không chỉ là một câu chuyện về sự dũng cảm và kiên cường, mà còn là minh chứng cho tinh thần không ngại khó khăn, hết lòng vì nhân dân của những chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH.
MAI VINH
(còn nữa)
Nguồn CAĐN : https://cadn.com.vn/bai-1-du-day-tim-nguoi-giua-rung-dem-post302927.html