Cuối tháng 2.2025, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và Bệnh viện 71 Trung ương tiếp nhận hàng loạt bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc sau khi sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc được bốc từ một thầy lang ở huyện Lang Chánh.
Khoa Hồi sức tích cực 1 - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc do sử dụng thuốc nam
Trường hợp nghiêm trọng nhất là bà Chu Thị Minh, 70 tuổi, trú tại phường Quảng Vinh (TP Sầm Sơn).
Sau khi uống thuốc vài tiếng theo hướng dẫn của thầy lang, bà xuất hiện các triệu chứng tím tái, khó thở và đã tử vong.
Cơ quan chức năng đã tiến hành khám nghiệm tử thi và lấy mẫu thuốc để xét nghiệm nhằm xác định nguyên nhân cụ thể.
Nhiều người khác cũng gặp biến chứng nặng
Cùng đi với bà Minh, ông Trần Văn Sinh (52 tuổi) nhập viện trong tình trạng nôn mửa, đau thượng vị, khó thở.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã phải đặt ống nội khí quản và cho thở máy. Sau một ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã có tiến triển và được rút ống thở.
Ông Sinh trước đó được Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa chẩn đoán mắc ung thư phổi, nhưng từ chối điều trị bằng y học hiện đại để chuyển sang dùng thuốc nam theo lời khuyên của người quen.
“Tôi mua thuốc gồm lá và rễ cây, thầy lang dặn uống thay nước hằng ngày. Uống xong vài tiếng, tôi bắt đầu đau bụng, buồn nôn và khó thở”, ông Sinh kể lại.
Tương tự, bà Lê Thị Tiến (49 tuổi) bị đau nhức xương khớp lâu năm cũng quyết định mua thuốc nam về uống mà không qua thăm khám y tế. Sau khi sử dụng, bà xuất hiện triệu chứng hoa mắt, chóng mặt và được chẩn đoán ngộ độc thứ cấp.
Một người khác là anh Trần Văn Thắng (28 tuổi), vốn khỏe mạnh, chỉ uống thuốc “cho mát” nhưng cũng phải nhập viện theo dõi do nghi ngờ ngộ độc nhẹ.
Chuyên gia cảnh báo hiểm họa từ thuốc nam không rõ nguồn gốc
Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Khánh Toàn, Khoa Hồi sức tích cực 1 - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị thường xuyên tiếp nhận các ca ngộ độc do thuốc nam tự bốc hoặc truyền miệng.
“Nhiều bệnh nhân vì sợ phẫu thuật, vì nghe lời mách bảo, hoặc theo đuổi tâm linh mà từ chối điều trị hiện đại. Có trường hợp vào viện trong tình trạng suy gan, suy thận, phải lọc máu hoặc chạy thận để duy trì sự sống”, bác sĩ Toàn nói.
Ông nhấn mạnh, thuốc nam dù có nguồn gốc từ tự nhiên, nhưng không đồng nghĩa với việc an toàn.
Việc phối hợp các loại lá, rễ không đúng cách hoặc sử dụng liều lượng không kiểm soát có thể gây độc cho gan, thận, thậm chí gây tử vong.
Lương y Hoàng Văn Hùng, Chủ tịch Hội Đông y TP Thanh Hóa cũng bày tỏ lo ngại trước tình trạng lạm dụng thuốc nam không kiểm soát: “Khác với thuốc Đông y đã qua sao chế để loại bỏ độc tính, thuốc nam chủ yếu do người dân tự hái về, chưa qua kiểm định, dẫn đến nguy cơ tồn dư độc chất cao”.
Cần thận trọng và có chỉ định y khoa rõ ràng
Các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên tin vào những bài thuốc đồn thổi, truyền miệng mà đánh đổi sức khỏe, tính mạng. Khi có bệnh, cần đến các cơ sở y tế thăm khám, điều trị đúng chuyên môn.
Trong trường hợp mong muốn kết hợp điều trị bằng y học cổ truyền, người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa như Bệnh viện Y dược cổ truyền Thanh Hóa hoặc các đơn vị trực thuộc Hội Đông y để được chẩn đoán và kê đơn an toàn.
“Sự phối hợp giữa y học hiện đại và cổ truyền là xu hướng điều trị đang được khuyến khích. Nhưng mọi phương pháp đều cần được giám sát, kiểm nghiệm chặt chẽ, tránh những hậu quả đáng tiếc như vừa qua,” bác sĩ Đỗ Khánh Toàn nhấn mạnh.
NGUYỄN LINH