Tín hiệu vui từ xuất khẩu nông sản
Những ngày đầu tháng 10-2024, lô hàng gồm các sản phẩm nông sản của Tuyên Quang lần đầu tiên làm lễ xuất sang thị trường Anh. Đây là thị trường khó tính với những quy định khắt khe về kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Các sản phẩm của tỉnh đã nhận được phản hồi tốt về phía khách hàng châu Âu. 7 mặt hàng được lựa chọn xuất sang thị trường này gồm: Trà ổi, hoa đu đủ đực ngâm mật ong, chuối sấy dẻo, trà đậu đen xanh lòng, siro chanh, siro tắc và bưởi Soi Hà.
Người dân xã Tân Trào (Sơn Dương) tham gia làm du lịch cộng đồng.
Tuy tổng giá trị hàng hóa chưa cao nhưng có thể nói đây là kết quả bước đầu để đưa sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh vươn xa ra nước ngoài, sản phẩm được giữ nguyên tên cơ sở, địa chỉ nơi sản xuất có ý nghĩa rất to lớn để quảng bá sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP Tuyên Quang trong nước và trên thế giới; khuyến khích động viên các chủ thể cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, sản lượng sản phẩm.
Đó là một thành công lớn của ngành nông nghiệp Tuyên Quang về hoạt động sản xuất chế biến sâu sản phẩm nông sản, đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu; nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản giúp tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm; sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn, quy chuẩn để đáp ứng theo yêu cầu của thị trường châu Âu.
Có được điều này là nhờ ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện việc quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực từ rất sớm. Đồng thời, áp dụng quy trình sản xuất sạch vào đời sống. Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, hết năm 2024, toàn tỉnh đã có 3.630 ha cây trồng được chứng nhận theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, Rainforest; thực hiện cấp 14 mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu đi các thị trường: EU, Trung Quốc và 15 mã số vùng trồng nội tiêu với diện tích 250 ha/480 hộ tham gia.
Các mô hình sản xuất giống lúa mới chất lượng cao được thực hiện, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Năm 2024 cũng là năm ghi nhận những cái “đầu tiên” với ngành nông nghiệp, khi lần đầu tiên, rừng trồng của Tuyên Quang chính thức được Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cấp mã số vùng trồng rừng nguyên liệu. Đây là bước đi rất lớn không chỉ nâng cao giá trị rừng trồng, phục vụ xuất khẩu mà còn góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Tuyên Quang trở thành trung tâm chế biến rừng trồng của cả nước. Năm 2024, Tuyên Quang tiếp tục có 2 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia là Ván sàn Woodsland và đồ gỗ nội, ngoại thất Woodsland của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Trước đó, sản phẩm giấy và bột giấy An Hòa của Công ty cổ phần Giấy An Hòa đã được công nhận danh hiệu này.
Kinh tế lâm nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững với trên 83.231 lượt ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC (cao nhất cả nước).
Những vùng quê đáng sống
Tân Trào là xã thứ 3 của huyện Sơn Dương, sau Sơn Nam, Ninh Lai hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao vào cuối năm 2024. Sau một thời gian “cầm tay chỉ việc”, người dân Tân Trào tự hào: Khi cùng góp sức mình vào công cuộc xây dựng Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào trở thành Khu du lịch quốc gia; trung tâm giáo dục truyền thống cách mạng của cả nước. Bà con góp sức đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh đường làng ngõ xóm, sắp xếp nhà cửa... làm Homestay. Xã thành lập câu lạc bộ văn nghệ, thành lập các tổ phục vụ khách du lịch trải nghiệm các sản phẩm du lịch như đi mảng, nghe hát Then đàn Tính trên hồ Nà Nưa, trekking núi Hồng...
Năm 2024, toàn tỉnh có 85/121 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 70,25% tổng số xã), 23 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 7 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Với nỗ lực xây dựng những vùng quê đáng sống, các địa phương tập trung xây dựng nông thôn mới “chậm mà chắc”, các tiêu chí đảm bảo chất lượng và trên hết, được người dân hết sức, hết lòng ủng hộ.
Người dân xã nông thôn mới nâng cao Hoàng Khai (Yên Sơn) giữ nghề thêu truyền thống.
Cùng với đó, việc hỗ trợ các hợp tác xã, chủ thể xây dựng các sản phẩm OCOP trên địa bàn “khỏe”, lớn mạnh và tự chủ thông qua chính sách đầu tư, kích cầu phù hợp của tỉnh được đặc biệt quan tâm. Theo thống kê, toàn tỉnh có 448 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong số này, 123 chủ thể là hợp tác xã có sản phẩm OCOP với 165 sản phẩm được xếp hạng từ 3 sao trở lên (trong tổng số 221 sản phẩm, chiếm tỷ lệ 74,6%); có 57 hợp tác xã áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ 13; 77 hợp tác xã có đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ cho 82 sản phẩm. Các địa phương cũng xây dựng 118 liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, thực hiện liên kết các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực có giao dịch hàng hóa được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết ước đạt 27%.
Các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp từng bước được củng cố đổi mới theo cơ chế thị trường, đẩy mạnh hoạt động sản xuất chế biến sâu sản phẩm nông sản, đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu. Chị Phạm Thị Hồng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát (Chiêm Hóa) chia sẻ: Những chính sách trợ lực và sự định hướng từ tỉnh, từ huyện là động lực để Hợp tác xã tiếp tục nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm, yên tâm đầu tư phát triển nông nghiệp tốt - hướng đi mà Hợp tác xã đã chọn. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục vận động, hướng dẫn các hộ dân liên kết trồng và chăm sóc cây đậu đen theo quy định. Nhằm tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Về đích thành công
Kết thúc năm 2024, ngành nông nghiệp đã vượt chỉ tiêu được giao, tạo nên những con số đầy ấn tượng: Giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh tăng 4,85% so với năm 2023; cơ cấu GRDP nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 24,1% cơ cấu GRDP của tỉnh. Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch như sản lượng mía vượt 21%; sản lượng sữa tươi vượt 19%; diện tích trồng rừng vượt 10,5%; sản lượng chè vượt 1,8%; sản lượng thịt hơi tăng 6%...
Đồ gỗ nội, ngoại thất Woodsland của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang được công nhận đạt thương hiệu quốc gia.
Ngành tập trung huy động mọi nguồn lực, sự hỗ trợ của các ban, bộ, ngành trung ương và các đơn vị liên quan cùng với sự quyết tâm, quyết liệt, nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đã thực hiện vượt mục tiêu xây dựng nông thôn mới (tăng thêm 1 huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới so với mục tiêu Nghị quyết).
Những bước chuyển về chất trong sản xuất nông nghiệp năm 2024 đã khẳng định vị trí trụ đỡ của ngành với các ngành kinh tế khác.
Năm 2025 là năm về đích thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Ngành nông nghiệp phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 11.855,4 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2021-2025 đạt 5,06%/năm. Phấn đấu đến hết năm 2025 toàn tỉnh có 94 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó: Duy trì, giữ vững 85 xã đạt chuẩn nông thôn mới đến hết năm 2024 và phấn đấu có thêm 9 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới.
Bài, ảnh: Trần Liên