Đến cuối năm, số người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt 1.152 ngàn người, trong đó BHXH đạt 105.181 người (bao gồm 67.095 người tham gia BHXH bắt buộc và 38.732 người tham gia BHXH tự nguyện). Ðặc biệt, BHXH tự nguyện của tỉnh Cà Mau đã phát triển mạnh mẽ, đứng trong top đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 2024, với nỗ lực không ngừng trong công tác thu, chi, cũng như triển khai các chính sách BHXH, BHYT, BHTN, ngành BHXH tỉnh Cà Mau đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Tổng số tiền thu được từ BHXH hơn 2.902 tỷ đồng, vượt 116,05% kế hoạch, tăng hơn 600 tỷ đồng so với năm 2023. Ðặc biệt, tổng số chi trả cho các chế độ BHXH, BHYT, BHTN đã vượt 3 ngàn tỷ đồng, bao gồm lương hưu hằng tháng cho 10.300 người, chi các chế độ trợ cấp ngắn hạn cho 66.408 lượt người, hưởng BHXH một lần 19.547 người, trợ cấp thất nghiệp 40.779 lượt người...
BHXH Cà Mau đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ cho người tham gia chính sách an sinh. Ảnh: TRẦM NGHĨ
Chia sẻ về kết quả này, ông Trịnh Trung Kiên, Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết, ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng tập thể, cá nhân trong ngành. Việc giao nhiệm vụ được thực hiện với tiêu chí "rõ người, rõ việc, rõ kết quả", nhằm nâng cao hiệu quả công việc và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành.
Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công của BHXH tỉnh trong năm qua là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT. Gần 400 điểm thu trên toàn tỉnh, với 1.148 nhân viên thu, cùng 1.033 cộng tác viên, ngành BHXH đã xây dựng mạng lưới hỗ trợ, tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT tới từng khóm, ấp. Nhờ vậy, người dân dễ dàng tiếp cận và tham gia vào các chương trình bảo hiểm an sinh, đồng thời giải quyết các thủ tục liên quan như thay đổi thông tin sổ thẻ, nhận sổ, thẻ trực tiếp tại địa phương.
Nhân viên của tổ chức dịch vụ thu tuyên truyền chính sách an sinh trực tiếp tại nhà người dân. Ảnh: T.NGHĨ
Ngoài công tác thu, BHXH tỉnh Cà Mau chú trọng đến công tác chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin. Trong năm qua, toàn bộ dịch vụ công của BHXH tỉnh đã được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4, giúp người dân và doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tham gia và thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT. Dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT đã được đồng bộ với dữ liệu dân cư, đạt 98,8%; giao dịch điện tử giữa cơ quan BHXH với các cơ quan, doanh nghiệp đã đạt tới 99,9%. Ðặc biệt, tỷ lệ chi trả không dùng tiền mặt đạt mức cao, với 73% chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH, 100% chi trả BHTN và các chế độ ốm đau, thai sản.
Bước sang năm 2025, ngành BHXH tỉnh tiếp tục đề ra các mục tiêu mới, đặc biệt là trong công tác truyền thông về các điểm mới trong Luật BHXH, BHYT sửa đổi, bổ sung. Ông Trịnh Trung Kiên cho biết, ngành BHXH sẽ tập trung vào việc chuẩn bị tài liệu, tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, viên chức trong ngành và các tổ chức dịch vụ thu để nâng cao nhận thức và khả năng tuyên truyền của đội ngũ nhân viên thu. Ðồng thời, tiếp tục đổi mới phương pháp truyền thông, phối hợp với các cơ quan báo, đài để đưa thông tin về các chính sách BHXH, BHYT tới người dân một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Mục tiêu của BHXH tỉnh trong năm 2025 là duy trì tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% trở lên, đồng thời nâng tỷ lệ người tham gia BHXH bắt buộc lên 98% và BHXH tự nguyện lên 8,5%. Ngành phấn đấu duy trì tỷ lệ chi trả không dùng tiền mặt ở mức cao và tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các giao dịch điện tử và chuyển đổi số.
Với những kết quả đã đạt được trong năm 2024 và những kế hoạch cụ thể cho năm 2025, ngành BHXH tỉnh Cà Mau đang đi đúng hướng trong công tác cải cách, đổi mới và nâng cao chất lượng phục vụ, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu và quyền lợi của người dân. Năm 2025 sẽ là một năm đầy thách thức, nhưng với những giải pháp rõ ràng và sự quyết tâm của ngành BHXH, người dân và doanh nghiệp sẽ tiếp tục được thụ hưởng các chính sách bảo hiểm một cách đầy đủ và hiệu quả hơn.
Hồng Phượng