Một thìa Sudan, mất cả thị trường: Nông sản Việt đừng để màu đỏ nhuộm đen tương lai

Một thìa Sudan, mất cả thị trường: Nông sản Việt đừng để màu đỏ nhuộm đen tương lai
6 giờ trướcBài gốc
Trong cuộc đua tăng trưởng xuất khẩu nông sản, Việt Nam đang đạt được nhiều thành tựu ấn tượng. Tuy nhiên, bên cạnh những con số tích cực, vẫn tồn tại những “quả bom nổ chậm” có thể làm lung lay cả một ngành hàng chỉ vì một hành vi gian lận. Điển hình là vụ việc chất nhuộm công nghiệp Sudan bị phát hiện trong bột nghệ và ớt xuất khẩu sang Đài Loan, thị trường vốn nổi tiếng với hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt.
Sudan: “Màu đỏ chết người” đe dọa thương hiệu nông sản Việt
Chất nhuộm Sudan gồm 4 loại (I, II, III, IV) là chất tạo màu đỏ cam, tan trong dầu, từng được dùng trong ngành công nghiệp nhuộm mỡ, nhựa, cao su, nhưng hoàn toàn bị cấm trong thực phẩm do khả năng gây ung thư, đột biến gen và ảnh hưởng nội tiết.
Thuốc nhuộm Sudan có thể xuất hiện trong bột ớt hoặc bột nghệ.
Vì chạy theo thị hiếu “đậm màu là nguyên chất”, một số cơ sở sản xuất tại Việt Nam đã pha trộn Sudan vào bột nghệ, ớt nhằm tăng độ bắt mắt và thu hút người tiêu dùng. Hành vi này không chỉ nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng mà còn phá hủy toàn bộ nỗ lực xây dựng uy tín thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (TFDA) đã phát hiện Sudan trong nhiều lô hàng bột nghệ và bột ớt nhập khẩu, trong đó có các sản phẩm từ Việt Nam. Theo quy định, chỉ cần phát hiện một lượng rất nhỏ chất cấm, cả lô hàng sẽ bị từ chối, tiêu hủy hoặc trả về, đồng thời doanh nghiệp xuất khẩu có thể bị cấm vĩnh viễn.
Đài Loan yêu cầu mọi sản phẩm bột nghệ và ớt nhập khẩu phải kèm theo báo cáo thử nghiệm Sudan, phương pháp phân tích, giới hạn định lượng (LOQ) và đơn vị kiểm nghiệm rõ ràng. Điều này cho thấy không chỉ một doanh nghiệp bị ảnh hưởng, mà cả chuỗi cung ứng Việt Nam có thể bị "vạ lây".
Theo TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, việc phát hiện Sudan trong sản phẩm là đòn giáng mạnh vào nỗ lực tiếp cận các thị trường khó tính. “Chỉ một thìa hóa chất có thể khiến cả doanh nghiệp bị loại khỏi thị trường. Rủi ro không chỉ nằm ở giá trị kinh tế của một lô hàng, mà còn là uy tín của toàn ngành hàng”, ông cảnh báo.
Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam cũng nhận định, trong bối cảnh xuất khẩu ớt tăng mạnh đầu năm 2024 (1.618 tấn, đạt 3,9 triệu USD), việc bị đưa vào danh sách giám sát tại Đài Loan là lời cảnh báo nghiêm khắc.
Hướng đi nào cho ngành hàng gia vị và thảo dược Việt Nam?
Cơ quan quản lý Việt Nam đã nhanh chóng lên tiếng. Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị các Cục chuyên môn và hiệp hội ngành hàng phổ biến cảnh báo của TFDA, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp kiểm nghiệm Sudan định kỳ, tuân thủ quy trình kiểm soát chất lượng từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm.
Bên cạnh đó, TS Nam khuyến nghị người tiêu dùng trong nước cần tránh xa các sản phẩm trôi nổi, không nhãn mác, giá rẻ bất thường. Một số cách thử đơn giản tại nhà như hòa bột nghệ vào nước để kiểm tra lớp váng đỏ, hay dùng khăn giấy lau bột có để lại vệt màu bất thường... có thể giúp nhận biết ban đầu, giảm nguy cơ tiếp xúc hóa chất độc hại.
Việt Nam là quốc gia có lợi thế lớn về sản xuất gia vị và thảo dược, đặc biệt là bột nghệ, bột ớt – những sản phẩm được ưa chuộng tại châu Á và châu Âu. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả thị trường cao cấp như Đài Loan, Nhật, EU… thì không thể tồn tại tư duy sản xuất "mì ăn liền", chạy theo lợi nhuận bất chấp rủi ro.
Các doanh nghiệp cần chuyển từ tư duy "bán cái mình có" sang "sản xuất cái thị trường cần", trong đó kiểm soát chất lượng phải là yếu tố bắt buộc, không thỏa hiệp. Việc đầu tư vào hệ thống truy xuất nguồn gốc, liên kết vùng trồng nguyên liệu chuẩn GAP, và công bố chất lượng rõ ràng sẽ là bước đi bắt buộc nếu muốn phát triển bền vững.
Sudan không đơn thuần là một chất màu, nó là bài kiểm tra đạo đức và trách nhiệm của toàn chuỗi giá trị nông sản. Trong một thế giới mà niềm tin là tài sản quý giá nhất, thì chỉ một hành vi gian dối cũng có thể đẩy doanh nghiệp và cả ngành hàng ra khỏi thị trường quốc tế.
Nếu Việt Nam muốn giữ vững vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cần quyết liệt xóa bỏ những “vết dầu loang” Sudan trong nông sản. Đó không chỉ là nhiệm vụ của doanh nghiệp, mà là trách nhiệm chung của ngành, của Nhà nước và của từng người tiêu dùng.
Trung Việt
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//tieu-dung/mot-thia-sudan-mat-ca-thi-truong-nong-san-viet-dung-de-mau-do-nhuom-den-tuong-lai-1106753.html