Họp báo tuyên bố sáu điểm của CPCMLTCHMNVN, Trại Davis, Tân Sơn Nhất, ngày 23/3/1974. (Ảnh tư liệu)
Cuối năm 1973, tình hình chiến sự trên toàn miền Nam Việt Nam hết sức căng thẳng. Mỹ ngụy đã quyết xé bỏ Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (Hiệp định Paris).
Ngày 15/10/1973, Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam phải ra một mệnh lệnh về quyền tự vệ và đánh trả của Quân giải phóng đối với những cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng của quân ngụy Sài Gòn. Trong mệnh lệnh ghi rõ nội dung: “Không chỉ trừng trị tại nơi vi phạm mà sẽ giáng trả ngay tại căn cứ xuất phát”.
Lá cờ đỏ giữa vòng vây
Thực hiện mệnh lệnh đó, Quân giải phóng liên tiếp đánh đòn hiểm vào sân bay Biên Hòa và đốt cháy kho xăng Nhà Bè. Hôm họp báo tại trại David, một nhà báo nước ngoài đã thân mật chia sẻ với trung tá Phùng Ngọc Bảo - sĩ quan tổ quân sự của Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN - Đoàn B): “Đòn trừng phạt của các ngài thật “xuya”. Bên kia (phía Mỹ ngụy) họ đau lắm đó!”.
Sáng hôm sau, anh Trần Quốc Xả (Ba Xả) tổ trưởng tổ sĩ quan liên lạc phân công tôi đi đưa một công hàm của ta phản đối phía đối phương đã vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Paris cho Ủy ban Quốc tế kiểm soát, giám sát thi hành Hiệp định ở Việt Nam, có trụ sở trong nội thành. Anh còn dặn dò: “Hết sức tỉnh táo, cảnh giác nhé!”. Tôi chuẩn bị rất nhanh, mặc bộ quân phục và kiểm tra lại khẩu súng K59 đã đủ đạn…
Tác giả tại sân bay Tân Sơn Nhất, tháng 12/1973.
Cùng đi với tôi có đồng chí Lê Khai thiếu úy, sĩ quan phiên dịch. Hai anh em đi ra phía gần cổng đó là nhà của Ban chỉ huy trung đội vệ binh. Anh Mười Tài, chính trị viên của trung đội thấy hai đứa tôi liền gọi vào uống nước trà, hút thuốc. Anh đi bộ đội từ thời chống Pháp, quê Nam Bộ, mái tóc hoa râm cắt cua làm cho vầng trán thêm cao. Anh rót nước trà từ chiếc ca và bình tông inox của Mỹ úp ngược ra mấy chiếc bát sắt tráng men, tay vê cuộn một điếu thuốc rê như loa kèn và hút… Giọng anh trầm nhẹ, dễ nghe: “Uống nước đi hai đứa”. Tôi và Lê Khai ngồi vào chiếc ghế đóng bằng vỏ thùng đạn Mỹ. Nhấp ngụm trà Blao chát ngọt, chúng tôi hướng về phía cổng chờ xe của “Quân cảnh” ngụy đến đón.
Khoảng 10 giờ, có hai chiếc xe Jeep lùn đến cổng. Trên mỗi chiếc xe đều có bốn người, họ mặc quân phục màu sáng, chiếc mũ đội đầu có hai chữ “QC” to tướng. Đó là chữ viết tắt “Quân cảnh”, có nghĩa “Cảnh sát quân đội” ngụy.
Tôi và Lê Khai vào ngồi chiếc xe Ford màu đen của Mỹ, có một nhân viên an ninh quân đội ngụy đeo tên “Hoàng” ngồi bên người lái xe. Anh lái xe này cũng là nhân viên của cơ quan an ninh ngụy.
Chiếc xe Jeep đi trước có bốn người: một lái xe, người ngồi bên lái xe mang súng ngắn, hai người ngồi sau có một người đeo máy thông tin PRC25 và một người cầm lăm lăm trong tay khẩu tiểu liên cực nhanh AR15. Xe sau, lái xe không cầm vũ khí, còn ba người đều mang AR15. Tính lướt nhanh về lực lượng đối phương có 10 người, còn chúng tôi chỉ có hai người với hai khẩu súng ngắn K59 cùng cơ số đạn là 20 viên mỗi khẩu. Tuy vậy, chúng tôi rất ung dung, đĩnh đạc, vẻ mặt rất tự nhiên.
Hoàng - nhân viên an ninh quân đội ngụy tỏ vẻ trịnh trọng nói: “Mấy ông đi công cán mà ngang với tổng thống Thiệu. Một xe quân cảnh đi trước dẫn đường, một xe sau hộ tống, ngó bộ oai dữ!”.
Tôi bật cười và trả lời Hoàng: “Đây là sĩ quan của Đoàn đại biểu quân sự CPCMLTCHMNVN. Các anh đi với chúng tôi còn vinh dự hơn đi với ông Thiệu nhiều!”.
Nghe vậy, anh ta ngớ người, không đáp lại, vẻ mặt ỉu xìu. Hoàng vẫy tay cho các xe lăn bánh.
Nhìn lên mũi xe, chiếc nào cũng cắm lá cờ nhỏ, theo quy định của bốn đoàn trong Ban liên hiệp quân sự là màu da cam có con số 4. Mưa nắng đã chuyển từ màu da cam ban đầu thành màu đỏ. Nhìn lá cờ đỏ dù không có ngôi sao vàng nhưng tôi vẫn rất vui. Đối phương có lẽ rất “ngại” màu cờ này, nhưng không có lý do gì để thay đổi. Lại nhớ ngày đầu phiên khai mạc, bàn cãi mãi mới thống nhất lấy màu da cam.
Chúng tôi mặc quân phục Quân giải phóng, bên cánh tay trái mỗi người mang một băng tay màu da cam có con số 4 như quy ước. Nay màu da cam không còn, đã tự đổi thành màu đỏ… Số 4 màu vàng không bị phai nên lại càng nổi bật trên nền đỏ của lá cờ và băng tay.
Lính Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất, tháng 3/1973. (Ảnh tư liệu)
Lời chào với niềm tin lớn lao
Đoàn xe rời con đường ra vào sân bay Tân Sơn Nhất, vượt qua mấy vọng gác của “quân cảnh” đến đường “Công Lý”. Nơi đây có cây cầu mà anh Nguyễn Văn Trỗi đặt mìn để giết tên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara nhưng không thành. Anh anh dũng hy sinh ngày 15/10/1964 với lời thề: “Hãy nhớ lấy lời tôi, đả đảo đế quốc Mỹ! Việt Nam nhất định thắng! Hồ Chí Minh muôn năm!”. Tấm gương anh dũng, kiên cường của người anh hùng như vang vọng trên con đường chúng tôi đang đi, thúc giục chúng tôi học tập anh để tiếp tục chiến đấu trước kẻ thù Mỹ ngụy hung bạo.
Đoàn xe đang lao nhanh thì phía trước ùn tắc, đoạn đường gần một ngã tư giao nhau với đường “Công Lý”. Không rõ nguyên nhân, xe ùn một đoạn dài.
Ba xe của đoàn cũng không tránh khỏi. Hoàng mở cửa xe đi lên phía trước hỏi xem có chuyện gì mà gây tắc đường. Trên lề đường mọi người dân vẫn qua lại. Có một chị dắt đứa con nhỏ chừng năm, sáu tuổi, chị đến gần cửa xe nơi tôi ngồi, bảo con: “Con chào mấy chú đi!”. Đứa trẻ ngoan ngoãn khoanh tay nhìn vào chúng tôi và thỏ thẻ: “Con chào các chú!”. Tôi chìa tay ra ngoài xe, vẫy chào cháu và ngợi khen: “Chú chào cháu! Cháu ngoan lắm!”.
Tấm biển được dựng lên tại trại Davis, tháng 11/1973. (Ảnh tư liệu)
Chị không dừng lại lâu, dắt cháu nhỏ đi ngay. Một bà má tiến lại gần và nói: “Mấy chú trông đẹp vầy mà tụi nó biểu “Bảy Việt cộng bám cọng đu đủ không gãy”, thiệt là nói xạo!”.
Tôi vui vẻ đáp: “Chúng con chào má, chúc má mạnh giỏi!”.
Bà cố nói cho mấy người đi gần đó nghe được và đi liền. Họ bày tỏ thái độ thân thiết với chúng tôi và không muốn bị mấy nhân viên quân cảnh, an ninh, mật vụ gây khó nên đã đi ngay. Tôi nhìn theo bà con mà lòng trào lên niềm vui khôn xiết.
Một người lính ngụy đi ngang qua, thấy xe của chúng tôi dừng, anh này đứng nghiêm giơ tay chào theo điều lệnh…
Phía trước đã thông đường, đoàn xe lăn bánh đi về phía ngã sáu. Đến đường Trần Quốc Toản, xe rẽ vào trụ sở của Ủy ban Quốc tế - số 10 Trần Quốc Toản (nay là đường 3 tháng 2).
Tôi và Lê Khai vào trụ sở, trao xong công hàm, ra xe để trở về trại David trong sân bay Tân Sơn Nhất. Trên đường về không có tình huống ùn tắc nào. Vẫn đội hình như cũ, xe chúng tôi đi giữa, có hai xe “Quân cảnh” hộ tống.
Thật ấn tượng về những ánh mắt trìu mến, thiện cảm của bà con Sài Gòn, dù còn đang phải sống trong sự kìm kẹp kẻ thù nhưng họ tin tưởng là sắp đến ngày toàn thắng, đất nước sẽ liền một dải…
-----------------------------
(*) Thường trực Ban liên lạc Cựu chiến binh Ban liên hợp quân sự trại Davis
Hoàng Khánh (*)