Vụ diễn viên Vương Tinh của Trung Quốc bị bắt cóc ở Thái Lan đã khiến rất nhiều người quan tâm đến những sự việc lừa đảo bắt cóc tương tự.
Theo trang 8days của Singapore, một người đàn ông Malaysia, 38 tuổi, gần đây đã được đường dây lừa đảo thả ra sau khi anh ta bị lừa bắt.
Người đàn ông này (giấu tên) là bố đơn thân, đã bị một “người bạn” lừa đi du lịch Cambodia vào cuối năm 2024. “Người bạn” nói, anh có thể sang đó làm công việc tài xế riêng, rồi còn hứa hẹn là anh sẽ được trả lương tới 5.000 đôla Mỹ/ tháng (127 triệu đồng).
Nhưng khi sang đến Cambodia, người đàn ông này không được đi làm tài xế mà bị đưa tới một khu phức hợp của đường dây lừa đảo. Tuy nhiên, nhóm lừa đảo có vẻ thất vọng khi nhận ra rằng người này không biết sử dụng máy tính, khả năng giao tiếp tiếng Anh thì cực kỳ kém.
Cảnh sát (mặc áo khoác) và những nạn nhân được đường dây lừa đảo thả ra. Ảnh: Moretify, Sinchew, Chinapress/ 8days.
Vì vậy, người đàn ông này bị (hoặc “được”) coi là không phù hợp để trở thành thành viên của tổ chức lừa đảo. Anh ấy bị mặc kệ cho đi lang thang quanh khu vực và được cho thực phẩm cơ bản để ăn. Người này đã bị giảm đến 20 kg trong thời gian bị giam cầm như thế (nhưng không rõ bị giữ trong bao nhiêu lâu).
Một cách may mắn, người này có lần liên lạc được với một người bạn ở Johor Bahru (Johor, Malaysia). Người bạn đó thông báo cho mẹ của nạn nhân và người mẹ báo với Tổ chức Nhân đạo Quốc tế Malaysia (MHO). Tổ chức này lại báo với các nhà chức trách ở Cambodia.
Theo lời kể của người đàn ông, những kẻ bắt cóc anh sau đó đã đọc được những thông báo mất tích của cơ quan chức năng ở Cambodia. Bọn họ mắng chửi anh dữ dội rồi trả lại anh hộ chiếu và cho anh rời đi cùng 2 người Malaysia khác.
3 người Malaysia được trở về nhà sau khi bị lừa đi làm việc cho một đường dây lừa đảo ở Cambodia. Ảnh: Moretify, Sinchew, Chinapress/ 8days.
Các cơ quan chức năng ở các nước châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, đang theo dõi chặt chẽ những vụ việc lừa đảo thế này.
Thục Hân