1. Được sự đồng ý của biên phòng nước bạn, sau 15 phút ngồi sau xe gắn máy của một người Campuchia gốc Việt tên P. chúng tôi đã đến khu vực rừng tràm thuộc xã Sam Reong quận ChanT'ria, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia. Thấy chúng tôi, một nhóm người mặc đồng phục áo đỏ lập tức tiếp cận rồi mời chào bằng tiếng Việt lơ lớ: “Đi casino không, hay đi chợ hàng Thái chỉ 300 thôi...”.
Khi tôi đưa máy lên chụp ảnh thì vài người trong nhóm cũng lập tức rút điện thoại bấm số và chưa đầy một phút sau biên phòng nước bạn lập tức gọi cho P. yêu cầu tôi phải xóa hết hình ảnh vì nếu cơ quan chức năng nước bạn kiểm tra, phát hiện và lập biên bản thì sẽ gặp rắc rối to. Ngoài ra, P. còn giải thích cho chúng tôi rằng hầu hết những đường mòn, lối mở có thể qua lại giữa hai bên đều có những nhóm người như vậy. Họ không chỉ làm cò mời chào, đưa đón khách đến casino để nhận tiền lót tay của giới chủ, các khu chợ thuốc lá, mà còn là những tai mắt do cánh đầu nậu cài cắm nhưng không phải canh cơ quan chức năng bên kia, mà “soi mói” xem trong số những người qua lại biên giới có ai nghi vấn là “cánh tay nối dài” của công an, biên phòng Việt Nam đi nắm tình hình từ xa thì thông báo cho các đầu nậu biết.
Tai mắt của đầu nậu có mặt trên các cung đường để lôi kéo khách đến chợ hàng lậu.
Tiếp tục di chuyển sâu vào trong rừng, thấy một khu nhà khung sắt tiền chế rộng chừng 500 m2 được bịt kín bằng tôn không có bảng hiệu, tôi thắc mắc vì sao nhà xưởng lớn thế này mà không thấy tiếng ồn phát ra từ máy móc, thiết bị sản xuất và cũng không có đường dây điện kéo vào thì P. nhanh nhảu giải thích rằng đây không phải nhà xưởng sản xuất, mà chỉ là một kho chứa hàng hóa chờ thời cơ tuồn vào Việt Nam. Định đưa máy lên chụp tấm ảnh thì ngay lập tức có 4-5 thanh niên lực lưỡng bận đồng phục, tay lăm lăm dùi cui điện chạy đến ngăn cản và yêu cầu tôi nếu chụp rồi thì phải xóa ảnh ngay, nếu không sẽ gọi cảnh sát đến xử lý.
Theo lời P., nơi đây từng được cánh đầu nậu dựng lên những căn chòi mái tôn nằm san sát nhau để tập kết hàng hóa mà chủ yếu là thuốc lá, đường cát, mỹ phẩm biến khu rừng hoang vu này thành nơi nhộn nhịp như chốn đô thị. Do hầu hết đầu nậu là người gốc Việt, nắm rõ đường đi nước bước ở trong nước nên họ canh những lúc tranh tối tranh sáng và những lúc lực lượng chức năng của ta giao ca thì xua quân tuồn đủ loại hàng hóa qua biên giới giao cho những người vận chuyển thuê đưa đến tay những người bán sỉ, lẻ trong nội địa bung ra tiêu thụ trên thị trường. Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát phòng, chống tội phạm, buôn lậu và vận chuyển hàng cấm, hơn nữa các xã biên giới còn được tăng cường công an chính quy nên cánh đầu nậu không tập kết hàng như lúc trước nữa, mà sử dụng phương thức mới.
Họ cho dựng những nhà kho rộng lớn nằm sâu trong rừng để chứa hàng hóa không phải vì sợ bị cơ quan chức năng bản địa xử lý (do thuốc lá, đường cát Thái Lan, xe ô tô và mô tô phân khối lớn, hóa mỹ phẩm và nhiều loại nhu yếu phẩm có xuất xứ không rõ ràng không bị xem là hàng lậu, hàng cấm), mà để tránh bị cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện từ xa. Sau đó, họ tìm đến từng điểm chuyên phân phối hàng lậu ở trong nước (chủ yếu là thuốc lá) ở các tỉnh, thành phía Nam, thống nhất phương thức liên lạc qua mạng xã hội, tổ chức vận chuyển theo kiểu chớp nhoáng và tuyển tài xế là người nghiện hút ma túy điều khiển, thuê ô tô từ các nhà dịch vụ. Khi tín hiệu được kết nối, tài xế đánh xe đến một đường mòn, lối mở được chọn sẵn và đầu nậu sẽ tính toán thời gian sao cho khi ô tô vừa đến thì “nài” cũng đồng thời có mặt ném nhanh những bao tải hàng hóa lên và tất cả đều tăng ga phóng như bay theo nhiều hướng khác nhau.
Một nài đi qua biên giới để chuẩn bị chẻ hàng cho đầu nậu.
Mặt khác, họ còn móc nối với những tài xế xe tải chuyên vận chuyển khoai lang, bắp ngô, bầu, bí, dưa hấu giấu hàng lậu vào giữa thùng hàng chuyển về các chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh giao cho người đặt hàng, sau đó sẽ có người của đầu nậu trực tiếp đến thu tiền chứ rất ít khi giao dịch bằng chuyển khoản, sợ bị cơ quan chức năng phát hiện. Riêng đối với đầu nậu, họ thường giấu mặt ở bên kia biên giới chỉ đạo từ xa thông qua mạng xã hội cho tay chân trực tiếp thực hiện nên thường né tránh được việc bị cơ quan chức năng xử lý mỗi khi về nước. Tiếp tay cho cánh đầu nậu là một số thanh niên người Việt. Khi được cơ quan chức năng tiếp cận tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu cam kết không mua bán, vận chuyển hoặc tiếp tay cho cánh buôn lậu thì họ hứa rất ngọt, nhưng sau đó lại rình rập đi cõng hàng. Bị cơ quan chức năng để ý thì họ sang ở hẳn bên kia, lâu lâu mới về nhà một lần.
2. Thấy chúng tôi tiu nghỉu vì hiếm khi có cơ hội đi thực tế như thế này mà không thu hoạch được gì, kể cả tấm ảnh làm kỷ niệm, P. quay sang bảo: “Lượn lòng vòng hết mấy tiếng đồng hồ rồi mà không thu thập được gì, em thấy áy náy quá. Để em sẽ đưa mọi người đến điểm cuối cùng đó là khu chợ hàng hóa nằm gần casino Shanghai xem có gặt hái được gì không... nhưng vẫn phải nhớ là không được chụp ảnh nhé bởi khu chợ này được gắn rất nhiều “mắt thần” theo dõi”.
Nói là khu chợ nổi tiếng sầm uất, nhưng thật sự chỉ có khoảng hơn ba chục căn nhà cấp 4, mái lợp tôn nằm liền kề nhau. Mỗi nhà đều dựng vài ba sạp to bằng cái giường đôi bày đầy hàng hóa các loại và nhiều nhất là nước ngọt, đường cát và các loại thuốc lá nhưng có rất ít người hỏi mua mà chỉ toàn là tiếng ồn ào của chủ cùng nhân viên của các cửa hàng í ới gọi nhau.
Cánh rừng phía sau tấm bảng là nơi đầu nậu thường tập kết hàng hóa.
Thoáng thấy chúng tôi, một nhóm người bán hàng phát hiện ra ngay không phải người bản địa mà là từ Việt Nam qua nên chạy ùa ra, họ sử dụng tiếng Việt níu kéo, mời chào vào xem hàng hóa, nếu thích gì thì mua, còn không cũng chẳng sao. Nước ngọt thì không dùng vì không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đường cát cũng không vác nổi bao 50 cân nên chúng tôi quyết định ghé vào một cửa hàng bán nhiều thuốc lá. Vừa bước vào, chị chủ có nước da bánh mật đã niềm nở giới thiệu rằng chị là người gốc An Giang, theo chồng sang đây được 10 năm nhưng làm ruộng cho thu nhập kém quá nên đã bàn nhau thuê đất mở cửa hàng ở chợ giáp biên.
Sau khi giới thiệu bản thân, chị chủ mở tủ lấy ra 3 loại thuốc lá rồi bảo: “Các anh mua ủng hộ đồng hương mỗi thứ chục cây (mỗi cây 10 bao 20 điếu), từ sáng đến giờ chưa bán được gói nào. Mua ủng hộ đi, em bớt giá cho... Để tránh bị công an, biên phòng Việt Nam bắt, em sẽ cho người giao hàng tận tay khi anh làm xong thủ tục nhập cảnh, nhưng sẽ không còn nguyên cây đâu vì em phải xé lẻ ra từng gói, chia thành nhiều túi chứ không cũng bị bắt như thường...”.
Khi được hỏi sao tủ thuốc còn bày nhiều loại thuốc do Việt Nam sản xuất thì bán cho ai, chị chủ tiếp tục: “Ở đây thuốc lá đâu phải thứ gì cấm đâu, cứ bán thoải mái. Thuốc 555 của Anh, Jet, Hero thì bán cho người trong nước qua casino kéo bài, còn thuốc Sài Gòn, Thăng Long, Khánh Hội... thì bán cho người Việt sinh sống ở đây. Xung quanh cái chợ này, kể cả chủ các cửa hàng phần lớn người gốc Việt không à. Nhiều thời điểm bán ế, không đủ chi phí nên muốn tìm nghề khác kiếm sống, nhưng công việc bên này khó lắm nên tìm mãi không được, đành bám lấy cái nghề này để kiếm ngày ba bữa cơm thôi. Giàu có thì chỉ có là chủ lớn bởi có ngày họ chẻ hàng trăm cây thuốc kiếm tiền triệu như chơi, nhưng họ ở đâu ấy, chỉ sai mấy đứa lau nhau làm chứ không bao giờ thấy ló mặt ra đâu...”.
Lực lượng Công an, Biên phòng tuyên truyền, hướng dẫn người dân chấp hành quy định về xuất, nhập cảnh.
Rời cửa hàng, chúng tôi gọi điện thoại cho một người bạn chuyên bán thuốc lá ở TP Hồ Chí Minh để hỏi thăm về giá cả và được anh cho biết, thuốc 555 của Anh bán lẻ thấp nhất cũng 450.000 đồng/cây (cây 10 bao), Jet và Hero giá 230.000 đồng/cây. Những dịp lễ, tết, khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao, mà biên giới lại bị công an, biên phòng siết chặt thì giá có thể tăng thêm 30-40%. Giá cao như vậy nhưng vẫn có rất nhiều người tìm mua và không chịu đổi sang sử dụng các loại thuốc khác vì sử dụng lâu năm nên quen.
Đem so sánh giá bán thuốc lá giữa hai nước thì có thể thấy mức độ chênh lệch khá cao, dao động từ 80.000-100.000 đồng/cây thuốc lá tùy loại, nếu trừ đi chi phí vận chuyển, cứ mỗi cây thuốc lá ngoại tuồn vào trong nước, cánh đầu nậu thu lợi bất chính từ 30.000- 40.000 đồng. Nếu mỗi ngày đầu nậu tuồn hàng trăm cây thuốc lá vào nội địa (theo lời của chị chủ cửa hàng) thì số tiền thu lợi không chỉ là vài triệu, mà có thể lên đến hàng chục triệu đồng. Chính vì sự chênh lệch giá khá cao, hơn nữa địa hình tuyến biên giới tiếp giáp giữa Việt Nam và Campuchia rất bằng phẳng với nhiều đường mòn, lối mở, chỉ mấy bước chân là có thể qua lại nên cánh đầu nậu luôn tìm cách tuồn các loại hàng lậu vào trong nước tiêu thụ để kiếm lợi.
Trời đã về chiều, cũng là lúc chúng tôi phải rời cung đường hàng lậu để trở về nội địa trước giờ đóng cửa biên giới. Đúng như lời anh P., khi qua chốt, một cảnh sát Campuchia đã yêu cầu chúng tôi dừng lại mở phần lưu hình ảnh trong điện thoại và chỉ đến khi không thấy bức ảnh nào được chụp trong ngày trên tuyến biên giới phía nước bạn thì họ mới trả lại rồi vẫy tay ra hiệu cho tiếp tục di chuyển...
Nguyễn Gia