Một quyết sách mang tầm chiến lược của chiến lược

Một quyết sách mang tầm chiến lược của chiến lược
8 giờ trướcBài gốc
Tin tưởng
Trao đổi với phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM về kinh tế tư nhân, nội dung Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị, doanh nhân Đặng Văn Thành đã bày tỏ niềm phấn khởi. Ông cho biết cộng đồng doanh nhân nói chung và bản thân ông nói riêng rất ủng hộ Nghị quyết 68, nhất là trong bối cảnh hiện nay có gần 1 triệu doanh nghiệp hoạt động và kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá - là khu vực có đóng góp lớn nhất, chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP.
Theo ông Thành, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Đặc biệt, Nghị quyết 68 đã định hướng phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế tự chủ bền vững, khẳng định doanh nhân Việt Nam là "chiến sĩ trên mặt trận kinh tế" trong thời kỳ mới. Đây chính là nguồn động viên rất lớn cho đội ngũ doanh nhân.
Doanh nhân Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC
Trước đây, (khi chưa có Nghị quyết 68), đội ngũ doanh nhân cũng đã thực hiện sứ mệnh của mình. Như doanh nhân Đặng Văn Thành, hơn 20 năm qua đã có hàng trăm buổi đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm quản trị - điều hành ở khắp các tỉnh thành trên cả nước để truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nhân trẻ, những nhà khởi nghiệp, các nhà quản lý cấp cao... Nhưng khi có Nghị quyết 68, thì tinh thần dân tộc, trách nhiệm với đất nước của đội ngũ doanh nhân càng được khẳng định mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bản thân ông luôn đặt sứ mệnh của doanh nghiệp gắn liền với trách nhiệm quốc gia.
Đơn cử, như khi đầu tư vào lĩnh vực y tế hay giáo dục, nếu doanh nhân có tâm, có tầm thì không đơn thuần chỉ vì cơ hội kinh doanh mà phải nhận thấy trách nhiệm, làm sao để bệnh nhân không cần phải lên thành phố chữa bệnh, con cái không phải ra nước ngoài để học tập mà vẫn thụ hưởng được chất lượng y tế, giáo dục chất lượng cao ngay tại địa phương. Điều này không chỉ giúp giảm tải cho các đô thị trung tâm, mà còn góp phần hạn chế tình trạng "chảy máu ngoại tệ". Đó mới là cách doanh nghiệp đồng hành cùng đất nước một cách thiết thực và bền vững.
Ông cho rằng, sứ mệnh cao nhất của doanh nhân chính là đóng góp cho đất nước. Khi doanh nhân làm tốt, không chỉ tạo nên giá trị kinh tế mà còn xây dựng được thương hiệu cá nhân uy tín. Nhiều thương hiệu cá nhân uy tín sẽ góp phần tạo nên những thương hiệu sản phẩm chất lượng. Khi có nhiều sản phẩm chất lượng sẽ hình thành nên các doanh nghiệp thương hiệu mạnh. Và chính những doanh nghiệp mạnh mới là nền tảng để kiến tạo thương hiệu quốc gia hùng cường.
Đi vào cuộc sống
Trong những năm đầu thời kỳ đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân chỉ giữ vai trò thứ yếu. Nền kinh tế lúc ấy chủ yếu dựa vào khu vực Nhà nước và nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ông kể, khi còn làm trong ngành ngân hàng, từng có dịp làm việc với nhiều nhà đầu tư quốc tế - họ có tầm nhìn chiến lược rất tốt. Nhưng ông cũng thẳng thắn đặt vấn đề: "Chúng tôi không chỉ cần vốn, mà còn cần cả kinh nghiệm, kỹ thuật và tầm nhìn dài hạn để cùng phát triển.
Với một quốc gia đang phát triển và nền kinh tế mở cửa, việc tận dụng "đòn bẩy" từ FDI là điều cần thiết. Nhưng "đòn bẩy" chỉ là công cụ "đoản kỳ” (ngắn hạn). Khi doanh nghiệp đã "trưởng thành", "đòn bẩy" sẽ không còn tác dụng nữa. Sự phát triển bền vững của doanh nghiệp phải đến từ chính nội lực, chiến lược, năng lực quản trị - kiểm soát - điều hành, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ... cho đến ý chí, quyết tâm, trách nhiệm của doanh nhân. Chính vì vậy, Nghị quyết 68 như "chìa khóa" để mở đường cho doanh nghiệp trong nước hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Ông đánh giá rất cao 8 nhóm nhiệm vụ - giải pháp, đặc biệt có sự phân công rất rõ từ Trung ương đến địa phương để làm sao đưa nội dung văn kiện đi vào cuộc sống thực tiễn.
Kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng kinh tế
Về phương pháp, có nhiều điểm mới đột phá, gỡ bỏ rào cản để kinh tế tư nhân phát triển như người dân, doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm; rà soát, hoàn thiện chính sách thuế... Tuy nhiên, một điều mà ông rất tâm đắc, chính là 4 tiêu chí cốt lõi để đánh giá doanh nghiệp tư nhân theo chuẩn quốc tế: Mức độ tuân thủ pháp luật, giải quyết công ăn việc làm, đóng góp vào ngân sách Nhà nước và tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Đây chính là kim chỉ nam mà Tập đoàn TTC kiên định thực thi trong suốt quá trình hình thành, phát triển.
Cũng nói về nội dung Nghị quyết 68, ông Thành bày tỏ sự tin tưởng vào sự quyết tâm của Bộ Chính trị, đặc biệt là người đứng đầu. Bởi ngay trong nội dung Nghị quyết đã xác lập rõ cơ chế giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện. Thông qua giám sát, việc triển khai sẽ bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Khi có sự quyết liệt, quyết tâm, đồng thuận từ bộ máy chính trị đến cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp thì chắc chắn sẽ thành công.
Tạo động lực tăng trưởng kinh tế
Ông Đặng Văn Thành nhận định: "Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống là một quyết sách mang tầm chiến lược của chiến lược". Ông đánh giá cao tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp được thể hiện rõ trong nghị quyết này. Theo ông, khi tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển cũng chính là tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và gia tăng nguồn thu ngân sách. Nói cách khác là "nuôi dưỡng doanh nghiệp" để tạo nguồn thu bền vững. Ông ví von: "Giống như nuôi dưỡng một đứa trẻ khỏe mạnh, được học hành thì lớn lên sẽ trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Doanh nghiệp cũng vậy, khi được tạo điều kiện phát triển bằng cơ chế, chính sách hợp lý mới có thể đóng góp bền vững cho nền kinh tế".
Kinh tế thị trường chào đón tất cả mọi người nhưng không nhún nhường bất cứ ai. Nếu doanh nghiệp quản trị, điều hành, kiểm soát không tốt thì sẽ đi đến phá sản. Đó là quy luật đào thải, cạnh tranh hết sức bình thường!
Ở nội dung "Đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân", ông chia sẻ, trong lịch sử hình thành của thị trường tài chính, ví như con cua có 2 cái càng, đó là thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Thị trường tiền tệ được hình thành trước và bản chất là phục vụ vốn ngắn hạn, công cụ thanh toán. Cùng với quá trình phát triển nền kinh tế, nhu cầu vốn trung - dài hạn bắt đầu xuất hiện, khi đó một thị trường vốn minh bạch, đúng ý nghĩa cần phải ra đời.
Ông Thành khẳng định: Trong thị trường vốn, không có khái niệm "rút vốn" mà chỉ có khái niệm "đổi chủ”. Tức là trị giá của thị trường vốn do sức mạnh của chính doanh nghiệp quyết định. Do vậy, để có một thị trường vốn minh bạch và phát triển bền vững thì tự thân các doanh nghiệp phải minh bạch và phát triển. Phải hiểu nguồn vốn với hai dạng, một là chứng khoán nợ thì không thể thay chủ, còn hai là chứng khoán vốn thì có thể đổi chủ. Khi thị trường vận hành hiệu quả, sẽ tạo nền tảng tài chính vững chắc cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển dài hạn.
Từ góc nhìn của một doanh nhân với gần 5 thập kỷ chinh chiến trên thương trường, vị doanh nhân này cho rằng Nghị quyết 68 là một quyết sách tinh tế, thể hiện tầm nhìn chiến lược khi được ban hành vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, khi kinh tế toàn cầu không ngừng biến động và yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.
Mới đây, theo định hướng của Chính phủ phát triển một trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, hoạt động ở 2 thành phố là Đà Nẵng và TPHCM. Trong đó, TPHCM đóng vai trò là trung tâm tài chính truyền thống với hệ thống ngân hàng, chứng khoán, đầu tư phát triển mạnh mẽ, còn Đà Nẵng có lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng hiện đại, nhân lực chất lượng cao và khả năng kết nối vùng tốt. Thị trường vốn và thị trường tiền tệ - ngân hàng là những cấu phần quan trọng mang tính nền tảng để tạo lập phát triển các trung tâm tài chính. Điều này sẽ là động lực để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.
Với 46 năm hình thành và phát triển, TTC là Tập đoàn đầu tư đa ngành hoạt động trong 6 lĩnh vực chính: nông nghiệp, năng lượng, bất động sản, bất động sản công nghiệp, du lịch, giáo dục cùng nhiều ngành nghề khác như: thương mại, logistics, xây dựng, kết cấu thép, y tế... hoạt động trên cả nước và Lào, Campuchia, Singapore, Úc. Với tiêu chí phát triển bền vững, cam kết "Vì cộng đồng, phát triển địa phương", áp dụng những chuẩn mực ESG (môi trường, xã hội, quản trị), TTC phát triển kinh tế, đồng hành cùng địa phương mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng và xã hội, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Phùng Bắc
Nguồn CA TP.HCM : http://congan.com.vn/doi-song/mot-quyet-sach-mang-tam-chien-luoc-cua-chien-luoc_178329.html