1. Nằm cách Paris chừng 70km nhưng vẫn trực thuộc vùng Paris. Từ trung tâm Paris đến Fontainbleau khá tiện, đi tàu mất chừng 40 phút, xe hơi cũng vậy. Nhà ga Fontainbleau, dù chỉ được coi là một ga xép, nhưng sạch sẽ và thoáng đãng. Vào kỳ nghỉ cuối tuần thường rất đông. Ngoài khách du lịch ngoại quốc, thì đa phần là sinh viên, học sinh trung học về khám phá vùng đất huyền thoại, hay cũng là những trí thức Paris, về đây thư giãn.
Lâu đài Hoàng gia Fontainebleau.
Lâu đài Hoàng gia Fontainebleau nổi tiếng được Vua Francois đệ nhất cho xây dựng, có niên đại từ thế kỷ XVI, đánh dấu cột mốc kết thúc một thời Trung cổ được cho là đen tối và đẫm máu nhất trong lịch sử Pháp và châu Âu để chuyển qua thời Phục Hưng tươi sáng. Đây là một trong bốn khu Di tích của vùng Paris đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Lâu đài Fontainebleau không hoành tráng như lâu đài Versailles nhưng cổ kính thâm nghiêm. Qua mỗi triều đại, các Vua Pháp lại tô điểm, thêm vào những thị hiếu nghệ thuật riêng của mình. Những bức tranh tường, những chùm đèn nến bằng pha lê, những bức tượng bán thân đều toát lên sự tinh xảo, tinh tế của người nghệ sĩ. Trước thềm là cầu thang hình móng ngựa, nơi Napoléon Đệ nhất đã khóc nức khi phát biểu bài diễn văn cuối cùng của mình để từ biệt nước Pháp, từ biệt Quân đội trước khi bị đày đi biệt xứ. Khu vườn cũng hết sức điệu đàng và kiểu cách! Cả một màu đỏ của cây cối vào thu hòa trong một không gian mênh mông... Khu hồ xanh biếc với đàn thiên nga trắng toát nhởn nhơ bơi...
Cũng như rất nhiều địa điểm cổ kính của châu Âu, nơi đây có dịch vụ đi xe ngựa. Những chiếc xe điệu đàng, được kéo bởi những chú ngựa được chăm sóc chu đáo theo phong cách hoàng gia. Giữa trưa vắng, tiếng xe và vó ngựa kêu lóc cóc trên con đường lát đá phiến gồ ghề, khiến ta có cảm giác thời gian như ngưng đọng, ta trở về với thời kỳ Phục Hưng thời Trung cổ.
Fontainebleau cũng nổi tiếng với những khu rừng hoàng gia bạt ngàn, hàng năm thu hút hàng triệu khách du lịch viếng thăm. Xưa kia, Pháp vốn nổi tiếng về nghề đóng thuyền và nhờ những chiến thuyền khổng lồ mà Pháp trở nên lừng danh hơn trong công cuộc chinh phục thuộc địa, nên các đấng quân vương Pháp rất chú trọng trồng rừng, vừa để lấy gỗ, vừa là nơi để các bậc đế vương đi săn bắn, giải trí. Chính những cánh rừng bạt ngàn này đã là niềm cảm hứng cho các danh họa nổi tiếng và họ để lại cho hậu thế những bức tranh không tuổi.
2. Từ Paris, tàu chạy xuyên qua những hàng cây rậm rạp, xe hơi chạy trên những con đường phẳng lì, thẳng tắp, rợp bóng vào mùa hè, nhưng đẹp và rực rỡ hơn là khi vào thu. Từng đám lá vàng xen kẽ những tán lá còn xanh của đám cây tùng, cây bách, tạo nên một bức tranh đa sắc, khiến khách lãng du mơ màng. Mỗi mùa đều mang vẻ đẹp riêng, mùa đông, rừng cây trụi lá với vẻ đẹp hoài niệm. Đây cũng là nơi mà các đạo diễn điện ảnh chọn cảnh quay cho nhiều bộ phim dã sử. Nơi đây cũng có rất nhiều con đường dài hàng chục km dành cho người đi bộ và đạp xe đạp.
Vào đầu tháng 9, tại đây có một phiên chợ ngoài trời lớn nhất vùng và lớn nhất trong năm. Đó là phiên chợ dọn tủ/ Vide Grenier, kéo dài vài ngày liền, thu hút rất đông khách. Có những người đã đi hàng trăm km để đến đây trong những ngày này. Không chỉ để mua bán mà còn để khám phá, bởi phiên chợ này vẫn còn ít nhiều mang dấu ấn quý tộc truyền thống Pháp...
Hồi đầu chỉ là hình thức trao đổi vật dụng lẫn nhau. Cùng với thời gian, hình thái cũng chuyển đổi dần đi. Trong các phiên chợ dọn tủ, người bán thường rất hồ hởi, giá cả món đồ không quan trọng đối với họ, nên nhiều khi được bán với giá rẻ không tưởng, bởi mục đích chính của họ là thấy đồ vật của mình được kéo dài thêm tuổi thọ... Hoặc cũng có những trường hợp, gia đình có người mới mất, họ muốn bán đồ đạc để giải phóng nhà, những trường hợp này, đôi khi ta tìm thấy những món đồ có niên đại hàng trăm năm, bởi không phải người dân Pháp nào cũng hiểu được và muốn hiểu giá trị của những cổ vật.
Đi chợ dọn tủ cần kiên nhẫn, tìm kiếm và không nên ngại hỏi. Người bán rất vui và sẵn sàng lục tung mớ hàng hóa của họ để tìm ra thứ khách cần, dù đôi khi chỉ được bán với vài Euro. Người bán kẻ mua đều hài lòng và trao nhau nụ cười cởi mở, ánh mắt thân thiện... Tới đây, nhất là buổi tối, sẽ được ngắm những cảnh sắc đẹp như trong cổ tích với đèn hoa lộng lẫy và các vòng đu quay từ thời xa xưa. Những cỗ ngựa gỗ hết sức sống động, to và được sơn như thật từng ánh mắt đến mẩu đuôi của từng con ngựa...
Khu phố cổ của Fontainebleau cũng rất đáng để du khách ghé thăm. Ẩn mình bên những rặng cây vàng mượt dưới nắng thu là những ngôi biệt thự điệu đàng mang màu hoàng gia hệt như những tòa lâu đài thu nhỏ nằm giữa khu vườn yêu kiều đầy hoa với lối đi sang trọng trải đá dăm trắng. Nước Pháp cổ kính ở vùng quê này khác xa với thành phố Paris hoa lệ.
Chợ dọn tủ.
3. Ở ngoại ô Fontainebleau, ta sẽ gặp lại sông Seine, nhưng là một cảnh trí khác hẳn với đoạn chảy qua Paris. Sông nơi đây rộng, sâu và trong vắt. Thảm thực vật ở đôi bờ cũng xum xuê và thơ mộng hơn. Thấp thoáng đây đó là những ngôi biệt thự, duyên dáng hệt như những tòa lâu đài nhỏ nằm sát mé sông, cạnh đó là những con thuyền trắng thanh thoát. Đôi khi ta cũng bắt gặp những sà lan chở hàng nặng nề im lìm rẽ sóng lướt đi... Những biệt thự ấy, khúc sông này đã đi vào văn học Pháp, trong những trang tiểu thuyết để đời và trong cả những bộ phim. Dưới dáng chiều thu, chúng đẹp mê li, long lanh, mang dáng dấp thần tiên.
Trong lúc đi dọc theo mé sông ở ngoại ô, khách lãng du yêu văn chương hẳn sẽ rất thích thú khi bất chợt gặp một ngôi nhà nhỏ nhưng đã ghi dấu ấn trong lịch sử văn học Pháp. Đó là ngôi nhà của thi sĩ Stéphane Mallarmé (18/3/1842 - 9/9/1898) và giờ đây đã trở thành Nhà bảo tàng. Thi sĩ Mallarmé sinh tại Paris trong một gia đình thượng lưu, nhưng chán cảnh phồn hoa, ông đã về sống tại làng Vulaines-sur-Seine và đã qua đời tại đó. Stéphane Mallarmé là nhà thơ, nhà văn, dịch giả, nhà giáo và nhà phê bình nghệ thuật tên tuổi của Pháp ở thế kỷ XIX. Ông theo trường phái Nghệ thuật vị Nghệ thuật. Ông là thầy của nhiều thế hệ, nhờ sự chuyên tâm tìm kiếm cách tân nền thơ ca Pháp và có ảnh hưởng rõ rệt đến nhiều thế hệ thi sĩ Pháp, từ Paul Valéry đến Yves Bonnefoy.
Nhưng ông đã không sống trong "tháp ngà" mà đã từng mở và điều hành một phòng trà văn chương tại Paris mang tên "Thứ ba Mallarmé", sinh hoạt vào tối thứ ba hàng tuần. Nơi đây đã thu hút rất nhiều tên tuổi trong làng nghệ thuật Paris thời đó, trong đó có nhà thơ nổi tiếng Paul Verlaine. Và cũng do những đòi hỏi khắt khe của mình, ông đã được Paul Verlain đánh giá là 1 trong 5 Poètes Maudit (nhà thơ không gặp thời) của Pháp trong thế kỷ XIX.
Trong một bức thư gửi Paul Verlain, ông viết: "Ngay khi đầu óc quá mệt mỏi, tôi quên hết những bản nhạc khi đi dạo cạnh sông Seine và cánh rừng Fontainebleau, trong cùng một địa điểm từ nhiều năm nay: Tại đó, tôi xuất hiện hoàn toàn khác, chỉ đằm mình mê đắm cùng sông nước. Tôi tôn vinh dòng sông, nó luôn để ta sà vào lòng nhiều ngày liền mà không hề gây cảm giác đã đánh mất thời gian, cũng chẳng mảy may hối hận. Chỉ một mình dạo chơi trên chiếc xuồng gỗ gụ, hối hả chèo, nhưng rất hãnh diện về hạm đội của mình".
Lá thư cuối cùng ông viết cho vợ và con gái vào hôm trước ngày ông qua đời (8/9/1898) khiến người ta xúc động bởi chỉ trong vài dòng nhưng ông đã nhắc họ nên làm gì với những ghi chép "chất thành đống" của mình. Khi ấy ông đã không ngờ rằng sau này chính những ghi chép sẽ là nguồn cảm hứng cho biết bao nhà thơ hậu duệ của ông.
Thư viết: "Cơn co giật đến ngạt thở ban nãy có thể sẽ tái diễn trong đêm nay và sẽ quật ngã bố. Thế nên hai mẹ con đừng ngạc nhiên thấy rằng bố đang nghĩ đến những gì mà bố đã ghi chép, xếp thành những chồng cao ngất, số tài liệu đó chỉ khiến hai mẹ con phải vất vả dọn dẹp thôi. Đừng thất vọng rằng sẽ chẳng sử dụng được gì trong đó nhé. Chỉ có bố mới biết có thể làm được gì với chúng thôi… Bố đã có thể làm được điều đó nếu như còn thời gian. Do vậy, hãy đốt hết chúng đi. Ở đây không có di sản văn chương gì đâu, những người thân thương nhất của tôi ơi.
Cũng đừng nghe ai đó đánh giá cao chúng nhé, hoặc hãy từ chối tất cả mọi sự can thiệp của người khác vì tò mò hoặc nhân danh bạn hữu. Hãy nói với họ rằng sẽ không tìm thấy gì ở đó hết, vả lại đó là sự thật đấy! Và hai mẹ con ơi, hai con người buồn thảm nhất trong những ngày sắp tới của ta ơi, hai người là những người duy nhất trên đời đã tôn trọng toàn bộ một cuộc đời nghệ sĩ chân thành nhường ấy, hãy tin rằng cuộc đời ấy đã rất đẹp nhé ".
Theo ông: "Để anh sống lại chỉ cần trên môi em/ Mượn gió thì thầm tên anh hàng đêm… ".
Hiệu Constant (Từ Paris, Pháp)