Một tháng sau trận động đất mạnh 7,7 độ richter hôm 28-3, người dân Myanmar vẫn chưa hết bàng hoàng và đang cố gắng quay trở lại cuộc sống thường nhật. Trận động đất Myanmar đã tàn phá trên diện rộng, cướp đi mạng sống của hơn 3.700 người theo số liệu chính thức.
Trận động đất Myanmar cũng gây thiệt hại nghiêm trọng ở Thái Lan. Theo tờ Bangkok Post, 41 người thiệt mạng và 9 người bị thương trong vụ sập văn phòng kiểm toán tại thủ đô Bangkok.
Thiệt hại về người quá lớn trong trận động đất Myanmar đã đặt ra câu hỏi về việc làm thế nào để sống sót trong các thảm họa thiên nhiên như thế này.
Người dân đứng bên cạnh ngôi nhà đổ nát do trận động đất Myanmar hồi tháng 3. Ảnh: THE GUARDIAN
Trong một cuộc phỏng vấn của đài ABC News, các chuyên gia chia sẻ rằng có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng khả năng sống sót của những nạn nhân bị mắc kẹt trong đống đổ nát vì động đất, bao gồm thời tiết, nhiệt độ, khả năng tiếp cận nguồn dưỡng khí và nước uống.
Các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sống sót
Theo giới chuyên gia, nạn nhân vẫn có khả năng sống sót trong một tuần hoặc hơn nếu vết thương không quá nghiêm trọng, nhưng với điều kiện thời tiết không quá nóng hoặc quá lạnh.
Với hầu hết cuộc giải cứu, 24 giờ đầu sau thảm họa là thời gian vàng để tìm kiếm người sống sót vẫn còn đang mắc kẹt dưới đống đổ nát. Các chuyên gia cho biết khả năng sống sót của nạn nhân sẽ liên tục giảm dần theo từng ngày sau đó.
Theo nhà địa lý học từ ĐH Brown (Mỹ) - ông Victor Tsai, nạn nhân bị mắc kẹt sẽ có nhiều khả năng sống sót hơn nếu họ ở trong một không gian “sống sót” như phía dưới một chiếc bàn vững chắc trong thời gian chờ đợi được cứu.
Chuyên gia ứng phó khẩn cấp tại ĐH George Washington (Mỹ) - PGS.TS Joseph Barbera nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn nước uống và dưỡng khí.
“Người mắc kẹt có thể sống sót trong một khoảng thời gian dài mà không cần lương thực, nhưng khả năng sống sót sẽ giảm đáng kể nếu thiếu nguồn nước” - TS Barbera cho biết.
Khả năng sinh tồn của nạn nhân sẽ giảm đáng kể nếu nơi bị sụp xảy ra hỏa hoạn, khói bụi hoặc rò rỉ hóa chất nguy hiểm.
Nhiệt độ trong nơi đổ nát và xung quanh khu đổ nát cũng phần nào ảnh hưởng đến khả năng sống sót của nạn nhân và tốc độ phản ứng của lực lượng cứu hộ. Tại Myanmar, nhiệt độ hơn 40 độ C hằng ngày đã làm chậm đáng kể các hoạt động cứu hộ, nhất là các hoạt động tìm kiếm thủ công.
Tình trạng mất điện, tín hiệu liên lạc không ổn định, việc thiếu máy móc hạng nặng để di dời đất đá quanh các nơi đổ nát cũng làm chậm các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ.
Và khi tìm thấy những người sống sót, lực lượng cứu hộ sẽ cần chú ý quan sát và đưa ra phương án giải cứu phù hợp trước khi di chuyển nạn nhân khỏi đống đổ nát. Nếu không, độc tố tích tụ từ các cơ quan bị tổn thương và tình trạng thiếu nước trong thời gian dài sẽ khiến họ bị sốc sau khi được giải cứu.
Cần làm gì trong động đất?
Theo hướng dẫn từ tài liệu của phần lớn các quốc gia, biện pháp tốt nhất để hạn chế thương tích trong lúc động đất xảy ra là nằm xuống, tìm nơi an toàn để nấp và chống chịu tại đó, trừ khi bạn đang ở gần lối ra của tòa nhà.
Lực lượng cứu hộ động đất Myanmar. Ảnh: GETTY IMAGES
Những nơi phù hợp để nấp có thể là một cái bàn nặng hoặc những món đồ nội thất trông chắc chắn để tạo ra một không gian an toàn, ngăn nguy cơ tăng thêm thương tích từ việc sụp trần nhà. Che mặt bằng vải hoặc mặt nạ để bảo vệ đường hô hấp của bạn khỏi bụi và mảnh vỡ.
Trong trường hợp bị mắc kẹt trong đống đổ nát sau trận động đất, hãy tiết kiệm năng lượng và đừng gắng sức. Chia lương thực và thức uống (nếu có) thành từng phần nhỏ để kéo dài thời gian sinh tồn.
Tập trung lắng nghe tiếng hô hoán của lực lượng cứu hộ, và tìm cách tạo tiếng động lớn để thu hút sự chú ý. Nếu có điện thoại bên mình, bạn cần tiết kiệm pin và duy trì liên lạc cho trợ giúp hoặc cứu hộ theo từng đợt ngắn.
MINH CHIẾN