Tập văn nghệ để biểu diễn tri ân nhà giáo. Lý do ấy chính đáng rồi, năm nào cũng diễn ra. Ngoài lý do để tri ân, việc tập và thi văn nghệ còn thể hiện khả năng, vị trí thứ hạng của một tập thể lớp. Vì lẽ ấy nhiều trường học đã tổ chức những hội diễn văn nghệ với những cái tên mỹ miều, giàu cảm xúc vào dịp này. Và dĩ nhiên, đã là một hội thi, hội diễn, thì không thể tập luyện qua loa, đại khái được. Nhiều lớp đã có sự đầu tư rất lớn. Ý tưởng là của học sinh, nhưng sự đầu tư phải là của những người làm cha, làm mẹ. Những lớp có sự tài trợ không nhiều.
Một giáo viên mới đây đã bức xúc đăng trên mạng xã hội kêu học học sinh tập trung học tập. Không vì tập luyện văn nghệ mà sao nhãng chuyện học.
Sau hội thi văn nghệ của một trường học, có phụ huynh cho biết con chị rất bức xúc vì lớp mình không được giải như ý, không tương xứng với sự đầu tư tiền bạc, công sức. Cháu cho biết sẽ hỏi ban tổ chức cho rõ lý do.
Suy nghĩ non nớt của học sinh chỉ là câu chuyện giải thưởng, còn suy nghĩ của nhiều người lớn đó là câu chuyện thời gian, tiền bạc. Nhiều phụ huynh không đồng tình với cái cách gọi là tập văn nghệ, thi văn nghệ ở trường học của con mình. Những đứa trẻ một tuần phải đi tập đêm tới mấy hôm, chí ít tranh thủ vài tiếng đồng hồ sau ca học chiều để tập. Nhiều người lớn phải đi theo, vì nơi tập không có, học sinh nhiều lớp phải kéo ra công viên hoặc nơi có mặt bằng rộng nào đó.
“Cũng tốn tiền lắm đấy chứ. Chỉ là thi văn nghệ học sinh thôi mà”. Một phụ huynh đã phàn nàn kèm theo tờ danh mục chi cho tập văn nghệ của lớp con chị. Nào là tiền thuê trang phục, đạo cụ. Tiền suất ăn nhẹ, tiền nước uống sau một số buổi tập và hôm biểu diễn. Nặng nhất là tiền thuê đạo diễn chương trình, biên đạo múa. Tổng chi cho gói văn nghệ tới gần 20 triệu đồng. Những khoản chi ấy rồi lại chất lên vai phụ huynh cả. Nó được quyết toán riêng hoặc tổng hợp chi chung của học kỳ và phụ huynh sẽ nộp vào cuối kỳ. Kiểu gì cũng phải chi cả.
Tạo ra một không khí văn nghệ để tôn vinh nhà giáo là điều nên làm. Nhưng mượn lý do này để bày đặt ra những điều quá mức, vừa tốn kém, vừa gây bức xúc, là điều phải tránh. Đây cũng có thể xem là một kiểu lãng phí, điều mà Đảng, Nhà nước ta đang tập trung phòng, chống.
Tuệ Minh