Bệnh ung thư phổi đang ngày càng gia tăng ở phụ nữ châu Á không hút thuốc. Ảnh minh họa: Freepik.
Trong 5 năm qua, Vicky Ni đã phải chiến đấu với căn bệnh ung thư phổi - một chẩn đoán bất ngờ xảy ra vào năm 2019 sau khi bà đi khám vì bị đau ở vai.
"Bác sĩ chụp X-quang cổ tôi và chỉ tình cờ phát hiện góc dưới của phim X-quang cho thấy cơ hoành nhô lên. Tôi choáng váng, không thể thốt lên lời", Ni chia sẻ.
Điều bí ẩn
Theo CBS News, Vicky Ni, luật sư 54 tuổi, là mẹ của hai đứa con, hiện là một phần của bí ẩn y học: bệnh ung thư phổi ở những phụ nữ Mỹ gốc Á, không hút thuốc - tình trạng đã gia tăng hơn một thập kỷ trước khi Ni nhận được chẩn đoán.
"Tôi cho rằng mình sẽ được hóa trị và đánh bại nó. Nhưng sau đó, khi gặp bác sĩ chuyên khoa ung thư, tôi mới biết rằng mình đã ở giai đoạn 4 và do đó không thể chữa khỏi", bà Ni nói.
Theo nghiên cứu của các trung tâm y tế hàng đầu ở California, Mỹ, trong số phụ nữ châu Á được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi, 57% là những người không hút thuốc. Đối với những người khác, chỉ có 15% phụ nữ được chẩn đoán không có tiền sử hút thuốc.
Người phụ nữ 54 tuổi cho biết bà không tin mình đã tiếp xúc với bất kỳ hóa chất gây ung thư nào và không lớn lên ở khu vực có nhiều ô nhiễm không khí. Là một người không hút thuốc, bà không đủ điều kiện để được sàng lọc ung thư phổi.
Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), năm 2022, ung thư phổi là căn bệnh ung thư có số người mắc và tử vong cao nhất thế giới. Theo số liệu ghi nhận, hơn 2,4 triệu ca mắc và hơn 1,8 triệu ca tử vong vì ung thư phổi trong năm này.
Chia sẻ với US News, tiến sĩ Nathan Pennell, Trung tâm Ung thư Taussig (Mỹ), cho hay tỷ lệ sống sau 5 năm của người bệnh ung thư phổi là 17%. Điều đáng nói là con số này đã không có sự cải thiện sau rất nhiều thập kỷ.
Theo ông Pennell, ung thư phổi vốn khó chẩn đoán hơn các bệnh khác vì con người không thể nhìn thấy hoặc cảm nhận phổi của mình. Hầu hết bệnh nhân chỉ phát hiện mình có vấn đề khi có triệu chứng ho hoặc đau.
"Thật không may, các triệu chứng thường chỉ xuất hiện khi tế bào ung thư đã phát triển, thậm chí di căn và không thể chữa khỏi", ông cho hay.
Những nguy cơ tiềm ẩn
Trên thực tế, không phải ung thư vú, ung thư phổi là nguyên nhân tử vong do ung thư hàng đầu ở phụ nữ. Ngày càng nhiều phụ nữ qua vì ung thư phổi hơn là ung thư vú, ung thư buồng trứng và ung thư đại tràng mỗi năm.
Hiệp hội Phổi Mỹ ghi nhận tỷ lệ ung thư phổi đã tăng 79% ở phụ nữ trong 44 năm qua. Trong khi đó, tỷ lệ này lại giảm 43% ở nam giới. Và lần đầu tiên trong lịch sử, nhiều phụ nữ trẻ được chẩn đoán mắc ung thư phổi hơn nam giới.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là hầu hết người được chẩn đoán mắc ung thư phổi hiện nay không phải là người hút thuốc lá. Khoảng 20% phụ nữ mắc ung thư phổi chưa bao giờ hút thuốc. Tỷ lệ này cao hơn so với nam giới mắc ung thư phổi chưa bao giờ hút thuốc, theo US News.
Theo nhà dịch tễ học Scarlett Gomez, hiện tại, các hướng dẫn sàng lọc được thực hiện theo hướng những gì bảo hiểm chi trả. Gomez và nhà dịch tễ học Iona Cheng của Đại học California San Francisco đã nhận được khoản tài trợ 12,5 triệu USD từ Viện Ung thư Quốc gia Mỹ để nghiên cứu các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn gây ung thư phổi ở những người không hút thuốc.
Gomez cho biết: "Một số yếu tố chúng tôi đang xem xét bao gồm việc tiếp xúc với khói thuốc thụ động, tiếp xúc nhiều với khói dầu ăn". Chuyên gia này cũng nói thêm rằng các nghiên cứu tế bào gần đây cho thấy một đột biến gene cụ thể có thể khiến con người dễ bị tổn thương hơn trước ô nhiễm không khí.
Tại Trung tâm Ung thư Perlmutter của Đại học New York, tiến sĩ Elaine Shum sàng lọc ngẫu nhiên miễn phí 1.000 phụ nữ châu Á để thu thập bằng chứng có khả năng thay đổi hướng dẫn sàng lọc nhằm phát hiện sớm ung thư phổi.
"Chúng tôi chắc chắn cần nghiên cứu lớn hơn nhiều để các nhóm dân cư khác có thể được các công ty bảo hiểm cung cấp dịch vụ chụp CT liều thấp", tiến sĩ Shum khẳng định.
Khả năng thay đổi các hướng dẫn để phát hiện sớm hơn sẽ không ảnh hưởng đến kết quả của Ni và chồng cô, David.
David nói: "Giống bất kỳ bệnh ung thư nào, nó ảnh hưởng đến cả gia đình. Nhưng nó có thể mang lại hy vọng giúp những gia đình khác thoát khỏi nỗi đau tương tự trong tương lai".
Mai Phương