Một phụ nữ ngộ độc thuốc tê khi tiêm filler nâng mũi

Một phụ nữ ngộ độc thuốc tê khi tiêm filler nâng mũi
2 giờ trướcBài gốc
Ngộ độc thuốc tê khi làm đẹp
Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn thấy huyết áp tụt thấp, độ bão hòa oxy máu không đảm bảo. Ngay lập tức bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi phản vệ độ III với Lidocain và được xử trí đồng thời theo cả hai phác đồ phản vệ và ngộ độc với thuốc tê, sử dụng vận mạch adrenalin và nhũ tương lipid 20% cùng các biện pháp hồi sức cấp cứu khác.
Nữ bệnh nhân cấp cứu ngộ độc thuốc tê khi tiêm filler nâng mũi (Ảnh BVCC).
Sau khi tạm ổn định, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc, Trung tâm Hồi sức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân tiến triển nặng tổn thương đa cơ quan (hô hấp, cơ tim, gan, rối loạn đông máu), phải kết hợp nhiều thuốc vận mạch với liều cao tăng dần, nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân đã được hồi sức tích cực, thông khí nhân tạo xâm nhập, siêu lọc máu liên tục kết hợp với thuốc vận mạch và nhũ tương lipid 20%.
Sau 3 ngày điều trị, tình trạng bệnh cải thiện tốt, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản, chuyển sang thở oxy gọng kính; liều thuốc vận mạch giảm dần và đã cắt hoàn toàn thuốc vận mạch sau 5 ngày. Bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, các cơ quan tổn thương đã hồi phục.
BSCKI Nguyễn Tiến Sơn, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: "Trường hợp kể trên, bệnh nhân may mắn được cấp cứu đúng cách, kịp thời và tích cực nên tránh được những hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, người dân khi có nhu cầu làm đẹp nên lựa chọn các cơ sở thẩm mỹ uy tín được cấp phép của Bộ y tế và có đội ngũ bác sĩ chuyên ngành gây mê-hồi sức nhiều kinh nghiệm và cần phải tự trang bị cho bản thân các kiến thức cơ bản về các dấu hiệu của phản vệ với thuốc tê".
Đây không phải trường hợp ngộ độc thuốc tê khi làm đẹp hiếm gặp. Vào đầu tháng 6, Bệnh viện 115 (TP.HCM) cũng cấp cứu cho 1 bệnh nhân bị sốc phản vệ do thuốc tê khi phẫu thuật nâng mũi, tuy nhiên, do đến muộn nên bệnh nhân tử vong. Được biết, trước đó bệnh nhân đến một thẩm mỹ viện ở quận 1, TP.HCM thực hiện phẫu thuật nâng mũi. Ngay sau khi được gây tê ở vành tai (khoảng 5-7 phút), người bệnh xuất hiện triệu chứng tê quanh miệng, đắng miệng, nhìn mờ, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt.
Dấu hiệu nhận biết ngộ độc thuốc tê
Theo chuyên gia Gây mê hồi sức, gây tê được tiến hành ở nhiều chuyên khoa với những vị trí khác nhau, nguy cơ ngộ độc thuốc tê có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí và loại thuốc tê nào. Nguy cơ ngộ độc thuốc tê cao ở những người bệnh già yếu, trẻ em, người có protein máu thấp, gây tê ở vị trí giàu mạch máu như đầu mặt cổ, khoang miệng, mũi họng và tầng sinh môn…
Để giảm thiểu rủi ro và sẵn sàng cấp cứu khi xảy ra ngộ độc thuốc tê, bác sĩ khuyến cáo khi sử dụng cần cân nhắc, dùng lượng thuốc tê nhỏ nhất để đạt mức tê và thời gian tê mong muốn. Lưu ý nồng độ thuốc tê trong máu bị ảnh hưởng bởi vị trí tiêm và liều sử dụng. Đặc biệt chú ý theo dõi bệnh nhân liên tục bằng monitor trong và sau khi tê ít nhất 30 phút. Khi tiêm cần tiêm chậm, quan sát và hỏi để phát hiện những dấu hiệu ngộ độc thuốc tê.
Theo BS Sơn, một số thuốc gây tê là những hoạt chất ưa mỡ, có động tính cao khi vào cơ thể gây nên một tình trạng ngộ độc nặng giống như phản vệ có thể tử vong trong vài phút, cần phải điều trị cấp cứu. Vì vậy, người bệnh cần nắm rõ các dấu hiệu nhận biết sớm tình trạng phản vệ với thuốc tê để khi xảy ra có thể đến các cơ sở y tế gần nhất cấp cứu kịp thời. Một số triệu chứng gợi ý tình trạng phản vệ như: Mày đay, phù mạch nhanh; Khó thở, tức ngực, thở rít; Đau bụng hoặc nôn; Tụt huyết áp hoặc ngất; Rối loạn ý thức.
Vũ Vũ
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/mot-phu-nu-ngo-doc-thuoc-te-khi-tiem-filler-nang-mui-19224092015385153.htm