Nhà ở xã hội vẫn chưa đủ để đáp ứng
Trong năm 2024, theo Hiệp Hội bất động sản Tp.HCM (HoREA), thị trường bất động sản tại khu vực phía Nam có nhiều chuyển biến tích cực, khi các phân khúc về nhà ở thương mại có thanh khoản thị trường và tăng trưởng thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, ở phân khúc nhà ở xã hội (NOXH) lại đang "tắc", khi trong năm 2024 tại khu vực Tp.HCM có duy nhất một dự án nhà ở xã hội được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp nhận nhà đầu tư là Dự án nhà ở xã hội Lê Thành - Tân Kiên tại huyện Bình Chánh.
Đây là một trong những dự án được chủ đầu tư này làm thủ tục pháp lý từ 2018 và liên tục trình lãnh đạo Tp.HCM xem xét các thủ tục để dự án được tiến hành xây dựng.
Một khu nhà ở xã hội tại Tp.HCM được doanh nghiệp tư nhân xây dựng và phát triển.
Một dự án khác, được kỳ vọng sẽ ra mắt vào năm 2024, là Dự án Nhà lưu trú công nhân Khu Chế xuất Linh Trung 2 (giai đoạn 2), do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Sản xuất Dịch vụ Du lịch Thiên Phát làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành thủ tục cần thiết để có thể khởi công giai đoạn 2.
Theo thông tin từ HoREA, mặc dù một số dự án nhà ở xã hội (NOXH) đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng trong năm 2024 không có dự án NOXH nào được cấp giấy phép xây dựng. Điều này dẫn đến hệ quả là sẽ không có dự án nhà ở mới nào được bổ sung vào thị trường bất động sản, và không có dự án NOXH mới nào đủ điều kiện triển khai vào đầu năm 2025.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều dự án nhà ở xã hội (NOXH) không thể triển khai và không có nhiều dự án mới là do vấn đề pháp lý "ách tắc".
Đặc biệt, là trong công tác "chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư".
Tuy nhiên, theo ông Châu, việc sửa đổi Điều 68 Khoản 5 của Nghị định 115/2024/NĐ-CP, cũng như sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP về yêu cầu thẩm định sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch phân khu, sẽ giúp giải quyết vấn đề này.
Đồng thời, việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi các Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP, Luật Đấu thầu tại kỳ họp thứ 8, sửa đổi điểm a Khoản 3 Điều 33 Luật Đầu tư, sẽ đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất, giúp tháo gỡ "ách tắc" pháp lý hiện nay.
Mong muốn thoát cảnh ở trọ là mơ ước của nhiều người. Nếu nhà ở xã hội được phát triển mạnh, cơ hội sở hữu nhà ở của người dân sẽ tăng cao.
Thông tin với Người Đưa Tin, ông Võ Thành Đạt, Tổng giám đốc Công ty CP Trần Anh Tây Sài Gòn nhận định: "Hiện tại, thị trường nhà ở tại Tp.HCM đang thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội (NOXH). Mặc dù, Chính phủ và các Bộ, ngành đã rất quan tâm đến việc phát triển NOXH, Điển hình là đề án 1 triệu NOXH được đưa ra cho các tỉnh thành, nhưng tiến độ xây dựng các dự án vẫn rất chậm do vướng mắc trong thủ tục pháp lý.
Vì vậy, các dự án NOXH chưa thể đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, nếu nỗ lực và đi đúng hướng, NOXH sẽ trở thành một phân khúc bất động sản quan trọng, đáp ứng nhu cầu ở thực của người có thu nhập thấp trong tương lai".
Kỳ vọng vào thời kỳ "thay sắc" trong năm 2025
HoREA cho biết, theo báo cáo của Sở Xây dựng Tp.HCM, hiện tại, Thành phố chỉ có 6 dự án nhà ở xã hội (NOXH) với 4.754 căn hộ đang được thi công cầm chừng, và 2 dự án với 1.512 căn hộ đã hoàn thành nhưng chưa được nghiệm thu.
Tổng hợp kết quả phát triển NOXH tại Tp.HCM từ năm 2021 đến nay, Sở Xây dựng Tp.HCM có 10 dự án, trong đó 6 dự án đã hoàn thành và 4 dự án đang thi công, tổng số căn hộ gần 6.000 căn, đạt 8,6% so với kế hoạch phát triển 69.700 căn hộ NOXH cho giai đoạn 2021-2030. Kết quả này khá khiêm tốn và đặt ra nhiều thách thức để thành phố hoàn thành chỉ tiêu phát triển NOXH.
Ngoài Tp.HCM, theo ghi nhận của Người Đưa Tin, tại tỉnh Bình Dương hiện không có dự án NOXH mới, chủ yếu là các dự án đã được chấp thuận và đang thi công.
Tại tỉnh Đồng Nai, các dự án NOXH cũng đang được phát triển, như dự án tại phường Long Bình Tân, Tp.Biên Hòa và dự án NOXH công nhân tại huyện Nhơn Trạch.
Một dự án nhà ở xã hội.
Chia sẻ với PV, bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Kim Oanh cho rằng: "Theo lời kêu gọi của Chính phủ, việc các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội (NOXH) và nhà ở công nhân là hành động mang tính nhân văn và có ý nghĩa lớn, đóng góp cho xã hội, chứ không chỉ vì lợi nhuận".
Bà Oanh cũng nhấn mạnh rằng, phát triển NOXH và nhà ở công nhân không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn hỗ trợ các gia đình khó khăn, đặc biệt là gia đình trẻ, những người mới lập gia đình và công nhân lao động ở các khu công nghiệp và thành phố lớn.
Do đó, bà cho rằng doanh nghiệp cần nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ Nhà nước để tham gia vào lĩnh vực này một cách thuận lợi.
"Hiện nay, các doanh nghiệp như Kim Oanh Group rất mong muốn Nhà nước hỗ trợ tối đa, đặc biệt là trong việc cung cấp quỹ đất sạch và giảm bớt thủ tục đầu tư dự án NOXH so với các dự án nhà ở thương mại, nhằm rút ngắn thời gian và giảm chi phí đầu tư, từ đó giúp hạ giá thành sản phẩm", bà Oanh cho biết thêm.
Theo bà Oanh, trong năm 2025, khi đất nước chuyển mình trong thời đại mới, bà kỳ vọng việc xây dựng và phát triển NOXH sẽ thuận lợi hơn, với các cơ chế hỗ trợ nhanh chóng, giúp giảm thiểu phiền hà và thời gian đi lại, đồng thời hỗ trợ các gói vay ưu đãi cho cả người mua và doanh nghiệp phát triển dự án.
Khu đất được dành để phát triển nhà ở xã hội tại tỉnh Bình Dương.
Trong khi đó, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Phú Đông nhận định: "Về vấn đề phát triển NOXH, nếu các doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ thêm về cơ chế và pháp lý, rút ngắn các thủ tục hành chính, thì trong thời gian tới sẽ mở ra nhiều cơ hội cho cả doanh nghiệp lẫn người dân có thu nhập thấp và trung bình".
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, hiện nay vẫn tồn tại nhiều bất cập trong việc phát triển NOXH mà các doanh nghiệp phải đối mặt. Tuy nhiên, ông kỳ vọng rằng trong năm 2025, với những bước tiến mới, các quy định pháp lý về phát triển NOXH sẽ được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi hơn.
Năm 2025 sẽ chứng kiến sự xuất hiện của nhiều dự án NOXH hoàn thiện về pháp lý, bắt đầu được triển khai xây dựng, góp phần bổ sung nguồn cung cho thị trường và đáp ứng nhu cầu nhà ở thực tế của người dân tại Tp.HCM và các tỉnh lân cận.