Theo Science Alert, các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện ra hành tinh BD+05 4868 Ab sở hữu một chiếc đuôi dài kỳ lạ, khiến nó trông như một ngôi sao chổi khổng lồ. Các quan sát mới nhất đã tiết lộ sự thật rùng mình.
"Đuôi của nó có kích thước khổng lồ, trải dài tới 9 triệu km, gần bằng một nửa quỹ đạo của toàn bộ hành tinh" - đồng tác giả Marc Hon từ Viện Kavil thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT - Mỹ) mô tả.
Chiếc đuôi của hành tinh này được hình thành do nó đang tan chảy giữa trời, theo nghĩa đen.
Ảnh đồ họa mô tả hành tinh tan chảy BD+05 4868 Ab như đang bị vùi lấp trong chính chiếc đuôi đá rực lửa của nó - Ảnh: MIT
BD+05 4868 Ab quay quanh ngôi sao mẹ của nó với quỹ đạo chỉ bằng 30,5 giờ Trái Đất, tức nó quay rất sát ngôi sao mẹ và hứng chịu nhiệt lượng khủng khiếp.
Điều này khiến hành tinh này có "cảnh quan địa ngục", theo như mô tả của các nhà khoa học. Bề mặt của nó bị bao trùm bởi đại dương magma nóng chảy, đang sôi sục, tan chảy vào không gian.
Vì vậy, hành tinh để lại một vệt đá nóng chảy dài phía sau. Theo thời gian, vật liệu nóng chảy ngưng tụ lại thành chiếc đuôi đá khổng lồ.
Hành tinh cách Trái Đất 140 năm ánh sáng này có thể đã bắt đầu cuộc đời với khối lượng lớn gấp đôi khối lượng hiện tại của nó, nhưng đã bị mất dần vật liệu theo cách nói trên.
Hiện tại khối lượng của BD+05 4868 Ab chỉ bằng gần một nửa khối lượng Sao Thủy và vẫn đang giảm đi nhanh chóng. Mỗi lần quay hết một vòng quanh sao mẹ, nó lại làm mất lượng vật chất tương đương với núi Everest.
"Đây là một vật thể rất nhỏ, có lực hấp dẫn rất yếu, nên nó dễ mất đi nhiều khối lượng" - đồng tác giả Avi Shporer từ sứ mệnh TESS của NASA giải thích.
Vật thể càng nhỏ đi, lực hấp dẫn của nó càng yếu đi và mất khối lượng ngày càng nhanh.
Với tốc độ hiện tại, hành tinh tan chảy này sẽ hoàn toàn biến mất trong vòng 1-2 triệu năm tới, theo bài công bố nghiên cứu trên tạp chí khoa học The Astrophysical Journal Letters.
Thế giới xấu số này cũng đem đến cơ hội cho các nghiên cứu đột phá. Kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới hiện nay - James Webb - đủ sức mạnh để thu thập quang phổ chi tiết về hành tinh, tìm hiểu thành phần của nó và cả dòng vật chất tan chảy.
"Đây sẽ là cơ hội duy nhất để khảo sát trực tiếp thành phần bên trong của một hành tinh đá, điều này có thể cho chúng ta biết nhiều điều về sự đa dạng và khả năng sinh sống của loại hành tinh này" - TS Hon nói.
Anh Thư