Một số bệnh có nguy cơ bùng phát vào mùa Xuân

Một số bệnh có nguy cơ bùng phát vào mùa Xuân
3 giờ trướcBài gốc
(Ảnh: Getty images)
Cuối mùa Đông và đầu mùa Xuân là giai đoạn gia tăng nguy cơ bùng phát nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nguyên nhân chính do thời tiết lạnh, mưa nhiều và môi trường nồm ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus sinh sôi nhanh chóng, từ đó làm tăng khả năng gây bệnh ở con người.
Các bệnh này lại có đặc điểm dễ lây lan qua đường hô hấp và tiêu hóa, dẫn đến nguy cơ phát triển thành các đợt dịch lớn.
Thêm vào đó, đây cũng là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội, khiến việc di chuyển và tụ tập đông người tăng cao, làm gia tăng nguy cơ lây truyền các bệnh nguy hiểm, góp phần thúc đẩy sự bùng phát của dịch bệnh mùa Đông Xuân.
Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng hiện nay cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hệ miễn dịch của con người, dẫn đến sự gia tăng số ca mắc các bệnh về đường hô hấp.
Dưới đây là một số loại dịch bệnh hiện nay ở Việt Nam xảy ra vào mùa Xuân.
Cúm mùa
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra. Bệnh lây lan trực tiếp từ người mắc sang người khỏe mạnh thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho hoặc hắt hơi.
Sau khi tiếp xúc với virus khoảng 2 ngày (giai đoạn ủ bệnh), người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng ban đầu như sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau nhức cơ, chóng mặt, chán ăn, mệt mỏi, ho, đau họng, chảy nước mũi, buồn nôn, đau tai. Một số trường hợp có thể gặp thêm triệu chứng tiêu chảy.
Bệnh cúm mùa thường tiến triển lành tính, nhưng trong một số trường hợp, có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng.
Những đối tượng dễ bị ảnh hưởng bao gồm người mắc bệnh mãn tính về tim mạch và hô hấp, người suy giảm miễn dịch, người cao tuổi, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Các biến chứng có thể bao gồm viêm phổi nặng, suy đa tạng và thậm chí dẫn đến tử vong.
(Ảnh: Getty images)
Dị ứng thời tiết
Mùa Xuân là thời điểm muôn loài sinh sôi, cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa lá khoe sắc rực rỡ. Tuy nhiên, đây cũng là mùa dễ phát sinh các vấn đề dị ứng như mẩn ngứa, các bệnh lý ngoài da, viêm mũi dị ứng hay viêm kết mạc mắt.
Nổi mề đay thường đặc trưng bởi các vùng da đỏ, ngứa rát, kèm theo cảm giác nóng bức, tập trung chủ yếu ở các vùng da khô trên tay chân. Tình trạng này xuất phát từ việc cơ thể tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, kết hợp với sự thay đổi thất thường của thời tiết nóng và lạnh.
Mẩn ngứa và mụn ngoài da cũng dễ bùng phát, đặc biệt trong mùa Xuân. Lúc này, da trở nên nhạy cảm hơn dưới tác động của tia tử ngoại, khiến các tế bào da bị tổn thương và dẫn đến sự hình thành các nốt mẩn đỏ hay mụn nhỏ trên bề mặt.
Viêm mũi dị ứng là tình trạng xảy ra quanh năm, nhưng thường nghiêm trọng hơn vào mùa Xuân ở những người có cơ địa dễ bị dị ứng. Nguyên nhân chính là do lượng phấn hoa trong không khí tăng cao, gây ra một loạt các triệu chứng khó chịu như ngứa mũi, hắt hơi liên tục, chảy nước mũi không ngừng và nghẹt mũi dai dẳng.
(Ảnh: Getty images)
Bệnh đường hô hấp
Do đặc điểm khí hậu lạnh và ẩm của mùa Xuân, đây thường là thời điểm các bệnh liên quan đến đường hô hấp bùng phát mạnh mẽ, đặc biệt trong nhóm trẻ nhỏ, vốn có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện.
Bệnh hen: Một trong những bệnh phổ biến vào thời gian này là hen phế quản. Thời tiết thay đổi thất thường không chỉ làm suy giảm hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể mà còn khiến sức đề kháng chống lại các vi khuẩn, virus gây bệnh bị yếu đi đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển.
Bệnh viêm phổi: Đây là tình trạng thường xuyên xảy ra vào mùa Xuân, nguyên nhân chính do vi khuẩn tấn công vào hệ hô hấp. Người mắc bệnh này thường có các triệu chứng điển hình như sốt cao, ho dai dẳng và thở nhanh. Khi nhận thấy những dấu hiệu này, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời bằng thuốc kháng sinh.
Bệnh viêm khí-phế quản cấp: Đây là căn bệnh cũng khá phổ biến trong mùa Xuân, thường do các loại virus cúm gây ra. Biểu hiện của bệnh bao gồm hắt hơi, sổ mũi, ho, sốt, đau nhức cơ thể, mệt mỏi và nếu nặng hơn có thể dẫn đến đau ngực hoặc khó thở. Để phòng ngừa hiệu quả, cần chú ý giữ ấm cơ thể, bổ sung nhiều loại trái cây để tăng cường sức đề kháng và uống đủ nước hàng ngày.
(Ảnh: Getty images)
Sởi
Sởi là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus gây ra, lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Virus từ dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh phát tán vào không khí khi họ ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, khiến nguy cơ lây lan tăng cao.
Bệnh sởi thường xuất hiện ở trẻ nhỏ và những người có hệ miễn dịch yếu, dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa hoặc tiêu chảy. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tử vong.
Điều trị cho trẻ mắc bệnh sởi. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Thủy đậu
Bệnh thủy đậu là một dạng bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây ra, thường xuất hiện dưới dạng dịch bệnh vào mùa Xuân.
Virus này chủ yếu lây lan qua đường hô hấp, tức qua không khí. Người khỏe mạnh dễ bị lây nhiễm khi hít phải các giọt nước bọt chứa virus được phát tán qua ho, hắt hơi hoặc chảy mũi từ người bệnh.
Ngoài ra, bệnh cũng có thể truyền qua tiếp xúc trực tiếp với các bóng nước bị vỡ, vùng da tổn thương hoặc lở loét của bệnh nhân thủy đậu. Đặc biệt, phụ nữ mang thai mắc thủy đậu dễ truyền bệnh sang thai nhi qua nhau thai.
Mặc dù thủy đậu được xem là một bệnh lành tính, nó vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ra những biến chứng nghiêm trọng như viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào hay viêm gan. Trong một số trường hợp nặng không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tử vong.
(Ảnh: Getty images)
Quai bị
Bệnh quai bị là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, thường xuất hiện phổ biến ở đối tượng trẻ em dưới 15 tuổi. Trong số đó, phần lớn các ca bệnh được ghi nhận tập trung vào nhóm tuổi từ 6 đến 10 tuổi, lứa tuổi mà hệ miễn dịch còn chưa phát triển hoàn thiện.
Đặc điểm lây lan của bệnh rất dễ dàng và nhanh chóng thông qua đường hô hấp. Khi người nhiễm bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi, các giọt nước bọt nhỏ li ti chứa virus sẽ phát tán ra không khí, tạo điều kiện cho virus xâm nhập vào cơ thể những người xung quanh.
Viêm màng não mô cầu
Viêm màng não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Bệnh có thể xuất hiện suốt cả năm nhưng thường bùng phát thành dịch vào mùa Đông Xuân. Nếu được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và tuân thủ phác đồ phù hợp, tỷ lệ khỏi bệnh có thể đạt từ 85 đến 95%.
(Ảnh: Getty images)
Viêm kết mạc
Đây là một căn bệnh dị ứng thường xuất hiện ở mắt và phổ biến hơn cả ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Căn bệnh này có xu hướng bùng phát mạnh vào thời điểm mùa Xuân, khi các điều kiện môi trường thuận lợi cho sự phát triển và lan truyền của các yếu tố gây dị ứng.
Những triệu chứng điển hình mà người bệnh thường gặp phải bao gồm tình trạng đỏ và kích ứng ở cả hai mắt, tiết nhiều nước mắt, cảm giác ngứa râm ran khó chịu ở vùng mắt, và sự nhạy cảm cao độ với ánh sáng. Đặc biệt, bệnh có tính chất dai dẳng và dễ dàng tái phát theo chu kỳ, thường trầm trọng nhất mỗi khi mùa Xuân đến.
Cách dự phòng bệnh truyền nhiễm khi thời tiết chuyển mùa
Vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, cha mẹ cần nâng cao ý thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho trẻ tại gia đình sau:
- Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch.
- Giữ ấm cơ thể, nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Tuy nhiên, bạn cũng cần chú ý không nên mặc quá nhiều áo (nhất là trẻ em vì có thể làm trẻ bị toát mồ hôi và ngấm ngược lại vào cơ thể gây cảm lạnh, sốt cao).
- Tạo môi trường sinh hoạt thông thoáng, hạn chế đến nơi đông người. Trường hợp ra ngoài phải đeo khẩu trang.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ thân thể và môi trường sống, rửa tay với xà phòng đúng cách, vệ sinh mũi, họng hàng ngày.
- Cần ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/mot-so-benh-co-nguy-co-bung-phat-vao-mua-xuan-post1008501.vnp