Một Iran 'rất khác' sẽ khiến ông Trump phải đau đầu!

Một Iran 'rất khác' sẽ khiến ông Trump phải đau đầu!
7 giờ trướcBài gốc
Tổng thống đắc cử Donald Trump đang có nhiều tính toán đối với Iran nhưng dường như vẫn sẽ duy trì chính sách "áp lực tối đa". (Nguồn: AP)
Tiến sát ngưỡng cường quốc hạt nhân
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Politico mới đây, cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak đánh giá: “Trên thực tế, Iran đã tiến sát ngưỡng trở thành một cường quốc hạt nhân”.
Nói cách khác, ông cho rằng có thể chỉ mất vài ngày hoặc vài tuần để Iran lắp ráp đầu đạn hạt nhân, và khoảng một năm để chế tạo vũ khí hạt nhân. Nếu Tehran chọn con đường này, không cuộc không kích nào - dù là của Israel hay Mỹ - có thể trì hoãn.
Lời cảnh báo của cựu Thủ tướng Barak làm dấy lên một câu hỏi rằng liệu bối cảnh hiện tại có thể thúc đẩy một thỏa thuận giữa Iran và Mỹ hay không?
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn Thượng nghị sỹ Marco Rubio của đảng Cộng hòa làm Ngoại trưởng trong chính quyền sắp tới. Ông Marco Rubio là người có quan điểm cứng rắn và quyết đoán trong vấn đề Iran. Thậm chí, sau đợt không kích của Iran nhằm vào Israel hồi tháng trước, với khoảng 200 tên lửa đã được phóng đi, ông Rubio đã nhấn mạnh: “Chỉ có đe dọa bằng áp lực tối đa và các biện pháp trực diện, không cân xứng mới có thể buộc họ (Iran) phải thay đổi hành vi”.
Ông Michael Waltz, người được ông Trump lựa chọn làm Cố vấn An ninh Quốc gia, cũng có lập trường tương tự. Hồi tháng 10, ông Waltz chỉ trích chính quyền của Tổng thống Joe Biden vì đã gây sức ép buộc Israel “một lần nữa phải kiềm chế những gì họ cần làm”.
Bản thân ông Trump đã có lập trường cứng rắn với Iran trong nhiệm kỳ đầu tiên, khi từ bỏ Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) và không ngần ngại hành động. Gần đây, ông cũng có những tuyên bố thể hiện quan điểm khác biệt với ông Biden về những gì Israel nên và không nên làm trong các cuộc tấn công trả đũa.
Tuy nhiên, ông Trump dường như cũng đã cân nhắc đến khả năng đạt được một thỏa thuận với Iran. Tháng trước, trong cuộc trò chuyện với người dẫn chương trình podcast Patrick Bet-David, ông Trump đã loại trừ khả năng tham gia vào bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi chế độ ở Tehran. Ông bày tỏ rằng ông muốn Iran trở thành một quốc gia thành công, nhưng không được phép sở hữu vũ khí hạt nhân.
Một thỏa thuận tầm khu vực mới "đáng"?
Cựu Thủ tướng Ehud Barak, người từng phục vụ trong Lực lượng Phòng vệ Israel và giữ chức Tổng Tham mưu trưởng trước khi chuyển sang sự nghiệp chính trị, cảnh báo rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có thể bị cuốn vào guồng quay leo thang chống lại Iran và tấn công các cơ sở hạt nhân của nước này. Ông Ehud Barak cho rằng Tổng thống Trump cũng sẽ không mặn mà với vấn đề này.
Về những diễn biến trong tương lai gần, ông Ehud Barak dựa đoán các bên có thể hướng tới một thỏa thuận lớn hơn trong bối cảnh khu vực đang tìm cách chấm dứt xung đột.
Thỏa thuận này có thể bao gồm các cuộc đàm phán liên quan đến xung đột Nga-Ukraine, khuyến khích Tổng thống Nga Vladimir Putin thuyết phục Tehran ngừng các chiến lược ủy nhiệm và các hoạt động chống lại Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Israel, đồng thời tìm ra một giải pháp chung sống hòa bình. Thậm chí, thỏa thuận này có thể bao gồm một hiệp định hạt nhân mới với Iran được sự hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế.
Về phần mình, Iran đã hé mở cánh cửa đàm phán. Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Abbas Araghchi phát biểu trên truyền hình nhà nước rằng Tehran sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân. Điều thú vị là, theo New York Times, “người bạn thân nhất” hiện tại của ông Trump, tỷ phú Elon Musk, được cho là đã gặp Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc để thảo luận về cách giảm căng thẳng giữa Tehran và Washington.
Báo chí quốc tế đã có nhiều bài bình luận về chính sách mà ông Trump sẽ triển khai trong quan hệ Mỹ-Iran. (Nguồn: the Coversation)
Trụ vững Nga-Iran
Theo kế hoạch chính sách đối ngoại của ông Trump, Washington có ý định thiết lập một cuộc đối thoại với Moscow trong khi gia tăng áp lực đối với Tehran. Liệu chính sách của Mỹ có làm suy yếu liên minh mà Nga-Iran đang gây dựng hay không?
Theo Trang mạng của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, nhiệm kỳ tổng thống trước của ông Trump được giới lãnh đạo Iran nhớ rất rõ vì chính sách “gây áp lực tối đa”. Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào năm 2018 và việc áp dụng trở lại các lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt sau đó đã trở thành một trong những thử thách nghiêm trọng nhất đối với Iran trong thế kỷ XXI.
Tuy nhiên, hành động của Washington theo hướng này khó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự hội nhập kinh tế của Tehran. Nhìn chung, áp lực kinh tế đối với Iran đã đạt đến giới hạn trong nhiệm kỳ tổng thống trước của ông Trump. Hơn nữa, Tổng thống Joe Biden trên thực tế vẫn tiếp tục chính sách này, không dỡ bỏ lệnh trừng phạt nào đối với Tehran. Điều này không những không ngăn cản mà ngược lại còn góp phần đưa Iran và Nga xích lại gần nhau trên nhiều lĩnh vực. Giờ đây, áp lực bổ sung từ Mỹ có thể sẽ có tác động tương tự.
Do đó, rất có thể Chính quyền của Tổng thống Trump có thể thực hiện những bước đi phức tạp và độc đáo hơn.
Ví dụ, đề nghị nới lỏng các biện pháp trừng phạt cho Nga để đổi lấy việc từ chối hỗ trợ Iran. Nhưng một đề xuất như vậy sẽ đòi hỏi phải xem xét lại chính sách đối ngoại của Mỹ một cách triệt để và điều này khó có thể được Moscow chào đón nồng nhiệt. Iran đã trở thành đối tác của Nga và Iran đang thử nghiệm cơ cấu quan hệ quốc tế mới, độc lập với phương Tây.
Hơn nữa, những vấn đề nhỏ về kinh tế như vậy khó có thể ngăn cản Điện Kremlin thực hiện các tính toán địa chính trị với Iran. Hiện nay, Nga không chỉ tìm cách hợp tác với Iran trên nhiều lĩnh vực mà còn đang thử nghiệm các mô hình hội nhập mới trong quan hệ với Tehran. Sự kết hợp giữa khu vực thương mại tự do, kết nối hệ thống tài chính và gia nhập các tổ chức quốc tế chung sẽ củng cố quan hệ hữu nghị giữa hai nước, ổn định hơn và ít biến động hơn.
(theo politico.eu)
Vy Anh
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/mot-iran-rat-khac-se-khien-ong-trump-phai-dau-dau-294677.html