Ngân hàng số Cake by VPBank với chỉ hơn 100 nhân viên nhưng đã huy động được trên 11.000 tỷ đồng, giải ngân cho vay hàng tháng hơn 1.000 tỷ. Ảnh: Nam Khánh.
Đây là thông tin được ông Bùi Hải Quân, Phó chủ tịch HĐQT VPBank chia sẻ tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2025 của ngân hàng vừa qua.
Cụ thể, trả lời câu hỏi của cổ đông về định hướng phát triển ngân hàng số cũng như kế hoạch huy động vốn, cho vay thông qua kênh giao dịch này, Phó chủ tịch VPBank khẳng định ngân hàng có kế hoạch kể trên.
Theo đó, ông Quân cho biết ngân hàng số Cake by VPBank là sản phẩm hợp tác giữa VPBank và Be Group. Hiện tại, đây là một platform cung cấp các sản phẩm ngân hàng 100% trên nền tảng số.
"Ngân hàng này không có chi nhánh, chỉ khoảng hơn 100 nhân viên, hiện đã huy động được gần 11.000 tỷ đồng, giải ngân cho vay hàng tháng hơn 1.000 tỷ và phục vụ khoảng 5 triệu khách hàng", ông Quân chia sẻ và nhấn mạnh ngân hàng số này đang dẫn đầu xu thế về công nghệ, cũng như ứng dụng AI trong hoạt động ngân hàng.
Lãnh đạo VPBank cũng cho biết khi mới phát triển ngân hàng số này, VPBank coi Cake như một sandbox để thử nghiệm các mô hình kinh doanh số hóa, nhưng càng ngày ngân hàng số càng chứng minh được định hướng đúng đắn của ban lãnh đạo trong việc tập trung vào xây dựng hệ sinh thái số và chủ động trong việc phát triển kinh doanh, cũng như các sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng nhỏ lẻ.
"Định hướng khách hàng của Cake là những người chưa thực sự được phục vụ tốt tại các ngân hàng TMCP truyền thống", ông Quân nói và cho biết sau thành công của ngân hàng số này, VPBank sẽ đẩy mạnh phát triển công nghệ, tiếp tục số hóa, ứng dụng AI và sẽ áp dụng ngược những thành công của Cake cho ngân hàng mẹ VPBank.
Hiện nay, thị trường Việt Nam có khoảng 7 ngân hàng số đang hoạt động. Theo quy định, mỗi ngân hàng số phải được thành lập bởi một ngân hàng truyền thống.
Đây cũng là quy định mà nhiều thị trường tài chính quy định với nền tảng ngân hàng 100% số hóa như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc).
Hồi đầu năm, tờ The Business Times cho biết Cake by VPBank là ngân hàng số đầu tiên tại Việt Nam công bố có lãi trong năm 2024, tính theo lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA).
Nguồn thu chính của ngân hàng số này đến từ các dịch vụ như mở thẻ tín dụng, ứng tiền nhanh, đầu tư nhỏ lẻ, tiết kiệm và "mua trước, trả sau".
Ngoài ra, ngân hàng này còn cung cấp các khoản vay nhanh với hạn mức tối đa 50 triệu đồng trong 36 tháng.
Cũng tại phiên họp vừa qua, cổ đông VPBank đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 của ngân hàng với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 25.270 tỷ đồng, tăng 26% so với năm liền trước. Đây cũng là mục tiêu lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của ngân hàng.
Trong đó, riêng lợi nhuận ngân hàng mẹ là 22.219 tỷ (+22%), phần còn lại sẽ đến từ nhóm công ty con gồm tài chính tiêu dùng (FE Credit), chứng khoán (VPBankS) và bảo hiểm (OPES). Đáng chú ý, năm nay, FE Credit đặt mục tiêu thu về 1.126 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với mục tiêu kinh doanh kể trên, VPBank cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 25%, tổng dư nợ đến cuối năm theo đó dự kiến đạt 887.724 tỷ đồng. Ở chiều huy động, số dư huy động vốn từ khách hàng và phát hành giấy tờ có giá dự kiến đạt 742.311 tỷ đồng vào cuối năm, tăng 34%.
Với kế hoạch tăng trưởng tài sản kể trên, VPBank dự kiến nâng tổng tài sản hợp nhất năm nay lên hơn 1,13 triệu tỷ đồng, tăng 23% so với năm liền trước.
Thực tế, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, cho biết tính đến cuối tháng 3 vừa qua, tổng tài sản của ngân hàng đã vượt mốc 994.000 tỷ đồng và dự kiến trong tháng 4 hoặc chậm nhất là tháng 5, tổng tài sản VPBank sẽ chính thức vượt mốc 1 triệu tỷ đồng.
Quang Thắng